Ngày càng nhiều trẻ em gặp chuyện thương tâm vì nội dung độc hại trên mạng xã hội, người lớn phải làm gì?

Cháu nó quấy khóc quá nên mình quăng cho nó cái iPad để được yên thân, nhà còn bao việc” - đó là lời chia sẻ của một ông bố trẻ mà tôi đã trực tiếp nghe được trong một buổi cà phê cùng bạn bè, mặc cho những hiểm hoạ về nội dung độc hại trên internet và hậu quả mà nó đang hiện hữu.

Các video, bài viết, hình ảnh chứa các nội dung độc hại đã không còn quá xa lạ trong những năm trở lại đây. Việc đột nhiên bắt gặp những clip chứa nội dung đen tối và gây ám ảnh trên mạng xã hội là một cái gì đó rất đỗi bình thường đối với một công dân Facebook như tôi và những nội dung đó đa phần là đem lại cảm giác ớn lạnh tức khắc, số khác đi vào hẳn những giấc mơ.

Bản sao kỹ thuật số của xã hội thực, dễ tiếp cận nhưng đầy rẫy đe doạ

Quay trở lại những năm 2017 khi mà một trào lưu có tên là "Thử thách Momo" xuất hiện. Đầu tiên, những kẻ đứng sau "trào lưu" này đã sử dụng hình ảnh điêu khắc của một yêu quái trong truyền thuyết Nhật Bản có tên là Ubume. Tạo hình của nhân vật thực sự gây ám ảnh với khuôn mặt dài, mắt lồi và khuôn miệng rộng hoác gây ám ảnh.

Nhân vật Ubume trong truyền thuyết Nhật Bản

Mục tiêu của các đối tượng này hầu hết là trẻ em, ban đầu, chúng tạo các tài khoản WhatsApp với tên Momo, tiếp cận mục tiêu, khẩn thiết yêu cầu nạn nhân giúp đỡ để cứu lấy nhân vật bằng cách thực hiện các thử thách với độ khó tăng dần. Nạn nhân đầu tiên của Momo chính là một bé gái 12 tuổi người Argentina, được phát hiện tử vong khi trong tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà, bên cạnh đó là một chiếc smartphone vẫn đang ở chế độ quay phim.

Ảnh minh hoạ

Chưa dừng lại ở đó, thử thách bệnh hoạn này nhanh chóng biến tướng thành các loại hình khác, đặc biệt là video trên YouTube. Chúng tinh vi hơn rất nhiều khi lồng hình ảnh của Momo vào các chương trình truyền hình dành cho trẻ em như Peppa Pig, Fortnite... sau đó là những âm thanh rùng rợn gây khó chịu hoặc oan nghiệt hơn là các chỉ dẫn về việc tự tử.

Tương tự, chúng ta có thử thách cá voi xanh, xuất hiện lần đầu tại Nga năm 2016 và trở thành một mối hiểm hoạ cho giới trẻ toàn cầu vào năm 2018. Nguyên tắc của cá voi xanh cũng rất đơn giản, những cô cậu thiếu niên sẽ được mời tham gia vào các nhóm chat và sẽ được đề nghị thực hiện khoảng 50 các thử thách vui vẻ cùng với các thành viên trong nhóm.

Độ khó của các trò chơi này sẽ tăng dần đều, cho đến khi đến những thử thách cuối cùng, các thanh thiếu niên sẽ được hướng dùng dao và rạch tay theo hình cá voi xanh (khởi nguyên của trò chơi bệnh hoạn này). Đến thử thách cuối cùng, trò chơi thứ 50, tất cả các thành viên sẽ được trưởng nhóm hoặc khuyến kích, hoặc doạ nạt thực hiện một hành động mang tên gọi là "Nói chuyện với cá voi xanh", trên thực tế là leo lên các toà cao ốc và nhảy xuống tự vẫn. Sau khi hoàn thành tất cả nhiệm vụ, người chơi sẽ được công nhận là kẻ thắng cuộc. Gã hề Jonothan Galindo xuất hiện hồi đầu năm cũng là một hình thức tương tự.

Ít bệnh hoạn hơn nhưng không kém phần nguy hiểm đó chính là các nội dung tuyên truyền tư tưởng cực đoạn, tự tử hay thù ghét được núp bóng dưới các bộ phim hoạt hình. Momo như tôi đã đề cập bên trên cũng đã từng xuất hiện chung khung hình với gia đình heo Peppa Pig trên YouTube Kids, có thể bạn không tin, nhưng đó là sự thực.

      
 

Hay như video dưới đây thực chất là một video quảng cáo game Splatoon của Nintendo nhưng đã được chèn hình ảnh một người đàn ông với các chỉ dẫn tự tử nghe mà rùng mình như sau: "Nhớ này mấy nhóc, cắt ngang để gây sự chú ý, cắt dọc để tăng tính hiệu quả. Kết liễu cuộc đời mình đi". Được biết dù đã bị report lên YouTube rất lâu, nhưng mãi cho đến 8 tháng sau, video này mới chính thức được gỡ bỏ.

Video cổ suý việc tự tử núp bóng nội dung dành cho trẻ em

Đó vẫn chỉ là những gì mà cá nhân tôi đã phải trải qua trong suốt quá trình sử dụng internet trong những năm trở lại đây, ngoài kia vẫn còn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các nội dung độc hại đang chực chờ đe doạ sức khoẻ tinh thần, cũng như tính mạng của hàng triệu trẻ em.

Phải làm gì để giúp trẻ em tránh xa các nội dung nhạy cảm?

Vậy có thể câu hỏi là làm cách nào để giữ những bạn nhỏ của chúng ta khỏi những nội dung đó? Cấm đoán, hay kiểm soát ra làm sao? Sau đây là một số gợi ý của tôi.

Đầu tiên, hãy sử dụng phiên bản dành cho thiếu nhi của các phần mềm tiêu thụ nội dung. YouTube có nền tảng YouTube Kids, tuy hiện tại đã không còn là môi trường sạch 100% cho trẻ, nhưng hiện tại đây vẫn là lựa chọn khá tốt dành cho các phụ huynh khi có ý định giao thiết bị cá nhân cho con cái và mặc kệ chúng "muốn làm gì thì làm", đặc biệt là nó còn miễn phí nữa. Cao cấp hơn một chút chúng ta có Netflix với một kho nội dung dành cho trẻ em cũng đồ sộ không kém, chỉ cần tạo một profile dành riêng cho trẻ, bạn đã có thể yên tâm khi biết con mình đang được tiêu thụ những sản phẩm nội dung được gắn nhãn và sản xuất dành riêng cho chúng.

  
  

Kế tiếp, hãy luôn kiểm tra những nội dung mà con trẻ đang tiêu thụ, mặc cho nền tảng các bạn dùng là gì, YouTube thông thường, hay phiên bản Kids, hãy xem qua lịch sử truy cập để nhanh chóng phát hiện ra những bất thường và tiến hành xử lý chúng trước khi quá muộn. Đối với các nội dung độc hại, hãy báo cáo chúng đến đội ngũ của YouTube để được xem xét và gỡ bỏ.

Thông thường các kênh có nội dung độc hại đều có tuyến video với motif tương tự nhau, vậy nên hãy xem xét việc report cả kênh, thay vì làm nó với từng video nhỏ lẻ. Tiếp đến hãy quan sát phương cách sinh hoạt của con cái để phát hiện các điểm bất thường, tin tôi đi, trẻ con sẽ làm các bạn bất ngờ đấy, chỉ là không biết là theo hướng tích cực, hay tiêu cực mà thôi!

Cuối cùng; tuy không liên quan đến các công nghệ, nhưng hãy cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con trẻ, khuyến khích chúng tham gia các hoạt động thể thao để phát triển về mặt thể chất, nghệ thuật để phát triển thêm sức khoẻ tinh thần.

Xin đừng quẳng cho con cái một chiếc iPad với phần mềm YouTube đã mở sẵn chỉ để được yên ổn làm việc, rồi mãi về sau, khi thảm kịch xảy ra, các bạn lại quay sang chỉ trích tất cả mọi người có liên quan khác mà quên mất rằng chính mình, chính các bậc sinh thành mới là người trực tiếp đưa con cái mình tiếp cận với nội dung đó ngay từ lúc ban đầu.

Nguồn ảnh/ video: Internet

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU