Nếu bị công ty đuổi việc do mắc Covid-19, người lao động phải làm gì?

Dịch bệnh Covid-19 không những là mối nguy hại cho sức khỏe mà còn đe dọa đến thị trường kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải cắt giảm nhân lực, chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh.

Với lý do dịch bệnh, nhiều công ty đã ký quyết định cho nghỉ việc đối với những người lao động bị nhiễm Covid-19 nhằm cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, không ít trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng luật và không đảm bảo quyền lợi. Vì vậy, nhiều người lao động cùng bày tỏ thắc mắc về các thủ tục cần thiết cũng như xử lý ra sao trong trường hợp này?

Ảnh minh hoạ

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật

Theo quy định của pháp luật lao động, cụ thể tại Điều 34 Bộ Luật lao động 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khi:

Có sự đồng ý và thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động.

Hợp đồng chấm dứt khi có sự biến pháp lý xảy ra (đương nhiên chấm dứt).

Hợp đồng lao động chấm dứt dựa vào ý chí của một trong các bên trong hợp đồng.

Công ty có được đuổi việc nhân viên vì lý do mắc Covid-19?

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động chỉ được đuổi việc người lao động nếu có một trong 7 lý do sau đây:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc.

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Lý do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng.

- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ có thỏa thuận khác.

- Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

- Người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

Đối chiếu với quy định trên, có thể thấy, việc người lao động bị mắc Covid-19 không phải là căn cứ hợp pháp để người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Do đó, hành vi đuổi việc người lao động vì nhiễm Covid-19 là hoàn toàn trái pháp luật.

Bị đuổi việc do nhiễm Covid-19, người lao động phải làm sao?

Hành vi đuổi việc người lao động do mắc Covid-19 được xác định là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, để đòi lại quyền lợi cho mình, người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau:

1. Khiếu nại

Trước hết, người lao động cần khiếu nại đến ban lãnh đạo công ty. Việc khiếu nại có thể bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp, trong đó trình bày rõ lý do mà mình khiếu nại.

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP , thời gian giải quyết khiếu nại là không quá 30 ngày hoặc 40 ngày đối với vụ việc phức tạp, kể từ ngày thụ lý.

Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết khiếu nại hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với cách giải quyết của công ty, người lao động có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là tối đa 45 ngày hoặc 60 ngày đối với vụ việc phức tạp, tính từ ngày Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thụ lý.

2. Khởi kiện tại Tòa án

Theo Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, thay vì khiếu nại, người lao động có thể trực tiếp khởi kiện tới Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Căn cứ Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Xử lý doanh nghiệp đuổi việc người lao động là F0 như thế nào?

Hành vi tự ý chấm dứt hợp đồng với người lao động mắc Covid-19 được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Khi đó, công ty sẽ buộc phải thực hiện theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

- Buộc phải nhận lại người lao động trở lại làm việc, đồng thời:

+ Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian người lao động không được làm việc.

+ Trả thêm cho người lao động ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

+ Trường hợp vi phạm thời hạn báo trước: Trả tiền lương theo hợp đồng trong những ngày không báo trước.

- Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc:

+ Công ty trả các khoản tiền như trường hợp nhận lại người lao động.

+ Trả thêm trợ cấp thôi việc cho người lao động.

- Công ty không muốn nhận lại và người lao động đồng ý:

+ Công ty trả các khoản tiền như trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc.

+ Trả thêm khoản tiền bồi thường cho người lao động theo thỏa thuận nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/neu-bi-cong-ty-duoi-viec-do-mac-covid-19-nguoi-lao-dong-phai-lam-gi-162222602003155200.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU