1. Người hạ thấp mình không có nghĩa là người thấp kém
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20, tổng công ty Mc Donal đã nhắm đến thị trường Đài Loan. Họ dự định trước khi tiến vào hòn đảo này, sẽ phải đào tạo một nhóm cán bộ cao cấp người địa phương. Vì thế, công ty đã công khai tuyển dụng.
Do tiêu chuẩn của Mc Donal đặt ra khá cao nên rất nhiều doanh nghiệp địa phương có ý định đầu quân đều không vượt qua.
Sau khi chọn lọc lại một lần nữa, có một nhân vật đã xuất hiện, đó là ông Hàn Định Quốc – giám đốc một công ty của Đài Loan.
Trước vòng phỏng vấn cuối cùng, tổng giám đốc của Mc Donal đã nói chuyện với vợ chồng ông Hàn 3 lần và hỏi họ một câu khá bất ngờ: "Nếu chúng tôi yêu cầu anh phải dọn nhà vệ sinh trước, anh có đồng ý không?"
Hàn Định Quốc chưa kịp trả lời, người vợ ngồi bên cạnh đã mở lời: "Ở nhà chúng tôi, việc cọ rửa nhà vệ sinh trước giờ đều do anh ấy làm."
Vị tổng giám đốc công ty Mc Donal rất vui, bỏ qua vòng phỏng vấn và lập tức tuyển dụng Hàn Định Quốc.
Về sau, ông Hàn mới biết, bài giảng đầu tiên mà Mc Donal muốn đào tạo cho nhân viên đó là việc cọ rửa nhà vệ sinh, bởi phương châm cơ bản của ngành dịch vụ đó là: "Không để người khác phục vụ mình, mình luôn phục vụ người khác". Chỉ có bắt đầu từ công việc thấp kém, mới có khả năng hiểu được đạo lý coi trọng khách hàng.
Hàn Định Quốc sau này có thể trở thành một doanh nhân nổi tiếng, bởi vì ngay từ lúc bắt đầu, ông đã làm từ những việc nhỏ bé, làm những việc người khác không muốn làm.
Lời bình
Mèo đeo găng tay sẽ không bắt được chuột. Người hạ thấp mình không đồng nghĩa với việc anh ta là người thấp kém.
Đối với rất nhiều người lựa chọn cương vị nghề nghiệp mà nói, việc quan trọng cần làm đầu tiên không phải là nhắm đúng vị trí nhiều người ngưỡng mộ mà là ngay từ lúc bắt đầu đã có thể tạo cho mình một quan niệm xây dựng nghề nghiệp chuẩn mực.
Nếu làm việc gì cũng kén cá chọn canh, vậy thì bạn sẽ mãi chỉ ngang bằng với những người thấp kém mà thôi.
2. Câu chuyện của đá cuội
Trong một buổi học về quản lý thời gian, vị giáo sư đặt một cái bình đựng nước lên bàn, sau đó lấy một nắm đá cuội vừa vặn có thể bỏ vào miệng bình nước. Khi vị giáo sư bỏ xong đá cuội vào bình, ông hỏi sinh viên: "Các em nói xem cái bình này đầy chưa?"
"Đầy rồi ạ", các sinh viên đồng thanh đáp.
"Thật không?" – vị giáo sư hỏi lại. Rồi ông lại lấy ra một túi đá vụn, đổ vào trong bình, lắc lắc, rồi lại bỏ thêm một chút nữa trước khi hỏi sinh viên: "Các em nói xem, chiếc bình này bây giờ đã đầy chưa?"
Các bạn sinh viên không dám trả lời vội vàng như lần trước. Cuối cùng, một em học sinh rụt rè trả lời với giọng lý nhí: "Có lẽ là chưa."
"Rất tốt."
Vị giáo sư nói xong, lại lấy ra một túi cát. Ông từ từ đổ cát vào bình, đổ xong, ông lại hỏi cả lớp: "Bây giờ các em nói cho tôi biết, cái bình này đầy hay chưa đầy?"
"Chưa đầy." Cả lớp có vẻ như đã có kinh nghiệm, trả lời rât tự tin.
Ảnh minh họa. |
"Tốt lắm." Vị giáo sư lại khen các học sinh của mình một lần nữa rồi lấy ra một chai nước, đổ vào cái bình nhìn có vẻ đã đầy chặt đá cuội, đá vụn và cát. Khi đã làm xong những việc này, ông quay ra hỏi các bạn sinh viên:
"Từ những việc vừa diễn ra ở trên, chúng ta rút ra được bài học quan trọng gì trong ngày hôm nay?"
Cả lớp im phăng phắc. Sau đó, một sinh viên tự cho mình là thông minh đứng lên trả lời: "Bất luận là công việc của chúng ta có bận đến đâu, lịch trình có dày thế nào, nếu như dồn ép lại, chúng ta vẫn có thể làm thêm một vài việc."
Cậu sinh viên trả lời xong, trong lòng thầm đắc ý, nghĩ: "Bài học này suy cho cùng cũng chỉ là muốn nói đến việc quản lý thời gian thôi mà!"
Còn giáo sư sau khi nghe học trò trả lời thì gật đầu, cười nói: "Đáp án không sai, nhưng đây không phải là thông tin quan trọng tôi muốn nói với các em."
Nói đến đây, ông cố ý ngừng lại, quan sát một lượt cả lớp rồi nói: "Tôi muốn nói với các em một thông tin quan trọng là, nếu không bỏ đá cuội vào bình trước, có thể sau đó các em sẽ mãi mãi không có cơ hội để bỏ nó vào bình."
Lời bình
Đá cuội, đá vụn, cát và nước cũng giống như những việc chúng ta phải làm hằng ngày vậy.
Khi công việc ngập ngụa, cần phân cấp theo mức độ, tính chất quan trọng và cấp bách để thiết lập một trình tự xử lý hợp lý nhất, làm sao để cả đá cuội, đá vụn, cát và nước đều có thể bỏ vào bình.
Đối với những việc xảy ra trong cuộc đời cũng vậy, cũng cần xử lý theo cách đó. Ở độ tuổi nào cần hoàn thành việc gì, hãy hoàn thành, nếu không, thời gian trôi qua, hoàn cảnh cũng thay đổi, ở một giai đoạn tuổi tác khác, chúng ta sẽ không còn cơ hội để làm bù.
Theo ttvn.vn