Nỗi niềm của gần 1.000 người dân
Mưa lớn khiến con đường độc đạo vào bản với gần 1.000 người bị cô lập. Người dân phải đóng bè đưa người qua sông để tiếp cận với bên ngoài.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lô Văn Hoành - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Yên Thắng (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho hay: “Người dân ở 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt đều chung nguyện vọng mong chính quyền các cấp giúp đỡ vì điều kiện sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Mỗi khi mưa lũ, người dân chúng tôi không thể đi đâu, học sinh không thể đến trường. Vừa rồi, nước lũ về, hơn 20 ngày, dân chúng tôi bị cô lập khổ lắm. Mong muốn lớn nhất của người dân là sớm có một cây cầu qua Khe Chon”.
Trong khi đó, ông Vi Văn Tiến - Trưởng bản Tạt cho biết: “Đợt mưa lớn sau bão số 4 vừa qua đã khiến nước sông suối dâng cao, nước đổ về khiến cầu tràn Vang Ống bắc qua Khe Chon để vào bản bị ngập sâu cả mét. Nước dâng khiến bản bị cô lập, đến nay, muốn ra ngoài chỉ có cách bơi qua đoạn ngập nước với phao tự chế bằng can nhựa hoặc làm bè từ tre nứa chặt trong rừng".
Mỗi khi nước lũ về, người dân ở bản Xốp Côc và bản Tạt phải liều mình qua dòng nước lũ. |
“Đêm khuya 18.7, bà Lương Thị Thủy (39 tuổi, trú tại bản Tạt) lên cơn đau dạ dày dữ dội, mãi không thấy đỡ. Người nhà muốn đưa đi bệnh viện nhưng nước ngập sâu cả mét, không có cách nào đi. Khi bà Thủy ngày càng đau, người dân quyết định đợi nước rút đi để chặt cây mét làm thành bè cho bà Thủy nằm. Còn ở bờ bên kia, mọi người điện cho người nhà từ trung tâm xã đưa xe máy vào chờ sẵn. Thanh niên trong làng và người nhà lấy can nhựa làm phao, dò dẫm đi dưới suối để đưa dây thừng sang bên kia sông buộc cố định, sau đó lại bám vào dây đi về bên này để đưa bè sang bên kia sông theo lối buộc dây đó cho kịp đưa người đi cấp cứu”, ông Tiến nhớ lại.
“Cũng trong đêm đó, cháu Lương Thị Bảo Châu (8 tháng tuổi) bị sốt virus, lên cơn co giật. Người nhà sơ cứu mãi không chuyển biến, nhưng cũng không thể đến trung tâm y tế. Người trong làng và người nhà lại tiếp tục đưa cháu sang bên kia sông bằng bè tự chế.
Vừa đưa cháu Châu sang sông, cháu Vi Bảo Ngọc (4 tuổi) có triệu chứng đau bụng quằn quại, gia đình tiếp tục nhờ người dân đưa cháu đi cấp cứu theo cách trên. Vẫn biết là đi qua sông lúc đêm hôm mà nước lũ đổ về vô cùng nguy hiểm, nhưng người bệnh đau, người nhà nóng ruột nên không còn cách nào khác đành phải liều đưa người bệnh đi”, ông Tiến cho biết thêm.
Do thiếu kinh phí!?
Được biết, bản Tạt có 103 hộ/437 nhân khẩu, bản Xốp Cốc có 101 hộ/417 nhân khẩu sống bên kia sông Chon có cầu Vang Ống được Nhà nước đầu tư xây dựng từ rất lâu. Trước kia, lũ dâng nhanh nhưng rút nhanh nên cầu ít khi bị ngập nhiều ngày như hiện nay.
Theo ông Tiến - Trưởng bản Tạt, trước đây, người dân dùng thuyền qua sông mỗi khi ngập, nhưng sau này không được sử dụng thuyền nữa vì nguy hiểm. Hiện bản làng vẫn chưa có cách giải quyết mỗi khi bị cô lập, nhất là mấy năm nay, nước dâng cao và rút lâu hơn trước.
Nước lũ lên quá nhanh, người dân chỉ biết đứng nhìn, không thể về nhà. |
Trao đổi với Dân Việt, ông Lô Văn Hoành cho biết thêm, lâu nay, nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng đề xuất, rồi xã cũng có ý kiến với các cấp nhưng xin kinh phí làm cầu cao hơn rất khó nên cũng chưa có cách nào giải quyết. Người dân vẫn canh cánh khát khao có giải pháp để “cứu” bản làng khỏi bị cô lập mỗi khi mưa lũ về.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An): “Về việc kiến nghị của người dân, chúng tôi đã nắm được. Hiện ngân sách địa phương có hạn nên không thể tiến hành xây cầu cao được. Tôi sẽ tiếp nhận ý kiến của người dân để gửi lên các cấp cao hơn về vấn đề này”.
Theo danviet.vn