Lý Nhã Kỳ: "Tôi mãi mãi vẫn là Lý Nhã Kỳ, một cô gái nghèo có giấc mơ"

Nhiều thương hiệu muốn vào thị trường Việt Nam đều thông qua tôi, họ còn bay sang Việt Nam làm việc với tôi" – Lý Nhã Kỳ chia sẻ.

Cách đây không lâu, tại chương trình Vì sao tôi theo đạo Phật, Lý Nhã Kỳ đã tâm sự rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của mình.

9 tuổi đã phải vừa đi học vừa chăm ba mẹ đổ bệnh

Mỗi người trong chúng ta đều trải qua tuổi thơ khác nhau, tuổi thơ của tôi cũng khá đặc biệt. Nhưng so với nhiều người khác, tôi nghĩ mình vẫn may mắn hơn họ.

Ba tôi là thương binh 1/4. Khi tôi 7 tuổi, vết thương do chiến tranh của ba tái phát và ông đã bị liệt từ đó. Một mình mẹ tôi đã phải dùng hết sức khỏe, tâm trí để chăm chồng và nuôi ba người con của mình.

Lúc đó, chị cả của tôi mới 13 tuổi, chị hai 9 tuổi. Một người vợ, người mẹ phải gánh vác nhiều trọng trách như vậy là một áp lực. Sau một thời gian gánh vác, mẹ tôi cũng đổ bệnh, phải nằm viện.

Từ đó, ba chị em tôi phải tự đứng lên, chia nhau công việc. Chị cả tôi mới 13 tuổi đã phải đi buôn bán, nên lúc nào cũng ngã lên ngã xuống. Chị hai tôi phải đi chăm ba ở bệnh viện vì ba phải mổ. Còn tôi vừa đi học, vừa chăm mẹ.

 

Ba chị em tôi không cần nói với nhau, mà tự biết công việc của mình để làm. Cứ đi học về là tôi phải chạy tới bệnh viện để chăm mẹ. Chị hai tôi được ban giám hiệu, thầy cô thông cảm nên không phải đến trường, được ở nhà chăm ba, nhưng đến kỳ vẫn phải đi thi để được lên lớp.

Tuổi thơ của tôi có thể gọi là thiệt thòi vì không được trọn vẹn. Có những điều ước đơn giản như được ba chở đi học, đón về, hay một bữa cơm đoàn tụ gia đình đều là thứ xa xỉ với tôi.

Bởi vậy, điều quan trọng nhất với tôi là còn cơ hội để ở bên, chăm sóc ba mẹ. Đó mới là điều đáng quý khiến tôi trân trọng từng giây từng phút. 

Đến bây giờ, ba tôi đã mất, hai chị gái cũng lập gia đình, có con rồi, nhưng vẫn luôn trân trọng tất cả.

Chúng tôi vẫn làm cơm canh cúng ba mỗi ngày, vẫn mua đồ ăn sáng cho ba, dù ba đã mất.

Sức mạnh lớn nhất trong tôi giúp tôi đi lên là sự sinh tồn

Từ nhỏ tới lớn, cả gia đình tôi phải kiếm tiền để bố được sống, để gia đình được tồn tại, để có được những điều kiện tốt nhất giúp bố vượt qua cơn đau đớn.

Bởi vậy, ngay từ bé, tôi đã có suy nghĩ, quan điểm rằng phải sinh tồn. Sức mạnh lớn nhất trong tôi giúp tôi đi lên là sự sinh tồn. Sự sinh tồn đó không dành cho riêng bản thân tôi, mà dành cho cả gia đình, xã hội.

Tôi vốn không được đi học tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung, mà đều là tự học. Trong thời gian sống ở Đức, tôi buộc phải học tiếng Đức và tiếng Anh để nói được ngoại ngữ, giao tiếp được với mọi người. Đó là sự sinh tồn.

Tôi phải tự học tiếng Anh, tiếng Trung vì phải làm việc, tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Họ chỉ nói tiếng Anh hoặc tiếng Trung, nếu tôi không nói được, sẽ mất đi cơ hội làm việc với họ.

Chính sự sinh tồn đã giúp tôi có được khả năng tự học tiếng Anh, tiếng Trung qua những người bạn quốc tế. Tôi cũng không biết từ lúc nào đã nói được hai thứ tiếng này. Người ta cứ nói một câu, tôi học một câu, học làm sao để thích ứng nhanh nhất có thể, để sinh tồn.

Lúc đầu, có thể sẽ nói sai, nhưng tôi luôn cố gắng nói cho mọi người hiểu và tiếp nhận, hiểu được những gì họ nói với mình. Tôi tự chỉnh dần dần cho mình, từ sai ngữ pháp thành đúng.

 

Đến giờ, tôi đã nói được tiếng Anh, có thể không quá tốt, nhưng đủ để giao tiếp, làm việc, thương lượng với những công việc tôi đang thực hiện tại quốc tế.

Dù nhỏ bé, chỉ cao 1m6, bị hoài nghi, nhưng đã bước ra thế giới với niềm kiêu hãnh

Tôi nghĩ mình rất may mắn khi được các lãnh đạo, cơ quan nhà nước cũng như người dân ủng hộ để được làm Đại sứ du lịch. Áp lực của công việc này cũng nhiều.

Song song với đó là sự hoài nghi, về năng lực. Khán giả hoài nghi năng lực của tôi cũng đúng, vì tôi là đại sứ đầu tiên mà. Nhưng chính sự hoài nghi ấy đã làm cho tôi thận trọng, vững bước hơn trong công việc của mình và có trách nhiệm hơn.

Tôi cứ làm thôi, cứ đi với tư thế và niềm kiêu hãnh của một người Việt Nam. Cho dù tôi rất nhỏ bé, chỉ cao 1m6, nhưng tôi đã đi với hình ảnh Việt Nam, là phụ nữ Việt Nam.

Những bước đi của tôi khá may mắn. Tôi đã dần chứng minh được bản thân, năng lực của mình, biến hoài nghi của mọi người thành sự ủng hộ, tạo nên sức mạnh cho tôi.

Từ đây, tôi đã vận động, kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới, lại nhận được số phiếu cao nhất. Cho đến bây giờ, kỉ niệm đẹp nhất của tôi là các anh chị truyền thông, hay khán giả mỗi khi nhắc đến tôi đều nhắc tên Đại sứ du lịch.

Hoặc, mỗi khi tôi ra Hạ Long gặp lãnh đạo và người dân ở đó, họ vẫn nhắc đến chút công sức nhỏ bé của tôi với địa danh này.

Bị hoài nghi, không ai tin vì là người phụ nữ trẻ nhất kinh doanh kim cương ra thế giới

Những gì tôi nói đều là thật 100% về con đường, sự nghiệp của tôi. Đứng trước Đức Phật, tôi không nói dối hay màu mè, tâm hồn của tôi trở nên thanh tịnh hơn.

Sinh tồn là hai chữ tôi học được từ năm 7 tuổi tới giờ, và đến cuối đời, tôi vẫn phải học.

Như đã nói, để tiếp xúc được với bạn bè quốc tế, tôi phải tự học ngoại ngữ. Còn trong công việc kinh doanh, ngoài cơ hội, tôi vẫn phải tự học. Mọi người đều biết, tôi xuất thân từ một gia đình không liên quan tới kim cương hay trang sức. Gia đình bên nội tôi đều là quân đội.

Khi tôi bước chân vào làm kim cương, các đối tác của tôi ở quốc tế đều nói, tôi là người phụ nữ trẻ nhất dám bước chân vào lĩnh vực kim hoàn này.

Bởi vậy, khi tôi tới gặp các thương hiệu kim hoàn nổi tiếng thế giới, họ để tôi đợi rất lâu. Họp 3 giờ mà tới 4 giờ rưỡi vẫn chưa ai gọi tôi vào. Mãi về sau mới có một người quản lí ra hỏi: "Khi nào thì mẹ của cô mới tới?".

Lúc đó, tôi mới nói: "Không, là tôi nè. Tôi là Lý Nhã Kỳ, người mà mọi người book họp đó". Mọi người nghe xong mới ngã ngửa vì tôi còn quá trẻ.

Mọi người đều biết, những thương hiệu kim cương thế giới tôi mang về đều là các gia đình ba đời làm kim cương hay tập đoàn tuổi đời cả trăm năm. Để họ làm việc với một cô gái còn trẻ, nhỏ nhắn như tôi là hơi khó tin.

Nói tôi là chủ một công ty kim cương, không ai tin được. Họ hoài nghi chút xíu. Đó cũng là khó khăn khi tôi ra nước ngoài làm việc.

Nhưng đến khi vào họp, họ mới ngạc nhiên hỏi: "Sao cô lại am hiểu ngành này đến vậy?". Tôi đáp: "Thực ra trước khi bước vào đây, tôi không am hiểu gì. Tôi hiểu được ngay khi họp với các vị. Chính các vị đã dạy tôi trong lúc các vị nói chuyện".

Lúc đó, họ không biết nói gì, chỉ bảo: "Chắc cô sẽ là đối tác nhỏ nhất trên thế giới từng làm việc với tôi. Chúng tôi đặt niềm tin vào cô như ngọc trong đá. Chúng tôi tin không đặt niềm tin nhầm người".

Nhiều thương hiệu muốn vào thị trường Việt Nam đều thông qua tôi, họ còn bay sang Việt Nam làm việc với tôi

Sau đó, họ đã trở thành đối tác của tôi. Trong quá trình làm việc, tôi luôn giữ chữ tín lên đầu. Tôi đảm bảo đúng thời gian cho đối tác thanh toán, từ việc nhập kim cương về tới việc chế tác mẫu mã. Chữ tín chính là vốn của tôi, nhiều hơn tiền bạc.

Từ đó, tôi đã tạo được tên tuổi của mình trong ngành kim hoàn, đá quý ở Pháp, Italia. Càng ngày, tôi càng được nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới mời hợp tác. Thậm chí, họ còn bay sang Việt Nam làm việc với tôi.

Có rất nhiều thương hiệu muốn vào thị trường Việt Nam đều thông qua tôi, công ty của tôi và lấy chúng tôi làm kênh phân phối.

Cái vốn đầu tiên của chúng ta phải là uy tín, cái tâm và năng lực, sau đó mới đến tài chính, kinh tế. Vốn nhỏ thì làm nhỏ, khi nào tạo được uy tín, đòn bẩy trong việc kinh doanh thì sẽ tạo ra được vốn lớn.

Dù trong nước hay quốc tế, một khi đã có uy tín rồi thì các đối tác sẽ hỗ trợ lẫn nhau để cùng song hành với nhau, giúp con đường kinh doanh trở nên tốt hơn.

Thật ra, ngành kim hoàn rất nhạy cảm, vì nó chỉ nằm vỏn vẹn trong một cái nhẫn hay đôi bông tai. Bạn có thể lấy rồi đi luôn. Chứ bất động sản mới là khó lừa vì không để cầm mà xách đi được.

Bởi vậy, chữ tín trong ngành kim hoàn này rất quan trọng. Trên thế giới, người ta luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.

Tôi không hẳn là người thích xa hoa, cầu kỳ, mãi mãi vẫn là Lý Nhã Kỳ, một cô gái nghèo

Trước khi nổi tiếng, tôi cũng chỉ là một con người bình thường. Thậm chí, hồi nhỏ, tôi cũng đứng ao ước được là những nghệ sĩ nổi tiếng và được gặp, được chụp hình cùng họ. Nhưng tôi không dám, không tự tin vì nghèo, không là gì cả.

Tôi từng đứng phía xa xem chương trình của nghệ sĩ, nên rất hiểu cảm giác, suy nghĩ của khán giả. Tôi hiểu công chúng luôn muốn xem người nổi tiếng đẹp thế nào, sang trọng ra sao.

Bởi vậy, tôi không đươc phép kiêu ngạo khi là một ngôi sao. Tôi cũng từng mơ ước được chụp cùng người nổi tiếng như ai đó đã mơ, thì tại sao tôi lại cướp mất đi ao ước của người khác.

Nếu ngày trước, có nghệ sĩ nào đó đã không thực hiện ước mơ chụp chung hình của tôi, thì bây giờ, tôi sẽ thực hiện ước mơ cho bất cứ ai muốn chụp chung hình với tôi, muốn đến gần tôi, nắm bàn tay tôi hay ôm tôi.

Khi mọi người ôm tôi, tôi cũng run như mọi người, vì tôi cảm nhận được cảm giác, suy nghĩ của mọi người. Tôi cảm nhận được sự trân trọng của mọi người. Đó cũng là cảm giác tôi có với những nghệ sĩ khác khi tôi chưa nổi tiếng.

Trong đầu tôi đến giờ không còn nhớ mình có bao nhiêu chức danh, thành tựu. Tôi chỉ biết, mình mãi mãi vẫn là Lý Nhã Kỳ, một cô gái nghèo có giấc mơ, đang thực hiện giấc mơ của mình. Tôi trân trọng tất cả mọi người.

Tôi rất thích tới gần bà con, thích những gì bình dị nhưng ấm áp. Tôi không hẳn là người thích xa hoa, cầu kỳ. Tôi tên Kỳ nhưng không có cầu kỳ.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU