Một trong những nguyên tắc chung hết sức quan trọng của phép dưỡng sinh ẩm thực phương Đông là phải “thuận theo tự nhiên”, mà tự nhiên lại có bốn mùa, cho nên trong mỗi mùa lại có những nguyên tắc riêng mà con người phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu như muốn thu được hiệu quả thực sự. Vào mùa xuân, ngoài việc lựa chọn các đồ ăn thức uống chúng ta có thể sử dụng một vài món ăn - bài thuốc tốt cho sức khỏe sau đây:
Cháo hà thủ ô
Hà thủ ô 30g, gạo tẻ 100g, đại táo 3 quả, đường phèn lượng vừa phải. Đem hà thủ ô cho vào nồi đất sắc kỹ lấy nước rồi bỏ gạo, đại táo và đường phèn vào ninh nhừ thành cháo, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: Dưỡng gan bổ huyết, ích thận, chống lão hóa, thích hợp với các chứng đầu váng tai ù, tóc bạc sớm, thiếu máu, thần kinh suy nhược, rối loạn lipid máu, táo bón… do can thận hư suy gây nên.
Cháo hà thủ ô dưỡng gan bổ huyết, ích thận, chống lão hóa, thích hợp với các chứng đầu váng tai ù, tóc bạc sớm, thiếu máu, thần kinh suy nhược, rối loạn lipid máu, táo bón… do can thận hư suy gây nên. |
Cháo đảng sâm gạo đen
Đảng sâm 15g, bạch phục linh 15g, gừng tươi 5g, gạo nếp cẩm 100g, đường phèn lượng vừa phải. Đảng sâm, phục linh và gừng tươi thái lát; gạo nếp cẩm vo sạch, loại bỏ tạp chất, đường phèn nghiền nhỏ, bỏ tất cả vào nồi, cho lượng nước vừa phải, đun to lửa cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun trong 2 giờ là được, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: Bổ trung ích khí, kiện tì dưỡng vị, thích hợp với các chứng cơ thể suy nhược, mệt mỏi rã rời, chán ăn, đi lỏng… do tì vị hư nhược gây nên.
Cháo trúc diệp
Lá trúc diệp 50 lá, thạch cao 150g, đường cát 50g, gạo tẻ 250g. Lá trúc diệp rửa sạch đem sắc cùng thạch cáo với 3 bát nước, cô lại còn 2 bát để hơi nguội lọc lấy nước, để lắng một lúc, gạn lấy nước trong cho gạo vào nấu cháo. Cháo được cho thêm đường cát vào là có thể ăn được. Công dụng: Thanh trừ nhiệt tích trong cơ thể.
Cháo trúc diệp thanh trừ nhiệt tích trong cơ thể. |
Cháo hoa cúc
Hoa cúc vừa phải, gạo tẻ 100g. Ngay từ mùa thu trước tiết Sương Giáng, hái hoa cúc về sấy khô hoặc hấp chín rồi phơi khô, cũng có thể hong khô trong bóng râm (phơi âm can), sau đó xay thành bột. Trước tiên bỏ gạo tẻ vào nấu thành cháo, rồi cho khoảng 10 - 15g bột hoa cúc vào, đun sôi lăn tăn là được. Công dụng: Tán phong nhiệt, thanh can hoả, điều hòa huyết áp, thích hợp với những người bị tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đau đầu do can hỏa, hoa mắt, mắt mờ và mắt đỏ do phong nhiệt.
Cháo hoa cúc tán phong nhiệt, thanh can hoả, điều hòa huyết áp, thích hợp với những người bị tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đau đầu do can hỏa, hoa mắt, mắt mờ và mắt đỏ do phong nhiệt. |
Mẹo hay để có 1 nồi cháo ngon
Trộn gạo tẻ với một ít gạo nếp: Việc trộn gạo tẻ với gạo nếp vừa có độ tơi, độ dẻo nhất định lại vừa mềm mịn và thơm hơn. Tuy nhiên bạn nên lưu ý về tỷ lệ, thông thường 1 bát gạo tẻ chỉ nên trộn 1 nắm gạo nếp là vừa ăn, trộn nhiều gạo nếp sẽ làm cháo đặc quánh và dẻo. Tùy thuộc vào sở thích của bạn mà trộn gạo hợp lí.
Nên ngâm gạo trước nếu muốn nấu cháo nhanh mềm: Nhiều chị em truyền tai nhau bí quyết nấu cháo nhanh mềm, đó là ngâm gạo trong nước khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau đó vo sạch lại đem đi nấu. Cách này vừa giúp cháo mềm nhanh một cách hiệu quả, vừa giúp tiết kiệm thời gian cho các công việc khác mà vẫn không ảnh hưởng đến độ thơm ngon của món ăn chút nào.
Rang gạo để cháo vừa thơm vừa không bị nát: Bí quyết để nồi cháo thơm nức mũi, bung đều hạt nhưng vẫn không bị nát, đó là rang gạo trước khi nấu. Cách thực hiện rất đơn giản thôi, chỉ cần bạn vo sạch gạo, để ráo nước rồi cho lên nồi rang với lửa nhỏ. Nên chọn nồi dày để gạo chín đều và không bị cháy. Làm cách này thì cháo nấu ra sẽ có mùi thơm hơn và ngon hơn so với cách nấu thông thường.
Theo sohuutritue.net.vn