"Mấy tháng trước còn ở chung bên nhà chồng, vì kinh tế khó khăn mà vợ chồng em cãi nhau nhiều lắm, áp lực tối ngày. Nhưng rồi 2 đứa cũng quyết dọn ra riêng, thuê nhà tự lập. Các khoản chi phí cũng theo đó mà phát sinh nhiều hơn, tháng nào em cũng phải tằn tiện từng hạt muối mớ rau, song em thấy thoải mái lắm, chẳng phải lo nghĩ hay để ý gì".
Đó là những lời tâm sự đầy lạc quan của mẹ một con Hoàng Thị Trinh (21 tuổi) đang sống ở Tiên Lữ (Hưng Yên). Lập gia đình sớm với người chồng hơn tận 7 tuổi, nhưng Trinh đã biết khéo vun vén, chăm lo cho tổ ấm của mình, nên dù cuộc sống chẳng hề dư dả, mọi thứ vẫn trôi qua yên bình.
Đôi vợ chồng ở quê thu nhập 6 triệu không bỏ két được xu nào vẫn vui vẻ sống tốt.
Vì hoàn cảnh bắt buộc, bố mẹ 2 bên đều không có điều kiện giúp đỡ nên vợ chồng Trinh chủ yếu tự lực, chồng làm nhân viên đê điều, còn Trinh mới xin làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Hai người đã có 1 bé trai 16 tháng tuổi, vì ít sữa nên bà mẹ trẻ đành cai sớm cho con, gửi người trông để bươn chải. Cố gắng dè xẻn, tháng đủ tháng thiếu, dù căn ke ghi chép cẩn thận, nhưng cuộc sống gia đình trẻ với món tiền 6 triệu quả là bài toán khó khăn.
Trinh chia sẻ bảng chi tiêu trung bình hằng tháng, tốn kém nhất là tiền nuôi con:
- Thuê nhà: 500k
- Sữa cho con: 1,2 triệu
- Thức ăn cho con: 500 - 600k
- Gửi con đi học: 800k
- Tiền ăn 2 vợ chồng: 800k/tháng
- Xăng xe linh tinh: 400k
- Trả lãi: 500k
- Cưới xin giỗ chạp: 500k.
- Điện nước: 200k.
Cộng sơ sơ, mấy gạch đầu dòng trên đã "ngốn" trọn khoản lương của cả 2 vợ chồng, dư được vài trăm mọn.
Lấy chồng khi còn rất trẻ, Trinh đã thấu hiểu và trải qua vai trò "tay hòm chìa khóa" một cách khó khăn.
Mọi khoản chi tiêu của gia đình giờ chủ yếu dành cho con trai nhỏ mới 16 tháng.
Làm bao nhiêu tiêu cạn đến đồng cuối cùng bấy nhiêu, Trinh cũng rất đau đầu khi mỗi sáng ngủ dậy lại phải nghĩ xem hôm nay ăn gì chi thế nào. Ở quê thì như vậy là rẻ, nhưng khoản nào cũng chính đáng nên cô nàng không thể chặt tay hơn được nữa. Hiện chồng Trinh đang học tại chức nên phải đi vay mượn thêm trả tiền học phí, con thì ốm đau suốt nên người mẹ trẻ cũng không đi làm đều được. Ra riêng gặp khó khăn chồng chất, song không vì thế mà đôi vợ chồng son thấy nản chí.
"Lúc sinh bé, cả 2 vợ chồng còn đang đi học cả, em còn phải chạy đi vay lãi ngày lấy tiền lên bàn mổ, còn khổ hơn bây giờ. Em ở nhà chăm con, chồng cặm cụi đi làm chỉ được 2 triệu 975 nghìn, nhiều khi thiếu thốn quá em tủi thân phát khóc, chồng lại an ủi cố gắng hơn. Mãi vừa rồi trả được hết nợ, dọn ra riêng, tinh thần thoải mái hơn, 2 vợ chồng bàn nhau chờ con lớn thêm tí nữa em sẽ kiếm việc lương cao hơn, tích cóp mua đất làm nhà".
Căn nhà trọ cũ kỹ vợ chồng Trinh đang thuê, với giá 500 nghìn.
Những bữa cơm đạm bạc giản đơn 2 vợ chồng ăn qua loa cho tiết kiệm.
Cầm khoản sinh hoạt phí ít ỏi trong tay, Trinh cũng phải nghĩ nhiều cách để giảm bớt tiêu pha, đặc biệt là tiền chợ hàng ngày. Cô đi làm cách nhà 1km, được công ty cho suất cơm trưa, cô mang về nhà, nấu thêm một ít chờ chồng về ăn chung. "Tối thì chồng em trông con cho vợ nấu nướng, hàng xóm người quen ai cho gì cũng quý, có bữa chị làm cùng đưa 2 chiếc chả cá, em về mua thêm 10 nghìn cá kho dưa ngoài chợ, thế là xong mâm cơm cho 2 vợ chồng. Tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, em cũng chẳng dám mua sắm gì, có mua thì để cho cu con hết".
Đồ đạc hiện tại trong căn nhà thuê đều của nhà chủ cũ để lại, vợ chồng Trinh cũng tận dụng hết, không phải mua thêm gì. Ngày nào cũng đạm bạc đơn sơ, nhưng gia đình nhỏ vẫn ngập tràn tiếng cười. Cô vợ 21 tuổi quan niệm, thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, chỉ cần chồng vẫn yêu thương, chăm lo hết lòng cho mẹ con cô như hiện tại, thì cuộc sống sau này nhất định sẽ tốt đẹp hơn. Rất nhiều chị em sau khi nghe chuyện của Trinh đều cảm thấy cảm mến nghị lực của cô, nên bà mẹ trẻ cũng có thêm động lực để cố gắng vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình.