Yêu 1 năm thì cưới, cưới 3 tháng thì mang bầu, và tôi càng ngày càng thấy sợ mẹ chồng. Tôi chỉ mong cái ngày 2 vợ chồng được ra sống riêng, hoặc những ngày về ngoại mới khiến tôi thật sự hạnh phúc.
Mẹ chồng tôi là người phụ nữ ghê gớm, chua ngoa có tiếng. Xưa kia còn trẻ, bà đi bán hàng ngoài chợ. Giờ về già, chỉ ở nhà quanh quẩn với ít ruộng vườn, chăn nuôi thêm vài con gà, con vịt. Vì là dân buôn bán, nên tính tình bà ghê gớm, lại thêm khoản tính toán. Với con cháu trong nhà cũng không ngoại lệ, nhiều lần 2 vợ chồng tôi bị bà mắng cho không ra gì chỉ vì chậm gửi tiền ăn… 2 ngày. Thế nên, sau lần đó 2 vợ chồng bảo nhau thà vay tiền người ngoài còn hơn chậm tiền của mẹ.
Phong cũng biết tính bà nên anh không thèm cãi. Vì tính anh xưa nay đã vậy, vô tư, lạc quan, những chuyện không hay nghe tai này thì bỏ tai kia. Nhưng tôi thì khác, là phụ nữ, lại hay cả nghĩ, nhiều khi nghe bà nói mà tôi ấm ức nằm khóc cả đêm.
Nhưng chúng tôi cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, vẫn phải sống chung vì hiện giờ đâu có gì trong tay? Được cái, Phong cũng hay ra mặt bênh vực tôi, khi nào mẹ chồng quá đáng quá mức, anh cũng tức giận nói ầm lên khiến bà im re. Tuy nhiên, mọi việc đâu lại vào đấy sau 2 – 3 ngày.
(Ảnh minh họa)
Tới lúc tôi bầu bí, mẹ chồng cũng chẳng thương cảm gì. Bà không bao giờ hỏi han được lấy 1 lời. Thậm chí, không rõ bà không biết, hay bà chẳng thèm quan tâm mà có dạo rất hay ăn đu đủ xanh. Lần ấy, đúng dịp Phong đi công tác 4 ngày và có gửi riêng cho bà 1 triệu, dặn:
- Mẹ ơi, vợ con mới giai đoạn đầu của thai kỳ, ốm nghén, mệt mỏi lắm. Ngoài số tiền ăn thì con đưa mẹ thêm 1 ít để mẹ mua đồ bổ cho cô ấy hộ con.
Mẹ chồng nhìn mấy tờ tiền, cười tươi rói, bảo Phong:
- Anh cứ yên tâm, gì chứ đó cũng là cháu nội của mẹ cơ mà.
Phong ôm tôi, an ủi trước khi đi:
- Có vẻ mẹ đã thay đổi rồi em ạ. Ở nhà hy vọng 2 mẹ con thuận hòa, anh sẽ về sớm thôi.
Ấy thế mà ngay tối hôm ấy, tôi đi làm về lúc gần 7h, cơm nước chưa gì. Thấy tôi, mẹ chồng mới từ nhà đi xuống bếp, bảo:
- Nay xin được mấy quả đu đủ, con nạo ra luộc đi. Thịt lợn thì có 2 lạng, nấu cho nhiều mắm vào mới đủ 3 người ăn.
Tôi cũng chỉ vâng dạ rồi làm theo lời bà. Tới bữa, dọn mâm cơm ra chỉ có 3 món: Đu đủ luộc, thịt kho mắm, 3 quả trứng luộc. Thế mà bà còn lừ tôi:
- Đã bảo rang thịt thôi chứ bảo cô luộc trứng à?
- Bà thôi đi, nhìn lèo tèo mấy miếng thế này ai ăn ai đừng mà còn mắng nó? - Bố chồng tôi lên tiếng.
Mẹ chồng không mắng nữa, bảo tôi:
- Ăn đu đủ đi, ăn cho nhiều vào.
Tôi ngán ngẩm, bảo:
- Con mới mang thai, kiêng đu đủ mà mẹ.
- Lại còn õng ẹo, bày đặt. Giờ cứ có gì ăn được thì ăn hết mới khỏe. Kiêng kiêng cữ cữ xong gầy như con hạc, lại đòi bồi dưỡng. Ngày xưa tao á…
Rồi suốt cả bữa ăn ấy, bà kể về chuyện "ngày xưa tao mang bầu…". Tôi kể với Phong, anh thương tôi lắm. Nhưng chuyện tôi không ngờ là hôm sau, bà đi rêu rao với mấy người họ hàng rằng tôi kén ăn, mua về nấu cho mà còn không thèm ăn. Chính bác dâu đã bảo với tôi:
- Cháu ơi, nhà mình cũng không giàu, thôi mày đừng kén quá. Mẹ chồng mua cho thịt trứng thì ăn đi chứ.
Tôi tức quá, bảo:
- Thế mẹ cháu có kể với bác là mua đu đủ và cháu không ăn không ạ? Nói thật chứ bác còn rõ tính mẹ hơn cháu, nói vậy chắc bác hiểu chứ ạ?
Lúc này, bác ấy mới đầy thương cảm nhìn tôi. Rồi những ngày bầu bí sau đó cũng chẳng khá hơn. Tim thai tôi yếu, phải đi siêu âm thường xuyên và lần nào cũng bị bà mắng:
- Tao ngày xưa có siêu âm gì đâu vẫn đẻ được 2 đứa con vừa thông minh, vừa khỏe mạnh đấy thôi. Các chị cứ bày đặt tốn tiền, chỉ hành xác thằng chồng thôi.
Cuối cùng, để cho gia đình được êm ấm, tôi đành phải vờ xin đi công việc hoặc xin về nhà đẻ rồi mới đi siêu âm. Tôi thật không thấy ai khổ như mình nữa, ăn không được ăn, siêu âm cũng phải lén lút, giấu giếm như làm chuyện gì sai trái vậy. Và tôi càng sợ hãi khi nghĩ tới quãng thời gian ở cữ, không hiểu có chịu đựng nổi người mẹ chồng này không nữa.
Theo Tri Thức Trẻ