Ly hôn, chuyện đâu phải chỉ của hai người

“Nếu không hạnh phúc, hãy ly hôn để giải thoát cho cả hai”, đó là lời khuyên quen thuộc đến mức bạn đã thuộc lòng đúng không? Nhưng không phải lúc nào ly hôn cũng đồng nghĩa với giải thoát và ly hôn cũng không phải chuyện của hai người.

“Hôn nhân là mồ chôn tình yêu”, ngạn ngữ phương Tây nói. “Hôn nhân không chỉ là mồ chôn tình yêu mà còn là mồ chôn tất cả”, cư dân mạng nói.

Hôn nhân vốn dĩ chưa bao giờ dễ dàng với bất kỳ ai. Khi hai con người tự nguyện ký vào tờ giấy kết hôn, về chung một nhà, ai cũng khao khát vun vén một tổ ấm, cùng sinh con đẻ cái, sống với nhau tới trọn đời. Nhưng giữa ước mơ và thực tế, giữa mong muốn và hành động luôn là một khoảng cách trời - vực.

Cuộc sống chung với muôn vàn khó khăn, từ sự va đập trong lối sống, sinh hoạt đến sự khác biệt về sở thích, hoài bão, mục tiêu cuộc đời. Rồi những bất đồng trong mối quan hệ giữa vợ chồng với bố mẹ hai bên, bất đồng trong nuôi dạy con cái, phân chia công việc trong gia đình. Rồi những sự số xảy ra như tai nạn, bệnh tật, phá sản… Hôn nhân thực sự là một cuộc vượt biển mà không biết phương nào là bờ bên kia.

Trong hành trình vượt biển ấy, nhiều cặp vợ chồng đã phải bỏ cuộc. Đó là khi họ không còn chấp nhận được nhau, là khi họ không còn chịu đựng nổi nhau, là khi họ không còn muốn cố gắng vì nhau nữa. Và là khi họ không thể nào cố gắng vì nhau thêm nữa.

Cuộc sống chung với muôn vàn khó khăn, từ sự va đập trong lối sống, sinh hoạt đến sự khác biệt về sở thích, hoài bão, mục tiêu cuộc đời. Rồi những bất đồng trong mối quan hệ giữa vợ chồng với bố mẹ hai bên, bất đồng trong nuôi dạy con cái, phân chia công việc trong gia đình.

Đã một thời, người ta xem việc ly hôn là điều gì khủng khiếp nên dù đau khổ cùng cực, họ vẫn không dám bước chân ra khỏi cái tổ địa ngục của mình. Họ cắn răng chịu đựng với lý do để con cái có bố mẹ, để bố mẹ họ được ngẩng mặt nhìn họ hàng làng xóm, để chính mình không phải cúi mặt với đời.

Thế rồi, thời tự do cũng tới, xã hội cởi mở hơn, giải phóng xiềng xích định kiến cổ hủ, người ta lại ký đơn ly hôn nhẹ hều, có vật vã đau khổ một thời gian cũng phải nhanh chóng vực dậy đi tìm hạnh phúc mới cho bản thân. Người ta không còn cắn răng nín nhịn, dẹp bỏ cái tôi để cố gắng hàn gắn những rạn nứt của hôn nhân. Như cái tivi bị hỏng, thay vì đem đi sửa, họ mua tivi mới. 

Nhưng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, không ai sống thay được cuộc hôn nhân của người khác để phán xét họ nên làm gì. Cũng như không ai sống trong căn nhà của họ để biểu được gốc rễ sâu xa của những quyết định ra đi hay ở lại nằm ở đâu. Ai cũng có lý do riêng của họ, lý do mà với họ là chính đáng.

Nhưng không nhiều người dành cho mình một khoảng suy xét đủ sâu, để ngẫm xem quyết định của họ có chính đáng với những đứa con hay không. Dù với mỗi quyết định, họ đều nói: Vì con.

Người ta vẫn động viên nhau rằng, ly hôn không phải là “trời sập”, rằng cánh cửa này đóng lại cánh cửa khác sẽ mở ra, rằng trái tim tan vỡ rồi sẽ lành lại, rằng Mr Right hay Ms Right của cuộc đời vẫn đang chờ ta ở đâu đó, rằng tình yêu sẽ đến lần nữa và chữa lành tất cả, v.v và v.v. Nhưng đó là câu chuyện của người lớn. Những đứa trẻ thì sao?

Trong cuốn sách “For Better or For Worse: Divorce Reconsidered” xuất bản năm 2002, hai tác giả E. Mavis Hetherington và John Kelly đưa ra con số thống kê dựa trên 25 nghiên cứu rằng, 25% người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ gặp các vấn đề nghiêm trọng về hòa nhập, tình cảm hay tâm lý. Trong khi con số này ở người có gia đình đủ cha mẹ là 10%.

Người lớn bảo vì con mà ở lại, nhưng biết bao cặp đôi ở lại mà không hàn gắn, ở lại với tâm lý nặng nề dồn nén, dằn vặt hành hạ nhau cả tinh thần lẫn thể xác, ngày qua ngày trước mặt con cái.

Rồi họ lại bảo vì con mà chia tay, để chúng không phải chứng kiến cảnh cha mẹ tấn công nhau, nhưng biết bao cặp chia tay mà không giải thoát, chia tay với gánh nặng của căm hận và uất ức, quanh quẩn lại trút lên con.

Lý do “vì con” trong rất nhiều trường hợp chỉ là sự bao biện của người lớn. Bởi đứa trẻ không còn là trung tâm trong các suy xét của họ. Cảm xúc của họ, sự tổn thương của họ, thể diện của họ, khao khát hạnh phúc của riêng họ mới là nhân vật chính

Mà con trẻ thì chỉ có một ngôi nhà để trở về, nơi có cha có mẹ. Với chúng, không có ngôi nhà thứ hai, không có cánh cửa thứ hai. Chúng cũng không đi tìm Mr Right hay Ms Right của cuộc đời và trái tim chỉ có thể chữa lành bởi tình yêu thương của cha mẹ.

Người lớn chúng ta luôn tự đặt mình ở thế bề trên, và luôn ám thị rằng mình đang hy sinh cho con đây, đang cố gắng vì con đây. Chúng ta đâu biết rằng: chính các con mới đang cố gắng sống tốt vì bố mẹ, cố gắng hy sinh cảm xúc cá nhân vì bố mẹ, cố gắng ngoan ngoãn vì bố mẹ, với khao khát mãnh liệt rằng, khi chúng đủ ngoan, đủ tốt, bố mẹ sẽ nghĩ lại mà sống với nhau tử tế hơn. 

Mấy ai làm cha mẹ khi gặp vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân đã trung thực với con cái, nói thật với con về chuyện của bố mẹ, giãi bày tâm sự với con, xin lỗi vì đã làm tổn thương con và xin con một lời khuyên? Nếu như có thể một lần và nhiều lần thú nhận với con cái của chúng ta rằng: Con ơi, bố mẹ không hạnh phúc. Bố mẹ cần phải làm gì đây?, hẳn mọi chuyện sẽ khác, theo một chiều hướng tích cực hơn.

Những đứa trẻ mới sống cuộc sống cùng chúng ta, mới hít thở bầu không khí cùng chúng ta, có thể chúng không hiểu thấu những ngọn nguồn của những rạn nứt nhưng chúng thấm thía những đau đớn đang chảy trong huyết quản của mỗi thành viên trong gia đình. Và bởi thế, chính chúng sẽ chỉ lối cho chúng ta, sẽ cho chúng ta biết phải làm gì, cần sửa chữa ở đâu hay cần lái con thuyền hôn nhân về bến bờ nào. 

Đừng nghĩ trẻ con “chẳng biết gì”, hay “không hiểu được”. Trò chuyện với con về mọi vấn đề, bàn bạc với con về những giải pháp, chia sẻ với con về những quyết định, tham vấn ý kiến, mong muốn, nhu cầu của con nếu cha mẹ không thể chung sống. Xin hãy thành thật với các con và tin tưởng vào cảm nhận của chúng. Đó mới thực sự là “vì con”, dù quyết định của cha mẹ là ở lại hay ra đi.

 

Link nguồn TTVN

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU