Mua vắc xin Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách: Việt Nam cần lưu ý gì khi xã hội hóa, tiêm vắc xin phải trả tiền?

Xã hội hoá vắc xin sẽ giúp cho người có điều kiện tiếp cận được với nhiều nguồn vắc xin do tự chi trả. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý khi xã hội hoá cần phải tính tới phương án miễn phí tiêm vắc xin cho người nghèo.

Nếu xã hội hoá vắc xin Covid-19, người dân nghèo khó tiếp cận được

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, việc triển khai "5K + vắc xin" được coi là một chiến lược mới để nhanh chóng đẩy lùi đại dịch.

Trong đợt dịch này Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh khá thành công. Tuy nhiên dịch đang diễn biến hết sức phức tạp với 2 mũi nhọn tấn công: từ cộng đồng tấn công vào bệnh viện và từ bệnh viện tấn công ra ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện thêm ổ dịch tại Bắc Giang trong khu công nghiệp cũng hết sức đáng quan ngại, tạo ra một mũi tấn công mới: dịch từ khu công nghiệp tấn công ra cộng đồng.

Ngày 27/4, theo tờ trình được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất một số chủ trương có liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin Covid-19. 

Trong đó, có một nội dung rất đáng chú ý đó là Bộ đề nghị không mua tiếp vắc xin từ nguồn ngân sách, mà thực hiện xã hội hóa việc tiêm vắc-xin Covid-19. Hiện Việt Nam đã đàm phán và được cung cấp gần 40 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, đủ tiêm cho 19,4 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên.

Trao đổi với PGS.Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề xã hội hóa vắc xin, PGS cho hay, hiện nay các vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin cần thiết với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những vắc xin nằm trong nhóm này sẽ được ngân sách nhà nước chi trả cho người dân. Còn đối với các loại vắc xin không nằm trong chương trình mở rộng, Bộ Y tế cho phép xã hội hoá, có nghĩa là các đơn vị tư nhân được nhập về và tiêm chủng dịch vụ.

Vắc xin là một vũ khí quan trọng giúp kiểm soát đẩy lùi dịch bệnh, ảnh minh hoạ.

Trước những diễn biến của dịch Covid-19, Việt Nam đẩy mạnh chiến lược "5K + vắc xin". Việc thương mại hóa vắc xin Covid-19 có thể giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước nhưng sẽ khiến cho mức bao phủ của vắc xin thấp hơn nên cần phải có sự tính toán.

PGS. Huy Nga lý giải: "Xã hội hóa vắc xin sẽ có tính tích cực là đỡ được gánh nặng cho nhà nước, nhưng việc chống dịch sẽ không đạt được hiệu quả do đối tượng dân số ở vùng nông thôn sẽ không có tiền để thực hiện tiêm chủng.

Khi thương mại hóa vắc xin, người dân sẽ phải mua. Đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp, nếu phải bỏ tiền để tiêm vắc xin thì sẽ có những người không muốn tiêm. Nếu số người không tiêm chiếm đa số, không đạt được miễn dịch cộng đồng thì nguy cơ cho cộng đồng vẫn rất lớn. 60% người mắc Covid-19 không có triệu chứng cho nên nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn rất cao.

Tiêm chủng mở rộng vẫn là cách tốt nhất để phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Do vậy, khi tính tới phương án xã hội hóa vắc xin, cần cân nhắc tới mục đích: Để bảo vệ cá nhân hay bảo vệ cộng đồng.

Theo tôi, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Việt Nam vẫn cần có vắc xin đạt chất lượng để tiêm miễn phí cho người dân. Các loại vắc xin Covid-19 được cho là chất lượng cao hơn thì có thể chi trả tiền để tiêm.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay vẫn đang duy trì song song vắc xin do nhà nước chi trả và vắc xin dịch vụ người dân khi tiêm sẽ phải chi trả tiền", PGS.Huy Nga nói.

Cũng theo PGS Huy Nga, việc tiêm chủng mục đích là để tốt cho sức khỏe cộng đồng đẩy lùi đại dịch. Tại Mỹ, chính phủ chi cho mỗi người đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 50 đô la để vận động người dân đi tiêm.

Theo quan điểm của PGS. Huy Nga, trước khi xã hội hóa vắc xin Covid-19 Bộ Y tế nên có một cuộc điều tra xã hội học để biết được tỷ lệ người dân sẵn sàng chi trả để tiêm vắc xin là bao nhiêu %. Các cuộc điều tra xã hội học cần phải làm một cách độc lập và khách quan.

Xã hội hoá vắc xin có tạo nên sự mất công bằng trong xã hội?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho hay: "Cá nhân tôi rất đồng tình với việc xã hội hóa vắc xin Covid-19. Nhưng ngày gần đây, tôi và bạn bè, đồng nghiệp đã thảo luận rất nhiều về vấn đề đó. Thực tế, nếu tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí sẽ là gánh nặng rất lớn cho nhà nước. Trong khi, trong xã hội sẽ có nhiều người sẽ có khả năng để tự chi trả".

Việc xã hội hóa vắc xin sẽ giúp cho người có khả năng tự chi trả có thể tiếp cận được với nguồn vắc xin sớm và chất lượng giúp ích cho công tác phòng dịch. Khi xã hội hóa thì người có khả năng chi trả cũng có quyền lựa chọn các loại vắc xin khác nhau.

Ảnh CDC lấy mẫu xét nghiệm.

Tuy nhiên, để xã hội hóa vắc xin không gây ra hệ lụy, theo TS.Hồng, nhà nước cần phải có sự quản lý rất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng vắc xin tốt đến tay người dùng (từ bảo quản, kỹ thuật tiêm, theo dõi sau tiêm…). Ví dụ, nếu là đơn vị tư nhân triển khai thì phải tuân thủ theo phác đồ tiêm của Bộ Y tế cực kỳ chặt chẽ.

Xã hội vắc xin sẽ liên quan tới vấn đề người nghèo sẽ khó tiếp nhận với nguồn vắc xin do phải tự chi trả. TS. Hồng chia sẻ: "Tôi khá lăn tăn nếu xã hội hóa người có khả năng chi trả sẽ tiêm các loại vắc xin tốt, còn người không có khả năng chi trả sẽ phải tiêm loại vắc xin chỉ tương đối. Điều này sẽ tạo lên sự mất công bằng xã hội.
Để giải quyết vấn đề này quan điểm của tôi nhà nước nên kêu gọi các mạnh thường quân để người nghèo (nhóm đặc biệt) được tiêm loại vắc xin tốt, có khả năng sinh kháng thể cao và an toàn. Xã hội hóa vắc xin là cần thiết phải làm, nhưng khi làm cần phải tính tới vấn đề công bằng trong xã hội".

Liên quan tới vấn đề xã hội hóa vắc xin Covid-19 phóng viên đã liên hệ với Thứ trưởng, Bộ Y tế phụ trách vẫn đề về vắc xin, tuy nhiên vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Vị lãnh đạo này cho biết sẽ chuyển các vấn đề phóng viên hỏi tới các đơn vị chức năng.

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/mua-vac-xin-covid-19-la-nhiem-vu-cap-bach-viet-nam-can-luu-y-gi-khi-xa-hoi-hoa-tiem-vac-xin-phai-tra-tien-16121190520372969.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU