Não trẻ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào khi vừa bế vừa rung lắc, tung hứng

Hành động rung lắc, tung hứng trẻ của người lớn tưởng như vô hại cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc với cơ thể còn non nớt của con.

Đứa trẻ nào cũng vậy, việc quấy khóc là không thể tránh khỏi, vì thế đa số các ông bố bà mẹ sẽ làm động tác lắc lắc hoặc bế con nâng lên hạ xuống, tung hứng vui đùa để con nín khóc, thậm chí phát bực, mất bình tĩnh vì dỗ mãi không được, có người còn đặt mạnh con xuống giường. Những hành động tưởng chừng như vô hại đó có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sự phát triển của con. Điều này không chỉ là lý thuyết, hay cảnh báo của các nhà khoa học nữa mà đã có rất nhiều trường hợp đau lòng xảy ra.

Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương não vì hành động rung lắc mạnh của người lớn

Chẳng hạn như câu chuyện về cậu con trai (hiện đã 8 tuổi) của chị Jamie Thompson (Mỹ). Bé Colby được sinh ra với một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển tốt. Vì không có nhiều thời gian chăm sóc con nên chị Jamie đã thuê một bảo mẫu. Một lần, vì bé Colby cứ khóc mãi mà không chịu nín, cô bảo mẫu chán nản, tức giận đặt mạnh Colby xuống đất.

Từ một em bé bình thường, phát triển tốt, Colby giờ đây đang lớn dần lên với một khuyết tật trong não.

Tưởng rằng đặt như vậy thì không có vấn đề gì nhưng nó đã gây ra tổn thương não của Colby. Jamie cho biết: “Tức giận vì Colby khóc lóc mà không dỗ dành được, cô bảo mẫu đó đã bỏ chiếc khăn cuốn trên người thằng bé và “ném phịch” nó xuống đất. Đầu thằng bé bật lên, lúc đó cô ấy còn nghe thấy một âm thanh phát ra từ cổ thằng bé.

Khối não sẽ di chuyển trong hộp sọ và có thể bị va đập vào hộp xương sọ dẫn đến bị sưng phù và tổn thương các mạch máu trong não khi trẻ bị rung lắc, tung hứng mạnh.

Từ một em bé bình thường, phát triển tốt, Colby giờ đây đang lớn dần lên với một khuyết tật trong não. Nhận thấy sự ảnh hưởng đáng sợ đó, Jamie đã kể câu chuyện của mình cho nhiều người để tất cả nhận ra rằng Shaken baby syndrome (SBS) hay còn gọi là “hội chứng bị rung lắc” ở trẻ có thể gây nguy hiểm như thế nào.

Jamie khuyên các bậc phụ huynh nên giữ bình tĩnh khi con quấy khóc, tránh dùng những cử chỉ như làm động tác lắc lắc hoặc bế con nâng lên hạ xuống.

Hội chứng bị rung lắc còn gọi là tổn thương não lạm dụng (abusive head trauma), có thể gây tử vong cho trẻ nếu bị tổn thương não nặng.

Não bé có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn khi bị rung lắc mạnh.

Hiểu một cách đơn giản rằng, ở giai đoạn từ 8 tháng đến dưới 2 tuổi, đầu trẻ chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 cơ thể, não bộ chưa phát triển toàn diện, lại nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Khi bị rung lắc mạnh, khối não sẽ di chuyển trong hộp sọ và có thể bị va đập vào hộp xương sọ dẫn đến bị sưng phù và tổn thương các mạch máu trong não.

Nếu tổn thương nhẹ có thể khiến trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Nếu nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Điều đáng ngại là bố mẹ rất khó nhận ra tổn thương, thấy con khóc không ngớt lại tiếp tục hành động tung hứng, quay vòng tròn hoặc nóng giận mất bình tĩnh thì lại có những hành động mạnh tay, hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn.

Chỉ một hành động sai lầm của bố mẹ có thể khiến con bị tổn thương não cả đời.

Vậy nên, khi thấy con có biểu hiện lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không nói, không cười, bỏ ăn, nặng hơn thì nôn chớ, co giật,… thì cha mẹ nên chú ý, xem xét lại hành động của mình để có cách cấp cứu kịp thời.

Các chuyên gia cho rằng những động tác mạnh như thay đổi tư thế trẻ nhanh, trẻ đang nằm được bế thốc dậy, xốc nách nhấc bổng trẻ lên cao rồi hạ xuống, rung lắc hoặc có những hành động thô bạo, đánh vào đầu làm đầu trẻ bị di chuyển nhanh và mạnh… đều có thể gây ra hội chứng rung lắc.

Để ngăn ngừa hội chứng trẻ bị rung lắc, cha mẹ cần tránh:

- Tuyệt đối không bao giờ được bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp, thay đổi tư thế đột ngột nhất là trẻ dưới 2 tuổi.

- Không tung hứng trẻ khi nô đùa với con.

- Không đánh vào đầu con, hoặc có những động tác mạnh gây va đập vùng đầu của con

- Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần chú ý khi đưa nôi ru con ngủ hoặc dỗ con nín khóc.

Nguồn: Tổng hợp

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU