Ngày mai, 28 tỉnh thành thuộc Nhóm nguy cơ cao và Có nguy cơ đối với Covid-19 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội

Bắt đầu từ 23/4, cả nước cơ bản dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh. Đây là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào chiều nay.

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc xem xét danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và đưa ra các quyết sách mới.

Như vậy theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cả Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh và Hà Giang nơi có nhiều người mắc Covid-19 và mới ghi nhận bệnh nhân số 262 và 268 đều đã được đưa về nhóm tỉnh thành có nguy cơ và sẽ không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Trước đó, các tỉnh thành này thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hà Nội vẫn ở Nhóm có nguy cơ là do mới chỉ qua 7 ngày không ghi nhận thêm người mắc mới Covid-19. Trong khi đó, đây là nơi có mật độ dân số đông, tâp trung nhiều cơ quan và doanh nghiệp, nhiều học sinh, sinh viên và người nước ngoài. Huyện Thường Tín, huyện Mê Linh hay có những nơi có ca nhiễm chưa đủ 14 ngày sẽ tiếp tục phải áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16. Thủ tướng nêu rõ:

"Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số quận, huyện ở Hà Nội là có nguy cơ cao. Như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày. Có một số huyện của Hà Nội là nguy cơ cao, cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16 còn các nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ".

TP HCM đã trả qua 22 ngày cách ly xã hội, trong đó 19 ngày liên tiếp không có ca Covid-19 mới. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị người dân ở 28 tỉnh, thành trong cả nước dừng thực hiện cách ly xã hội từ 23 giờ 59 phút đêm nay không tổ chức ăn mừng, hay tập trung đông người, đua xe, mà mọi người dân, nhất là giới trẻ vẫn phải cảnh giác và tiếp tục tích cực trong phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực. Thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao.

Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng, bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Hiện chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước ta.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại an toàn chu đáo và tuy đi học lại nhưng cần phát huy học qua mạng, qua truyền hình thành công trong thời gian qua.

Theo Thủ tướng, thời gian học ít, nên đồng ý chủ trương học có trọng tâm, trọng điểm và yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT Quốc cũng như xét tuyển ĐH, cao đẳng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, tính đến 12h ngày 22/4, thế giới ghi nhận hơn 2,557 triệu trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; 177.641 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, từ ngày 17/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới; 222 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân. Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây.

5 điều bạn vẫn không nên làm dù ngừng cách ly toàn xã hội 

Ngay cả khi Chính phủ nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, bạn đừng vội nghĩ cuộc sống sẽ lập tức trở lại bình thường, ít nhất có 5 điều bạn vẫn cần tiếp tục "kiêng cữ".

Tiệc tùng

Khi tham gia bữa tiệc tại nhà hay tụ tập ở hàng quán, bar..., bạn sẽ ở cùng nhiều người trong một không gian hẹp. Nếu có một người mang virus, những người khác sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Nhiều ổ dịch từng bắt đầu như thế.

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng (Mỹ) nói trong cuộc họp ngày 15/4: "Tôi chỉ nhắc nhở mọi người một lần nữa, đây là loại virus rất dễ lây lan. Các cuộc tụ tập, thăm hỏi luôn là cơ hội để một người không có triệu chứng vô tình phán tán virus".

Ngừng rửa tay

Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 là một trong các lý do nhiều quốc gia mong muốn có thể ảnh nới lỏng giãn cách xã hội.  Điều này không có nghĩa dịch đã bị dập tắt. Và do đó, bạn vẫn không nên ngừng rửa tay.

Hãy để thói quen rửa tay bạn hình thành được trong thời gian này được duy trì  mãi mãi. Rửa tay kỹ qua 6 bước, thường xuyên và sau mỗi lần tiếp xúc với các bề mặt công cộng.

Đến thăm người có nguy cơ cao

Gặp gỡ, trao những cái ôm ấm áp - điều mà nhiều người mong sớm được làm khi lệnh giãn cách kết thúc - không phải là điều tốt cho người cao tuổi, người ốm đau vì một khi nhiễm bệnh, họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với người khỏe mạnh.

Theo dự đoán, sẽ mất cả năm trời nữa vaccine ngừa COVID-19 mới được đưa vào sử dụng. Trong thời gian này, nếu gặp những người có nguy cơ cao, hãy lưu ý đến an toàn của họ.

Lên kế hoạch du lịch nước ngoài

Sự di chuyển quốc tế chính là yếu tố khiến virus corona nhanh chóng lan ra khắp thế giới và gây đại dịch. Vì vậy, trong lúc COVID-19 vẫn hoành hành ở nhiều nước, không nên nghĩ đến chuyện du lịch nước ngoài. Nếu chẳng may đến địa điểm bùng phát dịch, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cách ly ở một đất nước xa lạ, thậm chí nhiễm bệnh.

Tháo khẩu trang

Châu Âu và Mỹ từng khuyến cáo khẩu trang chỉ nên dùng cho nhân viên y tế và người bệnh, nhưng hiện nay quan điểm này của họ đã thay đổi. Nhiều nước khuyến cáo tất cả dân chúng phải đeo khẩu trang để bảo vệ mình và bảo vệ người khác trong dịch COVID-19.

Cho dù ngừng giãn cách xã hội, điều chắc chắn là bạn vẫn nên đeo khẩu trang.

Theo Thành viên diễn đàn Lamchame tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU