3. Khi nào thì cho uống hạ sốt?
Về bản chất, sốt là một phản ứng sinh lý có lợi cho cơ thể, (1) thể hiện qua khả năng tiêu diệt vi khuẩn của cơ thể tăng; (2) hoạt động đề kháng của cơ thể tăng (tăng hoạt động hệ miễn dịch, tăng hiện tượng thực bào, tăng tổng hợp interferon, tăng tổng hợp kháng thể) và (3) giảm lượng sắt tự do trong huyết thanh đồng thời tăng lượng protein gắn sắt, ferritin, từ đó làm giảm sự sinh sản của vi khuẩn do nhiều vi khuẩn cần sắt trong quá trình phát triển. Do đó, về nguyên tắc, chỉ cần hạ sốt khi sốt quá cao hoặc gây khó chịu cho người bệnh. Điều quan trọng vẫn là tìm nguyên nhân gây ra sốt.
Mọi người vẫn hay được dặn dò về con số > 38,5 °C để quyết định uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên để gọi là sốt cao là phải trên > 41,5 °C. Do đó để quyết định uống thuốc hạ sốt chúng ta phải dựa vào tri giác của con, cơn sốt này có gây khó chịu cho con hay không, điều này quan trọng hơn là cứ đi chăm chăm vào con số. Nếu con sốt 38,5 mà vẫn hoạt động, chơi đùa thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục theo dõi con các bố mẹ nhé!
4. Thuốc hạ sốt nào an toàn cho con trẻ?
Thuốc hạ sốt an toàn cho con trẻ nên dùng có thành phần Acetaminophen hay Paracetamol là một. Với liều 10 -15mg/kg/1 lần sử dụng cách 4 -6 giờ. Riêng với bệnh sốt xuất huyết nên dùng liều 10mg/kg/1 lần để tránh nguy cơ tổn thương gan theo khuyến cáo của WHO. Một ngày uống tối đa được 5 lần. Việc cho uống hay nhét hậu môn tác dụng như nhau. Tuy nhiên việc uống hạ sốt sớm hơn khi chưa có chỉ định hoàn toàn không ngăn ngừa được cơn co giật ở trẻ. Do đó các bố mẹ chỉ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi có chỉ định mà thôi. Các phương pháp chườm mát hay miếng dán dường như không có hiệu quả.
5. Làm sao giúp nhận diện được đây là cơn sốt nguy hiểm ở trẻ.
Hướng dẫn của NICE đưa ra hệ thống đèn giao thông để gợi ý về sốt nguy hiểm ở trẻ theo thứ tự: đèn đỏ, đèn vàng và đèn xanh. Nếu nằm trong ô đèn vàng và đèn đỏ là nguy hiểm, cần được đánh giá ngay bởi Bác sĩ nhi khoa.
Dấu hiệu nguy hiểm của sốt bao gồm:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt ≥ 38 độ C, > 39 độ C ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi, > 41,5 độ C ở trẻ > 6 tháng tuổi
- Trẻ Sốt trên 5 ngày
- Sốt kèm theo những dấu hiệu rối loạn tri giác, yếu liệt chi, có suy hô hấp như thở nhanh, co giật, thóp phồng, cổ gượng, phát ban trên mặt da.
6. Nếu con sốt ngay trong đêm bố mẹ cần làm gì?
Nếu con bạn dưới 3 tháng tuổi có sốt ≥ 38 độ C, 3 – 6 tháng con sốt > 39 độ C —> đi khám ngay.
Con bạn lớn hơn 6 tháng có sốt nhưng vẫn ngủ ngon, bạn có thể theo dõi qua đêm. Nếu con li bì, rên rỉ, bứt rứt, thở mệt hay co giật —> đi khám ngay.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.
Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.