Điều trị nhưng khối hạch vẫn tiếp tục phát triển
Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật vét hạch cổ cho bệnh nhân đã từng mổ 1 lần ở bệnh viện tuyến dưới nhưng lại tái phát. Đặc biệt, khối hạch để lâu ngày có kích thước lên tới 7cm khiến cổ và mặt bệnh nhân bị sưng, lệch hẳn sang bên trái.
Bệnh nhân Nguyễn Viết H. (54 tuổi) trú tại Hoài Đức – Hà Nội đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội trong tình trạng cổ nổi cục to, giọng nói bị thay đổi.
Theo chia sẻ Anh H, trước đó anh phát hiện có hạch ở cổ từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, anh đến bệnh viện tuyến dưới để phẫu thuật cắt u tuyến giáp. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó, anh lại thấy cổ bắt đầu nổi hạch. Trong 2 năm, bệnh nhân đã điều trị nhiều phương pháp nhưng khối hạch vẫn tiếp tục phát triển khiến mặt lệch hẳn sang một bên.
Mới đây, anh H. đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và được chẩn đoán ung thư giáp di căn hạch cổ. Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy, khối hạch nằm ở cổ trái có kích thước lên đến 6x7cm, trong đó, hạch lớn nhất có kích thước gần 3cm, khối và các hạch thâm nhiễm dính khí quản, hạ họng động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong, cơ và da vùng cổ trái. Với tình trạng này, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vét hạch cổ.
BS Phan Lê Thắng - Phụ trách Đơn nguyên Ngoại Theo yêu cầu đánh giá, đây là cuộc mổ khá nặng nề cho bệnh nhân, do khối hạch to, lại để lâu ngày gây xâm lấn tĩnh mạch cảnh, dính vào động mạch cảnh gốc, các bác sĩ phải tiến hành vét lấy hết hạch, thắt tĩnh mạch cảnh. Ca phẫu thuật kéo dài gần 3 tiếng. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được bình thường.
BS Thắng khuyến cáo, bệnh nhân khi phát hiện có u tuyến giáp cần đến ngay cơ sở y tế uy tín, đúng chuyên khoa để được điều trị kịp thời, không nên để u phát triển lớn dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe.
Những điều biết về ung thư tuyến giáp
Theo các chuyên gia y tế biểu hiện triệu chứng cơ bản về ung thu tuyến giáp như trong quá trình sinh hoạt ăn uống, bất chợt bạn phát hiện cổ họng mình ăn thức ăn lúc nào cũng có cảm giác nghẹn, nuốt khó trôi mà không bị bất cứ một bệnh liên quan đến họng hay amidan nào mắc phải. Có lúc người bệnh gặp phải dấu hiệu buồn nôn và nôn. Đôi khi còn gây ra sự đau đớn cho những vùng xung quanh nếu khối u có dấu hiệu lây lan đến những vùng lân cận.
Giọng nói có dấu hiệu thay đổi như tiếng khàn đặc hơn, hoặc liên tưởng đến việc vỡ giọng giống như ở nam giới vào độ tuổi dậy thì. Đó là do khối u chèn ép tại phần tuyến giáp nên âm thanh phát ra khác lạ hơn so với ngày thường.
Từ những triệu chứng này, bạn có thể tự kiểm tra ung thư tuyến giáp bằng cách:
Bước 1: Bạn đứng ở trước một gương to và nhìn thẳng phần trên cơ thể và chú trọng nhất vào vùng cổ khu vực ngay dưới yết hầu của nam giới.
Bước 2: Hơi ngẩng đầu lên ngửa đầu ra phía sau và nhìn vào tuyến giáp. Có thể lúc này đối với một số người khối u chưa to ra nên không có dấu hiệu gì khác lạ.
Bước 3: Lấy một cốc nước và từ từ uống cốc nước đó. Trong quá trình uống bạn quan sát phát hiện xem có nào bất thường như phình ra hay lõm vào. Nếu có bạn có thể nhận định rằng ở tuyến giáp xuất hiện khối u.
Điều đặc biệt quan trong, khi có dấu hiệu bất thương ở vùng tuyến giáp nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa có trình độ chuyên môn và các kỹ thuật máy móc hiện đại để khám và điều trị.
Theo helino.ttvn.vn