Nếu 3 dấu hiệu này xuất hiện trong gia đình, nghĩa là mối quan hệ cha mẹ - con cái đã báo động đỏ, sửa trước khi quá muộn

(lamchame.vn) - Có những đứa trẻ bất hạnh cần phải dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ của mình.

Dấu hiệu 1: Tiền quan trọng hơn mối quan hệ gia đình

Trương Thiều Hàm (Đài Loan, Trung Quốc) là một trong những mỹ nhân gây nhiều tiếc nuối. Tài sắc vẹn toàn, sự nghiệp lên như diều gặp gió, vậy nhưng, năm 2008, Trương Thiều Hàm mở họp báo công bố cô và mẹ ruột cắt đứt mối quan hệ.

Ngay sau đó, mẹ của Trương Thiều Hàm lu loa, tố con gái nghiện ma tuý và ăn chơi trác táng. Nữ diễn viên đứng ra phủ nhận thông tin trên và nói lên sự thật rằng, cô quá mệt mỏi khi bị mẹ bòn rút tất cả số tiền kiếm được suốt 10 năm làm nghề. Vì thua bạc, mẹ Trương Thiều Hàm đã lấy tiền của con để trả nợ, khiến tài khoản ngân hàng của cô chỉ còn lại con số 0 tròn trĩnh, nữ diễn viên tay trắng sau đỉnh cao sự nghiệp.

Dấn thân vào showbiz từ năm 15 tuổi, Trương Thiều Hàm lăn lộn kiếm tiền để trả nợ cho gia đình và nuôi sống bản thân. Suốt những năm tháng ấy, mẹ của cô trở thành quản lý cả về mặt công việc lẫn tài chính. Bà đã lấy hết số tiền nữ ca sĩ tích góp được và khiến con gái trắng tay.

Cậu của nữ diễn viên cũng lên án Trương Thiều Hàm việc bố mẹ ốm đau nhưng cô không chu cấp 1 đồng. Dư luận xứ Trung dậy sóng trước thông tin này, tuy nhiên đại đa số ủng hộ cô bởi những gì Trương Thiều Hàm đã phải trải qua trong quá khứ vì người mẹ quá quắt.

Không chỉ  Trương Thiều Hàm, rất nhiều ngôi sao khổ sở vì tình cảnh bị chính bố mẹ ruột bóc lột sức lao động, ăn chặn, biển thủ tiền catse suốt nhiều năm trời.

Đối với những gia đình bản xứ coi trọng tiền bạc hơn mối quan hệ gia đình, tất cả những gì họ muốn là tiền của bạn. Nếu bạn không có giá trị sử dụng, họ sẽ bỏ rơi bạn. Chỉ bằng cách tránh xa một gia đình như vậy, bạn mới có thể lấy lại được cuộc sống của mình.

Ví dụ, có các bậc cha mẹ cố gắng moi từng đồng tiền của con gái chỉ để cho con trai họ có cuộc sống tốt hơn.

Dấu hiệu 2: Vật chất cao hơn tinh thần

Từng có một video như vậy: Cô bé nọ háo hức vào bếp nấu món ăn sinh nhật mẹ. Qua màn hình, ai nấy đều có thể cảm nhận được cô bé đã chăm chú nấu nướng như thế nào.

Sau đó cô quay sang nói với mẹ: "Mẹ có định khen con không?". Tuy nhiên, thứ cô nhận về là đủ lời mắng mỏ, rằng con gái mình quá lãng phí, nấu quá nhiều đồ ăn cho hai người ăn. Nhiều người cho biết, nếu mình là cô con gái này, họ thực sự sẽ không bao giờ muốn nấu ăn cho mẹ nữa. Không phải vì ác cảm mà vì sợ nếu làm như vậy sẽ bị chỉ trích lần nữa.

Nhiều bậc cha mẹ thích tìm lỗi, đổ lỗi và phá hỏng cuộc vui. Họ cho rằng của cải vật chất quan trọng hơn mọi thứ khác, kể cả nhu cầu tinh thần, và họ không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con cái.

Thực tế, chúng ta có thể hiểu được suy nghĩ của thế hệ cha mẹ chúng ta. Họ kiếm tiền rất khó khăn và họ cũng biết tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, quan niệm tiêu dùng của mỗi thế hệ là khác nhau. Chúng ta cần tiết kiệm nhưng sẽ không trở thành "người khổ hạnh".

Dấu hiệu 3: Sĩ diện quan trọng hơn con cái

Nếu bạn đối xử tệ với con mình hoặc làm điều gì sai trái, bạn có xin lỗi con mình không? Một số cha mẹ cảm thấy xấu hổ khi xin lỗi con cái.

Từng có câu chuyện của một cư dân mạng: Hồi nhỏ ở nhà bị mất 50 tệ, bố tưởng con lấy mất nên đánh con. Ngày hôm sau, người mẹ tìm thấy 50 tệ dưới ghế sofa, đứa trẻ tưởng rằng người cha sẽ xin lỗi mình nhưng không ngờ, người cha chỉ vào đầu đứa trẻ và nói: "Ai bảo con từng làm điều xấu?".

Điều này khiến nhiều người nhớ đến một câu: "Cha mẹ dành cả cuộc đời để chờ con nói lời cảm ơn, nhưng con cái lại dành cả cuộc đời để chờ cha mẹ nói lời xin lỗi". Khi bạn đấu tranh giành thể diện với con cái, điều bạn đánh mất chính là mối quan hệ hai bên.

Nhiều người ép con học để đạt được thành tích tốt, sau đó đăng tải lên mạng để khoe. Tuy nhiên họ lại không để ý đến việc đứa trẻ có thích được khoe như thế hay không? có thích theo đuổi các cuộc thi mà họ đã sắp xếp hay không? Hay nó chỉ đang cố gắng làm hài lòng các bậc cha mẹ háo danh, thậm chí là miễn cưỡng thực hiện do không thể phản kháng. Còn nếu con cái thất bại, toàn bộ tội lỗi sẽ đổ lên đầu chúng, phụ lại sự kỳ vọng, đầu tư của cha mẹ, và chúng sẽ phải cố gắng hơn nữa để "đền đáp công ơn của cha mẹ".

Hay nhiều cha mẹ vì sĩ diện mà luôn la mắng con nơi công cộng, mặc con mình đúng hay sai. Họ chỉ sợ người ngoài đánh giá là bênh con, không biết dạy con mà không nghĩ tới nỗi uất ức hay cảm giác của con mình.

Đối với những bậc cha mẹ coi trọng thể diện hơn tất cả, con cái sẽ tìm cách tránh xa và tất nhiên mỗi quan hệ cha mẹ - con cái khó mà gắn kết, vẹn tròn.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU