Mẹ tôi là master dùng tiền: Bà chúa trả giá, nữ hoàng tận dụng, chúa tể của những màn tiết kiệm đỉnh cao!

Có một sự thật hiển nhiên đến nỗi đôi khi bạn quên mất, mẹ chính là "hảo" chuyên gia trong lĩnh vực tài chính.

Mẹ đối với tất cả chúng ta đích thị là một người phụ nữ vô địch. Đồ đạc tìm không thấy? Hỏi mẹ! Cảm cúm hay ốm vặt? Để "bác sĩ" mẹ ra tay. Lỡ miệng khen món gì đó ngon? Mẹ nấu liên tục cả tháng trời, ăn đến khi nào chán thì thôi. Nói chung cái gì mẹ cũng biết, chuyện gì vào tay mẹ cũng được giải quyết gọn gàng.

Đương nhiên cái sự đỉnh của mẹ không thể không phủ sóng ở lĩnh vực tài chính, nói một cách gần gũi là khoản tiền nong. Không phải tác giả của những đạo lý đầu tư - làm giàu nhan nhản khắp nơi trên MXH, cũng chẳng bao giờ nói chuyện đao to búa lớn, mẹ chỉ có những lần mặc cả đi vào lòng người, cách thu vén tiền bạc nuôi mấy đứa con ăn học. Nghe thì đơn giản nhưng mà toàn là bài học tài chính xịn xò cả đấy nhé!

1. Mẹ - nữ hoàng trả giá, lão phật gia kì kèo, chúa tể mua rẻ,...

Hồi còn bé, chắc hẳn ai cũng từng xấu hổ khi đi mua đồ với mẹ rồi. Bởi lẽ mẹ cứ trả giá hàng hóa liên tục, thậm chí nếu không trả được giá sẽ chuyển sang chiêu thức mới: mua đồ theo combo. Ví dụ như mua bó rau phải được kèm cây hành, mua miếng thịt lớn phải được thêm thắt miếng thịt nhỏ hoặc bớt vài giá. Đẳng cấp nhất phải kể đến chuyện đi mua quần áo. Bất kể người bán đưa ra con số bao nhiêu, mẹ cũng sẽ thường mua được với giá rẻ hơn, thậm chí đôi khi chỉ còn nửa giá. Nhìn mà "nóng mặt" thay cho các cô bán hàng.

Khi lớn dần lên, trải qua n lần mua đồ, săn sale tưởng hời lắm mà lại lỗ đậm sâu, dân tình mới nhận ra skill trả giá của mẹ trông thường thế thôi lại chính là bí kíp chi tiêu xịn xò vô cùng. Hóa ra mẹ không chỉ là nội trợ, mẹ còn là "chuyên viên" lật tẩy, nắm thóp hết loạt chiêu trò móc ví của các cửa hàng trong lòng bàn tay. Bảo sao, mẹ trả giá lúc nào cũng thành công, không học theo thì có phí của trời không?

2. 1000 đồng cũng là tiền!

Tất nhiên, chẳng bà mẹ nào ép buộc con cái phải "lao vào đời kiếm cơm" từ nhỏ. Thế nhưng bằng một cách nào đó, mẹ sẽ luôn chèn thêm những bài học về tự lập kiếm tiền, quản lý tài chính trong những tình huống đơn giản của cuộc đời. Trong số ấy chắc hẳn hay ho nhất vẫn là cách "tích tiểu thành đại" mà ai cũng đã từng được mẹ chỉ cho.

Đơn giản nhất là chuyện hồi còn học cấp 1, mẹ cho phép tôi tự kiếm tiền bằng cách gom chai nhựa, vỏ lon rỗng trong nhà và đem bán. Mặt khác, mẹ cũng nhẹ nhàng bảo tôi có thể tiêu ngay số tiền ấy cho đồ chơi, kẹo bánh hoặc để dành. Số tiền ấy thực ra không nhiều, chỉ vài chục ngàn hay cao lắm hơn trăm ngàn. Thế nhưng sau khi nghe lời mẹ giữ lại và cất đi, tôi đã có thể tự sắm đồ dùng học tập, sách báo hay những món to to như xe đạp cho lũ bạn "lác mắt" chơi.

Bằng cách đó, mẹ dạy cho tôi hiểu giá trị đồng tiền và sức mạnh của từng ngàn bạc có thể lớn như nào nếu biết cách trân trọng, quản lý sát sao từng chút một chi tiêu. Bởi kiếm tiền chẳng bao giờ dễ dàng, 1000 đồng có thể không to nhưng khi mua món đồ nào đó đã có giá niêm yết thì chẳng ai bớt cho mình, dù chỉ 1000 đồng.

3. Đừng trông đợi vào ví tiền của người khác

Ngoài chuyện mong cầu hạnh phúc cho con, chẳng riêng mẹ tôi mà bất kỳ bà mẹ nào cũng muốn con cái sẽ sống một đời đầy đủ, sung túc. Nhưng cuộc sống này không phải là kết quả từ việc con phải lấy chồng/ vợ đại gia, phải được gả vào nhà giàu.

Thay vào đó, mẹ tôi luôn tin rằng mỗi người phải tự thiết lập tương lai, cuộc sống ổn định cho mình, không phải phụ thuộc vào ví tiền của người khác, kể cả bạn đời. Bởi lẽ với những kinh nghiệm có được từ hôn nhân của chính mình, mẹ hiểu rằng tự lo là tự do, trông đợi nửa kia chu cấp hay để họ gồng gánh tài chính một mình chỉ càng khiến cuộc sống dễ rơi vào ngõ cụt mà thôi.

Mà để không phụ thuộc vào ví tiền người khác, mẹ lại chỉ cách giữ cho chặt ví tiền, có trách nhiệm với tình hình tài chính của mình. Đó là đã nhắm đặt chân vào con đường đầu tư thì phải quản lý cho tốt, đừng vội vàng đưa tiền cho người khác khi không hiểu gì, tiền của mình không phụ thuộc vào quyết định của người ta,... Toàn những điều sống còn thế này, không nghe lời mẹ thì nghe ai!

4. Con sẽ không đủ tiền để mua tất cả thứ mình muốn trên cuộc đời này đâu!

Nếu như nhiều người trong chúng ta (bao gồm cả tôi) đang rơi vào cái bẫy mua sắm bốc đồng, tức là mua cho vui thì mẹ hoàn toàn ngược lại. Bạn có thể muốn mua một chiếc áo để tự an ủi bản thân vì bỗng dưng tụt mood nhưng mẹ sẽ chỉ mua nó sau khi ngậm ngùi chia tay chiếc áo cũ đã mặc 3 năm hoặc nhiều hơn. Bạn có thể lấy việc đi siêu thị hay order 7749 thứ nhảm nhí làm niềm vui nhưng mẹ luôn vạch rõ ràng những thứ cần mua khi đi chợ để không sa đà hàng này quán kia.

Tóm lại là mẹ luôn phân định rạch ròi giữa cần và muốn đồng thời cân nhắc kĩ càng trước khi quyết định xuống tiền. Vì ngoài lý do lãng phí, mẹ biết rằng sẽ chẳng bao giờ đủ tiền mua tất cả những thứ mình muốn. Dăm ba cái chiêu marketing "móc ví" người dùng không bõ bèn gì với mẹ, nói thế cho vuông!

Còn với những khoản cần thiết như sức khoẻ gia đình, học hành của con, đồ điện tử, xe cộ,... chắc chắn mẹ sẽ không tiếc tiền, toàn mua đồ tốt, chính hãng. Theo quan điểm của mẹ, đây chính là một cách đầu tư dài hạn. Nghe có vẻ khoa trương nhưng thực tế, mẹ chỉ đang làm đúng những nguyên tắc đơn giản nhất trong cuộc sống như quý trọng sức khoẻ, đầu tư vào tri thức (việc học của con cái) là kênh khôn ngoan nhất, thay vì mua đồ rẻ rồi mất tiền sửa chữa xoành xoạch thì sắm hàng đắt và tốt ngay từ đầu.

Đôi lúc mẹ cũng không ngại sắm sanh vài thứ cho bản thân nếu thấy hợp lý. Mai - bạn tôi kể lại thỉnh thoảng mẹ nó cũng mạnh dạn mua bộ quần áo mới, đôi giày mới để chăm chút bản thân (tất nhiên là đã phải mặc cả và cân nhắc chán chê). "Bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn làm đẹp. Con cần phải tiết kiệm mỗi ngày nhưng cũng nên tự thưởng cho mình sau những nỗ lực và khích lệ sự cố gắng của mình trong thời gian tới chứ! Nó đáng mà" - là câu trả lời của mẹ Mai khi nó thắc mắc.

5. Tiết kiệm là quốc sách!

Nếu không để ý thì bài học tiết kiệm của mẹ đến từ những nghe muốn mòn tai. Chẳng hạn như: "Ăn hết đi kẻo phí!", "Mua cái này làm gì? Về mẹ nấu cho còn ngon hơn", "Sao lại vứt cái này đi hả trời? Vẫn còn dùng tốt, mang vào cất cho mẹ", "Cái gì? Mày mua quần này 200k á? Đưa tiền đây mẹ mua cho 2 cái",... Nói một cách khái quát hơn thì mẹ sẽ tiết kiệm bằng cách tự làm mọi thứ có thể, chỉ bỏ đồ đạc đi khi không sử dụng được nữa. Và đương nhiên, nếu để mẹ biết chuyện tôi không nghe lời thì cứ xác định "tới công chuyện" với mẹ.

Số tiền tiết kiệm được, ngoài để chi cho những thứ hợp lý hơn, mẹ sẽ dành ra một khoản gọi là quỹ khẩn cấp để dành chẳng may chồng con ốm, nhà có việc đột xuất, muốn biếu ông bà chút tiền,...

Hẳn là đã nhiều lần bạn thắc mắc, cứ càm ràm phải tiết kiệm hoài như vậy mẹ có mệt không? Có chứ. Nhưng thật ra mẹ không tiết kiệm suông mà luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng như cần bao nhiêu tiền để mua xe, sửa nhà, có một chuyến du lịch thoải mái cho gia đình hay đủ tiền học đại học cho con. Những đích đến như vậy chính là động lực, khiến mẹ cảm thấy thú vị, có ý nghĩa hơn không chỉ với tiết kiệm mà còn bất cứ việc nào khác đấy.

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU