Nằm ngủ trong xe ô tô có bật điều hòa cần hết sức lưu ý để cho không khi lưu thông.
Hay như bi kịch thương tâm đã xảy ra tại bãi đỗ xe của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 19/5/2020 vừa qua. Do thời tiết nắng nóng, 2 thanh niên đã bật điều hòa rồi ngủ thiếp trong xe. Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, 2 thanh niên được người dân phát hiện đã tử vong trong tình trạng cả người lạnh cứng.
Tường chừng như việc ngồi trong xe hơi bật điều hòa, mặc cho trời nắng nóng hay trời mưa giá lạnh cũng vẫn an toàn, tuy nhiên có những hiểm họa mà bạn không bao giờ lường trước được.
Về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi ngắn với bác sỹ Lương Trung Thành, Phòng khám Bác sỹ Gia đình, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PV: Nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng tử vong khi ngủ trong ô tô đang bật điều hòa đóng kín cửa, thưa bác sĩ?
Bác sỹ Lương Trung Thành: Khi ngủ trong ô tô đang bật điều hòa đóng kín cửa, hàm lượng oxy sẽ giảm dần do quá trình chúng ta hít thở và trao đổi oxy, khi đấy hàm lượng CO2 sẽ tăng lên.
Ngoài ra, việc lái xe dừng, đỗ 1 chỗ mà đang bật điều hòa, sẽ sản sinh ra khí carbon monoxide (CO). Lúc này, khí CO sẽ len lỏi vào trong khoang xe gây hại cho cơ thể, đặc biệt là ngộ độc. Nếu cơ thể bị ngộ độc, hôn mê có thể dẫn đến tình trạng tử vong khi đóng kín cửa và ngủ trong xe ô tô.
PV: Khi lái xe di chuyển hàng giờ trên ô tô đóng kín cửa và bật điều hòa có gì khác so với việc ngủ trong ô tô?
Bác sỹ Lương Trung Thành: Khi lái xe đang di chuyển thì lượng không khí luôn thay đổi, vì thế khí CO không có nồng độ cao xung quanh xe và khó len lỏi vào trong buồng lái. Việc này sẽ giúp cho những người ngồi trong ô tô tránh được nguy cơ bị ngộ độc.
PV: Có lưu ý gì để giúp cho các lái xe phòng tránh trong thời tiết đang bước vào giai đoạn nắng nóng như thế này, thưa bác sĩ?
Bác sỹ Lương Trung Thành: Trong mùa nắng nóng trên 40 độ C ở ngoài đường, khi các lái xe đang di chuyển hay như các lái xe taxi trong khi chờ khách mà ngồi nghỉ ngơi thì nên kiếm những nơi có tán cây bóng mát để dừng đỗ.
Ngoài ra, nếu nằm nghỉ ở trong xe, các lái xe nên để chế độ lọc gió ngoài, kèm theo để hé cửa kính tầm khoảng 2 – 3 cm để làm sao vẫn có thể lấy được không khí từ bên ngoài vào, tránh việc ngộ độc.
Bên cạnh đó, mỗi 30 – 45’, các lái xe nên mở cửa ra ngoài xe để lấy không khí thoáng mát bên ngoài và hạn chế ngồi trong xe liên tục hàng giờ.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!