Đó là một trong những nội dung trong Báo cáo "Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị cải cách chính sách" của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố. Báo cáo này được tài trợ bởi chương trình Đối tác chiến lược Australia - Nhóm WB tại Việt Nam.
Trong báo cáo đã đưa ra điểm sáng về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam có dấu hiệu đi ngang một cách rõ rệt trong năm năm gần đây, ở mức sát 111 ca sinh bé trai trên 100 ca sinh bé gái.
Ước tính này dựa trên xu hướng chuyển dịch tỷ lệ giới tính tổng thể ở những quốc gia khác, cho thấy tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam sẽ dần giảm xuống, đạt mức sinh học ban đầu vào năm 2039. Trong điều kiện được tiếp tục tiếp cận các công nghệ sản khoa và tổng mức sinh dự kiến không tăng, mức giảm trong thời gian tới chủ yếu do giảm tâm lý chuộng con trai.
Căn cứ vào chuỗi số liệu này, tổng số trẻ em gái không được sinh ra được ước tính ở mức 638.000 từ năm 2000 đến năm 2020. Một con số thấp hơn, ở mức 432.000, số trẻ em gái không được sinh ra được dự báo cho giai đoạn 2021-2039.
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam có vẻ đã đi ngang một cách rõ rệt trong năm năm gần đây (Ảnh minh họa)
MCBGT ở độ tuổi trưởng thành trong 50 năm tới
Hiện trạng MCBGTKS sẽ định hình lại cơ cấu dân số khi tình trạng số trẻ em gái không được sinh ra sẽ dần chuyển thành tình trạng thiếu phụ nữ sau vài thập kỷ.
Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 3 dự báo về dân số cho năm mươi năm tới (2019–2069). Các tham số về cơ cấu dân số (các đặc trưng và các mức sinh và tử)của ba dự báo đó đều như nhau và được lấy từ báo cáo Viễn cảnh Dân số Thế giới năm 2019 (UNDESA 2019).
1. Giảm: TSGTKS giảm dần xuống mức bình thường vào năm 2039.
2. Không thay đổi: TSGTKS giữ ở mức 111 ca sinh bé trai trên 100 ca sinh bé gái.
3. Phản thực tế: TSGTKS giữ ở mức 105 ca sinh bé trai trên 100 ca sinh bé gái.
Trong đó, “Giảm” là kịch bản hợp lý nhất, xét đến MCBGTKS trong quá khứ và xu hướng giảm TSGTKS trong tương lai.
Kịch bản thứ hai, “không thay đổi” (nguyên trạng), là kịch bản cực đoan, bỏ qua kinh nghiệm của các quốc gia khác từng chịu MCBGTKS.
Kịch bản thứ ba thuần túy phản thực tế về những gì có thể đã xảy ra nếu không có lựa chọn giới tính trước khi sinh ở Việt Nam.
Trước hết, khi xem xét các chỉ tiêu tỷ lệ giới tính trong năm mươi năm tới theo ba kịch bản trên, các nghiên cứu cho thấy dân số Việt Nam vẫn có tỷ lệ nữ trội hơn đến năm 2069.
Phân tích này cho thấy lợi thế tuổi thọ của nữ giới không bị mất đi do số ca sinh bé trai cao hơn ở các thế hệ sau - khác với Trung Quốc và Ấn Độ có dân số vẫn có tỷ lệ nam trội hơn trong các thập kỷ tới. Chỉ trong trường hợp không thể xảy ra với giả thiết bốn mươi năm MCBGTKS nghiêm trọng (kịch bản“không thay đổi”), tỷ lệ nam mới trội hơn tỷ lệ nữ vào năm 2059.
Đàn ông hiện chiếm đa số dân số trưởng thành, nhưng tỷ lệ giới tính ở độ tuổi trưởng thành còn tăng thêm trong các thập kỷ tới. Ngay cả trong trường hợp giảm dần trong tương lai, tỷ lệ giới tính ở độ tuổi trưởng thành vẫn tăng từ 103,7 lên 109,1 vào năm 2049 khi đó ở độ tuổi 20-39 và từ 102,8 lên 108,1 ở độ tuổi 20-49. Đáng chú ý là MCBGT ở tuổi trưởng thành sẽ đạt đỉnh chỉ trong ba mươi năm trong khi mất cân bằng hiện nay vẫn ở mức khiêm tốn.
Tương ứng với phát hiện trên là tình trạng mất cân bằng nam nữ ở độ tuổi kết hôn kéo dài đến tận thập kỷ 2060 ở Việt Nam.
Tình trạng mất cân bằng cơ cấu dân số nêu trên sẽ để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, khi hàng triệu đàn ông bị loại khỏi thị trường hôn nhân. Các mức tỷ lệ giới tính ở độ tuổi trưởng thành có thể chuyển thành số đàn ông dư thừa.
Nếu nhìn vào kịch bản “giảm”, chúng ta sẽ thấy khoảng 1,3 triệu đàn ông độ tuổi 20-39 bị dôi dư vào năm 2044, tương ứng với 8,1% đàn ông bị dư so với phụ nữ cùng nhóm tuổi. Mức dư đó tăng lên đến 1.7 triệu vào năm 2049 ở nhóm tuổi rộng hơn từ 20-49 tuổi. Con số này sẽ giảm dần sau đó, nhưng dự báo vẫn cho thấy có 1,3 triệu đàn ông ở nhóm tuổi 20-49 bị dôi dư vào năm 2069 (nghĩa là 7,5% của nhóm tuổi rộng hơn này).
Tình trạng thừa đàn ông dĩ nhiên sẽ tiếp tục tăng theo kịch bản bi quan (không giảm), nếu TSGTKS vẫn ở mức 111 đến năm 2069.
So sánh với kịch bản phản thực tế cũng thể hiện tình trạng thừa nam cho phép ước tính tác động cụ thể của nhiều thập kỷ lựa chọn giới tính ở Việt Nam. Ở mức đỉnh vào năm 2054, Việt Nam có thêm khoảng 1.750.000 đàn ông ở độ tuổi 20-49, trong đó 750.000 tăng thêm do tác động cộng dồn của TSGTKS chênh lệch trước đó.
Tình trạng thừa nam trên vẫn thể hiện rõ đến năm 2069.
Hơn nữa, vấn đề mất cân bằng nam nữ ở độ tuổi kết hôn và đàn ông độc thân không tự nguyện cũng liên quan đến những tác động tiêu cực như buôn người, bạo lực giới, mại dâm, tội phạm, bất ổn chính trị và tổn thất kinh tế đi ngược nỗ lực của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững và bình đẳng giới.
Báo cáo kết luận, số trẻ em gái không được sinh ra ở Việt Nam ước lên đến 45.900 mỗi năm (6,2% ca sinh bé gái). Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu cải thiện và TSGTKS dự kiến giảm như có thể thấy ở một số tỉnh. Dự báo của nhóm nghiên cứu gần đây khẳng định TSGTKS giảm dần trong mười lăm năm tới và đạt mức bình thường vào năm 2039.Tác động dân số đầy đủ của MCBGTKS sẽ chỉ nhận thấy được trong 30 năm tới, với khả năng thừa 1.750.000 đàn ông trong thập kỷ 2050.
Ngoài vấn đề bạo lực giới rõ rệt thể hiện qua nạn phá thai lựa chọn giới tính, TSGTKS mất cân bằng sẽ để lại những hệ quả lâu dài cho cơ cấu dân số ở Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị một số cải cách chính cần được thực hiện đồng bộ thông qua hai bộ luật.
Luật Dân số:
+ Nới lỏng những chính sách kiểm soát mức sinh cứng nhắc hiện nay
+ Tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản
+ Ưu tiên những chính sách chống chuộng con trai
+ Xử lý những hệ quả lâu dài của lựa chọn giới tính
Luật Bảo hiểm Xã hội:
+ Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi và khu vực phi chính thức
+ Tăng chi an sinh xã hội
+ Thu hẹp khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/nam-2050-viet-nam-se-du-thua-17-trieu-nam-gioi-hang-trieu-dan-ong-bi-loai-khoi-thi-truong-hon-nhan-2220229475159969.htm
Theo ttvn.vn