Từ sau khi có 2 bé sinh đôi, cuộc sống của gia đình chị Ánh Tuyết (hiện đang sống ở Sài Gòn) bỗng thay đổi 180 độ, trở nên lộn xộn và vất vả hơn rất nhiều. Nhất là khi lịch sinh hoạt của các bé lệch nhau, một bé ngủ ngày cày đêm, một bé ngược lại và cả 2 bé đều ti vặt nhiều. Chị Ánh Tuyết đã quyết định bằng mọi cách phải lập lại một trật tự ổn định cho cả gia đình bằng cách rèn các con vào nếp, luyện con ngủ xuyên đêm. Kết quả thành công vượt bậc khi 2 bé tròn 3 tháng tuổi. Hiện tại, 2 bé đã 6 tháng tuổi, vẫn giữ nếp ngủ từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau mà không dậy ti mẹ.
Hai bé Ren và Rin được mẹ bắt đầu luyện tự ngủ khi hơn 2 tháng tuổi.
Thiết lập nếp sinh hoạt khoa học
Lần đầu làm mẹ, lại là mẹ của 2 bé sinh đôi, chị Ánh Tuyết rất bỡ ngỡ. Hai bé ti vặt, cứ 1,5 tiếng đến 2 tiếng là ti một lần, chị và người nhà phải thay phiên nhau cho bú liên tục. Sau khi đầy tháng, thậm chí việc chăm bé còn vất vả hơn khi 1 bé ngủ ngày thức đêm, 1 bé thức ngày ngủ đêm. Hai vợ chồng chị gần như không ngủ được ngày nào cả.
"Sau đó 1 tháng, có nội lên phụ, mình cũng đi làm nên thuê thêm 1 vú nuôi trông phụ với nội. Phải khi con được gần 2 tháng (7 tuần tuổi), mình mới nhớ đến lịch sinh hoạt easy từng đọc trước khi sinh. Mình mang sách ra nghiền ngẫm lại, quyết định rèn con vào nếp", chị Ánh Tuyết kể lại.
Có nhiều ngày 2 vợ chồng chị đã rất vất vả với việc chăm 2 bé sinh đôi.
Có những ngày không phải đến nơi làm, chị Tuyết ở nhà luyện giãn cữ bú lên cho con 3 tiếng/1 lần. Chị thực hiện giống như việc rèn nếp sinh hoạt easy cho từng bé, nhưng để 2 bé ăn cách nhau 30 phút, 1 bé ăn trước, 1 bé ăn sau. Trước đấy 2 bé chưa tập được cách ăn no nên nhanh khóc vì đói, do đó điều đầu tiên chị làm là giãn cữ ăn để đúng 3h mới cho ăn lại. Mẹo để kéo giãn thời gian đó là dùng ti giả, chị mất đúng 1 tháng thì thành công trong việc giãn cữ cho con.
Ban ngày, nếu bận công việc riêng, chị cố gắng dặn bà nội và bà vú nuôi giúp chị giữ cho bé thức đủ số tiếng theo tuần tuổi của bé. Chỉ cần bé sinh hoạt có giờ giấc, chị sẽ có thể luyện được con đi ngủ đúng giờ vào buổi tối.
Rèn con tự ngủ bằng phương pháp 4S
Khi con đã giữ được nếp sinh hoạt có giờ giấc, chị Ánh Tuyết bắt tay vào bước tiếp theo là rèn con tự ngủ. Chị áp dụng phương pháp 4S (quấn bé, tắt đèn, mở nhạc không lời hoặc tiếng ồn trắng, ôm bé vào lòng cho bé dễ chịu hoặc nói chúc con ngủ ngoan) và đặt bé xuống giường để bé tự ngủ.
Hai em bé đáng yêu trong những bức ảnh newborn.
Sau khi rèn con vào nếp sinh hoạt có giờ giấc, chị Tuyết tiếp tục rèn con tự ngủ.
Thời gian đầu, khi đặt bé xuống rất khó vì bé cứ khóc mãi. Chị Tuyết xót con, xong nút chờ vẫn thấy không ổn thì bế lên làm lại, rồi tiếp tục đặt con xuống. Sau rất nhiều lần như thế, bé mới chịu ngủ. Số lần bế lên đặt xuống giảm dần qua các ngày. Khoảng 1 tháng sau, 2 bé Ren và Rin mới tự ngủ được.
"Khó khăn lớn nhất với mình là nhiều hôm bà chăm ban ngày, bé không vào nếp sinh hoạt ban ngày được nên bị thức quá đà, dẫn đến gắt gỏng. Nhiều hôm bà lại để cho con ngủ quá đà, tối về, mình lại phải ngồi chơi với con đến khi đủ giờ thức 1 ngày, mình mới cho con ngủ. Khi bà có việc về quê, mình ở nhà chăm con 2 tháng, vì vốn đã nắm vững kiến thức nên chỉ mất 2 ngày mình đã cho cả 2 bé vào được nếp. Bé thức 2 tiếng lại ngủ 2 tiếng và tối sẽ ngủ từ 7h đêm đến sáng. Nhưng bé vẫn còn dậy ti đêm, mình quyết định bước vào việc cai ti đêm", chị Ánh Tuyết kể lại.
Cai ti đêm cho con bằng 2 cách khác nhau
Chị Ánh Tuyết cho biết, thông thường các mẹ sẽ cai ti đêm cho con khi con nặng trên 6kg và sau 3 tháng tuổi. Nhưng với bé gái nhà chị, tự cai ti sớm từ hơn 2 tháng rưỡi vì vốn được mẹ giãn cữ từ sớm và ban ngày lượng sữa bé ti đã đủ nhu cầu cho cả ngày. Còn bé trai khó hơn vì rơi vào tuần khủng hoảng 12 nên lượng ăn của bé từ 120ml giảm chỉ còn 40-60ml/lần. "Mình quyết định cai ti đêm cho bé để chấm dứt sớm tình trạng này", chị Ánh Tuyết chia sẻ.
Cả gia đình nhỏ cuối cùng cũng tìm được những giây phút thảnh thơi sau khi luyện ngủ thành công cho 2 bé.
Vì đã quyết tâm như vậy nên chị Ánh Tuyết chuẩn bị tinh thần thép để cai ti đêm nhanh trong vòng 2 ngày cho bé trai: "Mình phải nói trước đây là cách mình tự nghĩ tự làm vì muốn cai ti nhanh nhất, nhưng không phải ai cũng phù hợp. Ngày 1: Mình sẽ cai cữ 3h sáng vì cữ đó làm ảnh hưởng đến lượng sữa của hôm sau. Mình vẫn cho bé ăn cữ 12h đêm, sau khoảng 3h bé dậy đòi ăn tiếp, mình không cho ăn. Mình dỗ cho bé ngủ lại, mặc dù bé đói khóc, dỗ rất lâu mới ngủ lại nhưng cuối cùng vẫn ngủ. Ngủ được khoảng 1 tiếng, bé lại khóc đòi ăn, mình lại dỗ cho bé ngủ tiếp. 1 tiếng sau lại tiếp tục như vậy. Mình duy trì cho đến 6h sáng, sau đó cho bé ăn cữ đầu tiên của ngày hôm sau".
Ngày 2, chị Ánh Tuyết nhận thấy con đã ăn hiệu quả rõ rệt hơn nên dự trữ được năng lượng tốt hơn. Nhờ vậy, buổi tối bé đi ngủ và khoảng 2h mới dậy đòi ăn một lần. Chị lại tiếp tục làm y như đêm hôm trước cho đến sáng hôm sau. Qua 2 ngày, bé không đòi ăn sữa đêm nữa. Mẹ mất ngủ 2 ngày liên tục, cả nhà cũng vì bé khóc mà mất ngủ nhưng sau đó thì ổn cả. Lượng sữa ban ngày bé uống tăng lên, không ti đêm nữa và khỏe cả gia đình.
Nhìn lại hành trình luyện ngủ xuyên đêm cho 2 bé sinh đôi, chị Ánh Tuyết muốn gửi lời khuyên đến các mẹ khác: "Đừng viện bất cứ lý do gì về việc mẹ không thể luyện ngủ cho con, bởi mỗi bé lại tồn tại các vấn đề khác nhau. Điều đặc biệt là bé nào cũng sẽ khóc, không có bé nào là dễ dàng cả. Mẹ cần nắm vững kiến thức, đọc vị được nhu cầu qua tiếng khóc của con, và kiên nhẫn vượt qua các định kiến xung quanh thì nhất định sẽ thành công. Việc luyện ngủ cho con sẽ mang đến cho mẹ một cuộc sống bỉm sữa nhẹ nhàng, thảnh thơi vô cùng. Đó là quả ngọt rất xứng đáng cho những nỗ lực mà mẹ bỏ ra!".
theo sx
Theo Helino