Liên quan đến thông tin cho rằng mùa đông năm 2017 có thể sẽ là mùa đông lạnh nhất trong vòng 100 năm trở lại đây, PV VTC News đã có những trao đổi với chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
- Mới đây, các chuyên gia thời tiết quốc tế đưa ra nhận định, mùa đông năm 2017 có thể sẽ là mùa đông lạnh nhất tại châu Âu trong vòng hơn 100 năm trở lại đây và thậm chí một số quốc gia châu Á sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt chưa từng có. Theo ông, Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng bởi xu thế thời tiết này hay không?
Hiện nay, nhiều ước tính và dự báo về thời tiết cho rằng, mùa đông năm 2017 này sẽ lạnh hơn. Mặc dù vậy, theo tôi được biết thì chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định được liệu nó có phải lạnh nhất trong mấy chục hay 100 năm trở lại đây hay không.
Sự biến động các dòng chảy ở đại dương được cho là nguyên nhân dẫn tới khí hậu lạnh vào mùa đông. Thái Bình Dương cũng là khu vực có sự biến động này nên theo tôi, năm nay mùa đông ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ lạnh hơn năm trước.
Nhưng tóm lại, vẫn không thể khẳng định đây là mùa đông lạnh nhất trong nhiều năm qua.
Các quốc gia châu Âu và một số quốc gia châu Á có thể sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất trong vòng hơn 100 năm trở lại đây.
- Phải chăng, dự báo trước đó về thời kỳ tiểu kỷ băng hà sắp diễn ra là chính xác? Và hiện tượng Trái Đất lạnh hơn là điều bất thường hay quy luật hoàn toàn tự nhiên của thời tiết?
Một kỷ băng hà nhỏ (hay kỷ băng hà mini) được dự đoán có thể xảy ra vào khoảng năm 2030 do sự sụt giảm hoạt động của Mặt Trời. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Mặt Trời chưa tới giai đoạn đó nên một kỷ băng hà mini như vậy chưa thể xảy ra.
Bản thân loại băng hà này không phải là điều quá hiếm hoi trong lịch sử, theo ghi nhận thì nó từng xảy ra vào những năm 1650, 1770 và 1850. Mặc dù những lần đó đều gây nhiều thiệt hại nhưng không đến mức thảm họa.
Việc lạnh đi do biến động các dòng biển như được dự báo trong năm nay không hề liên quan tới giai đoạn kỷ băng hà nhỏ được dự đoán vào khoảng năm 2030.
Như tôi đã nói, nhiệt độ nhiều khả năng sẽ thấp hơn những năm gần đây nhưng sẽ không phải quá thấp. Những biến động thế này tuy không hoàn toàn có chu kỳ nhưng cũng không phải điều quá bất thường của tự nhiên.
Sapa mùa tuyết rơi
- Các chuyên gia cũng nhận định rằng, nguyên nhân của hiện tượng lạnh bất thường này không phải là do Trái Đất nóng lên, mà là do Trái Đất bắt đầu vào một chu kỳ thời tiết mới. Quan điểm của ông thế nào và ông có thể phân tích rõ hơn về nguyên nhân của hiện tượng thời tiết này?
Sự lạnh đi của Trái Đất có thể do rất nhiều nguyên nhân bao gồm hoạt động của Mặt Trời, sự đảo trục quay của Trái Đất, biến động của các dòng biển, biến động lượng CO2 trong khí quyển do hoạt động núi lửa hoặc lý do nhân tạo…
Hiện tại, chúng ta có thể loại trừ hoàn toàn nguyên nhân do Mặt Trời và núi lửa vì những hoạt động đó hiện tại đang ổn định. Còn lại, để khẳng định xem ngoài các dòng biển còn lý do nào gây ra sự giảm nhiệt độ trong mùa đông thì còn cần các quan sát và ghi nhận trong thời gian dài, việc phán đoán khi chưa trải qua thực nghiệm sẽ không đưa ra được kết quả chính xác.
- Các chuyên gia thời tiết quốc tế cho rằng, trong những năm sắp tới, vào mùa đông mưa sẽ nhiều hơn tuyết rơi, nhưng theo dự báo thì sương giá mới là điều nguy hiểm nhất. Vậy theo ông, ở nước ta, hiện tượng này có xảy ra trong những mùa đông tới ?
Như tôi đã nói trên, mức độ lạnh đi sẽ không quá nhiều, nên ở Việt Nam sẽ không có hiện tượng tuyết rơi, trừ một số khu vực miền núi phía Bắc vẫn thường có tuyết vào những giai đoạn lạnh nhất. Trong khi đó, sương giá (hay sương muối) không phải hiện tượng lạ. Nó xảy ra khá phổ biến ở các tỉnh miền Bắc vào thời gian lạnh nhất trong năm (thường là tháng 12 hoặc tháng 1).
Sương như vậy sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sản xuất nông nghiệp vì nó làm chết hoặc kìm hãm sinh trưởng của các loại cây. Đối với người, nó cũng gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhưng nếu chúng ta chú ý tự bảo vệ cơ thể khi trời lạnh thì cũng không đáng lo ngại.
Xin cảm ơn ông!