Nam thanh niên đi đấm bóp bị liệt tứ chi: 3 cảnh báo vàng đọc ngay để khỏi trả giá đắt

Nhiều người đau nhức xương khớp đã tìm đến các cơ sở giác hơi, tẩm quất, massage để tìm cảm giác thư thái, chữa bệnh nhưng đã có trường hợp bị liệt vì điều này.

Liệt do massage

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Khánh – khoa Phẫu thuật cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, khoa vừa phẫu thuật cho bệnh nhân nữ hơn 50 tuổi có bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bị liệt do đi massager.

Bác sĩ Khánh cho biết, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm sống cổ tuy nhiên chưa quá nặng. Vì thấy đau mỏi nhiều nên bệnh nhân đã chủ động đi giác hơi, nắn bóp thầy lang. Sau khi, về nhà được tầm 6 tiếng thì xuất hiện tê bì chân phải tăng dần kèm theo cảm giác tức nặng chân. 

Hình ảnh chụp Xquang của bệnh nhân

Hơn 1 giờ sau, chân phải của bệnh nhân không thể nhúc nhích được.  "Cảm giác khủng khiếp đó dần lan sang chân trái, mất hoàn toàn khả năng vận động và cảm giác, hai tay tê bì và yếu"- bệnh nhân kể. 

Gia đình lo lắng quá vội chuyển lên bệnh viện tỉnh sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Qua thăm khám, bác sĩ cho chụp cộng hưởng từ cấp cứu để tìm kiếm nguyên nhân. 

Bác sĩ Khánh cho biết, kết quả cho thấy bệnh nhân có một khối máu tụ rất to đang chèn ép nặng cột sống cổ, đó chính là nguyên nhân gây liệt hai chân. 

Ca mổ cấp cứu được tiến hành lúc gần nửa đêm và kết thúc sau đó 2 tiếng, khối máu tụ lớn trong cột sống cổ của bệnh nhân được lấy bỏ, giải phóng chèn ép tuỷ thần kinh. Sau mổ bệnh nhân thở yếu nên nằm hồi sức 3 ngày rồi chuyển về khoa phòng. 

Ngày thứ năm sau mổ, người thân của bệnh nhân cho biết bệnh nhân có thể vận động lại được như bình thường. Trường hợp bệnh nhân này cũng là kỳ diệu vì khi tới viện bệnh nhân đã bị liệt.  

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí cấu tạo bình thường. Nếu vòng sợi bị rách hoặc mất khả năng chun giãn, nhân keo có thể bị dịch chuyển về phía sau hoặc sang hai bên, gây ra bệnh. 

Thoát vị đĩa đệm không phải bệnh nan y, nhưng các biến chứng của nó khá nguy hiểm như: mất kiểm soát tiểu tiện, cản trở di chuyển, teo cơ hoặc thậm chí là liệt hoàn toàn thực sự khiến nhiều người ám ảnh nhưng việc điều trị cần được tư vấn chính xác bởi các bác sĩ chuyên khoa.

3 điều cần nhớ 

Qua trường hợp của nữ bệnh nhân này bác sĩ Khánh khuyến cáo khi người bệnh có vấn đề về xương khớp - cột sống nên đi khám sớm và tìm kiếm phác đồ điều trị, lời khuyên tư vấn từ những bác sĩ chuyên sâu và chính thống về chuyên ngành thay vì tìm tới các ông lang. Khi bị bệnh xương khớp cần chú ý ba điều dưới đây:

Thứ nhất: Bác sĩ Khánh cho biết hiện nay có quá nhiều người vội vàng nghe lời mách bảo có chỗ này, chỗ kia thầy lang thực nắn bóp, đắp thuốc, kéo dãn tốt cho bệnh và bệnh nhân tìm đến. Không ít trường hợp đã phải trả giá quá đắt đỏ. 

Bác sĩ Khánh từng tiếp nhận điều trị cho một thanh niên hơn 20 tuổi người Lạng Sơn. Nam bệnh nhân chỉ đau cổ rồi đi kéo nắn thầy lang và bị thoát vị cấp tính gây liệt hoàn toàn tứ chi. Trường hợp này từ mấy năm trước nhưng đến nay còn ám ảnh bác sĩ.

Thứ hai: Nếu đi xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, người bệnh nên tìm đến những trung tâm chính thống và được đào tạo bài bản tại những viện Y học cổ truyền, trung tâm phục hồi chức năng của nhà nước. 

Tác động cột sống, bấm huyết, tẩm quất không phải lúc nào cũng tốt.

Những người đang trong cơn say, cơn đau, cơn mệt mỏi, cơn mơ ngủ… hãy cẩn thận với những động tác xoay, nắn, giật, nhổ đột ngột từ những nhân viên xoa bóp, massager. Vì chính những động tác đó có thể vô tình làm thoát vị cấp, vỡ mạch máu… và gây liệt cấp tính. 

 

Những trường hợp này may mắn phẫu thuật được sớm người bệnh còn cơ hội nếu muộn thì phải trả giá bằng chính việc mình phải ngồi xe lăn suốt cả cuộc đời.

Thứ ba: Bất cứ lúc nào trong hoặc  sau tác động massager, châm cứu, tiêm chọc.. vào cột sống sau đó người bệnh thấy tê bì tay, chân tăng dần hoặc yếu tăng dần thì cần vào ngay trung tâm y tế có khả năng chụp cộng hưởng từ để quét ngay cột sống xem có bị thoát vị, máu tụ chèn ép cấp tính không. Với những trường hợp này "thời gian là vàng" trong những tình huống này.

Với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh thường được chỉ định sử dụng một số loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm như thuốc giảm đau (paracetamol, meloxicam…), thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, naproxen...), thuốc giãn cơ (myonal, decontractyl...), nhóm vitamin và omega 3...

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU