Con cái là niềm hy vọng của cha mẹ. Vì vậy không ít cha mẹ dồn hết tâm sức cho con, lo lắng, chăm sóc cho con mọi điều.
Thế nhưng không phải sự chăm sóc nào cũng có lợi cho con cái. Ít nhất ở 3 phương diện sau, mẹ nhất định phải 'lười' con mới có thể trưởng thành, phát triển tốt.
1. Giúp con học bài
Nói đến học tập, chắc ai cũng hình dung đến cảnh con ngồi học, mẹ ngồi sát bên kèm cặp, sửa từng chữ sai, nắn từng nét bút.
Chưa kể lâu lâu mẹ lại phải giục con làm bài nhanh, không sắp đến giờ đi ngủ vẫn chưa xong bài.
Không khí học tập như vậy, trẻ cũng khó học hiểu quả, tâm lý không thoải mái.
Về lâu dài như vậy mẹ vừa vất vả, con lại dễ bị ức chế,càng trở nên bị động và chán ghét học tập.
Thay vì vậy, mẹ hãy ‘lười’ nhất có thể. Như vậy không có nghĩa mẹ bỏ bê việc học của con, nhưng nên để con chủ động.
Khi con có vấn đề gì cần hỏi, mẹ cũng cố gắng ‘lười’ trả lời nhất có thể. Tức là chỉ gợi ý, để con có thể tiếp tục suy nghĩ ra vấn đề thay vì làm hết cho con.
Có như vậy, con mới tự lập suy nghĩ cũng như độc lập trong việc giải quyết vấn đề của mình thay vì bị động, ỉ lại vào cha mẹ.
Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn không thúc giục con học tập. Nếu con không làm bài, tự khắc đến lớp bị cô giáo phạt, con sẽ phải tự có trách nhiệm với bài vở của mình.
2. Lười làm việc giúp con
Xã hội phát triển, các gia đình có điều kiện hơn cũng song song với việc trẻ em ngày càng ít phải làm việc nhà giúp đỡ gia đình.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng không nên bắt trẻ làm việc nhà để con có thể tập trung vào việc học tập của mình, đạt kết quả tốt nhất.
Thực tế không phải như vậy. Không biết làm việc gì ngoài học tập khiến trẻ chỉ càng thêm thụ động, giống như những chú gà công nghiệp nhốt trong chuồng.
Bên cạnh đó, chính thông qua lao động, trẻ mới học học được nhiều điều, có nhiều trải nghiệm thực tế từ kiến thức trong sách vở.
Hơn nữa, làm việc nhà trẻ mới biết trân trọng sức lao động, trân trọng con người.
Làm việc nhà cũng là một cách để trẻ vận động, cơ thể khỏe khoắn thay vì suốt ngày ù lì chỉ ngồi một chỗ làm bài.
Vì vậy từ hôm nay, mẹ hãy ‘lười’ hơn một chút. Thay vì vội vàng làm mọi việc giúp con hãy ngồi xuống ghế thư giãn, nhờ con làm giúp mình một chút.
Như vậy mẹ khỏe mà con cũng trưởng thành hơn. Thông qua lao động con cũng sẽ biết yêu thương bố mẹ nhiều hơn.
3. Lười động não
Khi làm bài, hoặc khi gặp bất cứ vấn đề gì thắc mắc, trẻ đều lập tức hỏi: ‘Mẹ ơi con không làm được bài này. Mẹ ơi tại sao… Tại sao…’
Nhiều người tâm niệm rằng, là những ông bố bà mẹ hoàn hảo nhất định phải tìm mọi cách hỗ trợ, giúp đỡ con.
Thậm chí ngay cả những bài văn, mẹ cũng sắn tay viết luôn cho con vì sợ con miêu tả không đúng sợ thật, hay sợ con không đạt điểm cao.
Nhưng thực tế bố mẹ càng nhiệt tình đi đôi với việc con càng lười suy nghĩ và thụ động. Vì trẻ sẽ có tâm lý không biết có thể nhờ ngay bố mẹ.
Thay vì lập tức trả lời giúp trẻ, mẹ hãy cố gắng không trả lời, để con tìm mọi cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề.
Nếu thấy con chưa đủ khả năng, mẹ có thể đưa ra những gợi ý nhất định, hướng dẫn con cách tra cứu trên mạng để tự mình tìm ra câu trả lời…
Nếu bố mẹ cứ lười suy nghĩ như vậy, chẳng mấy con sẽ độc lập trong mọi chuyện và có xu hướng thích tự tìm hiểu mọi vấn đề.