Nghịch cảnh vaccine tại châu Phi: Vì sao hàng nghìn liều vaccine phải tiêu hủy?

Trong khi nhiều quốc gia châu Phi đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine Covid-19, một số quốc gia khác đang tiêu hủy hàng nghìn liều vaccine chưa sử dụng.

Thiếu vaccine, nhưng vẫn phải tiêu hủy

Kenya là một trong những quốc gia đã sử dụng hơn 90% vaccine AstraZeneca do chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cung cấp. Chỉ còn vài tuần nữa, quốc gia Đông Phi này có nguy cơ rơi vào tình trạng cạn kiệt vaccine giống nhiều nước châu Phi khác như Botswana, Eswatini, Ghana, Rwanda, Togo và Senegal.

Trong khi đó, Nam Sudan, giáp Kenya về phía Nam, đã công bố kế hoạch tiêu hủy khoảng 59.000 liều vaccine trong tổng số 191.000 liều vaccine AstraZeneca mà nước này nhận được.

Châu Phi sở hữu chưa đến 2% lượng vaccine Covid-19 được cung cấp trên thế giới (Ảnh: CNN)

Theo một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các liều vaccine phải loại bỏ là những liều vaccine đã hết hạn sử dụng, do Công ty viễn thông MTN tặng Nam Sudan, thông qua Nhóm đặc nhiệm thu mua vaccine châu Phi của Liên minh châu Phi (AVATT).

WHO cho biết, khoảng 925.000 liều vaccine AstraZeneca, với ngày hết hạn là 13/4, đã được phân phối tới 13 quốc gia châu Phi thông qua AVATT. Nam Sudan đã nhận được 59.000 liều vaccine trong lô hàng này, được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Các quan chức y tế ở Nam Sudan cho biết, các liều vaccine do AVATT cung cấp đã đến nước này chỉ 2 tuần trước khi hết hạn sử dụng, bởi vậy chúng không được sử dụng.

Người phát ngôn của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) nói rằng, vaccine chỉ được cung cấp thông qua chương trình COVAX cho các quốc gia đã sẵn sàng tiêm chủng.

“Trong trường hợp của vaccine AstraZeneca, các nhà sản xuất đã sản xuất trước và dự trữ nhiều vaccine để có thể tiếp cận nhiều người nhất. Tất cả các nước tham gia chương trình COVAX đều được thông báo về hạn sử dụng của vaccine và số lượng vaccine chỉ được phân phối khi các quốc gia đã sẵn sàng tiêm chủng”, người phát ngôn của GAVI nói.

Vào cuối tháng 3, Nam Sudan đã nhận được 132.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX. Cho đến nay, nước này mới chỉ tiêm chủng cho hơn 5.000 người. Theo WHO, số vaccine bị loại bỏ là từ lô hàng 59.000 liều vaccine của AVATT.

Tới nay, Nam Sudan, quốc gia có dân số khoảng 11 triệu người, ghi nhận hơn 10.000 ca mắc Covid-19 và hơn 115 ca tử vong do dịch bệnh, theo số liệu của Worldometers.

Trả lại vaccine Covid-19

Vào tháng 4, WHO cho biết châu Phi sở hữu chưa đến 2% lượng vaccine Covid-19 được cung cấp trên thế giới.

Kate Ribet, người phát ngôn của WHO về việc triển khai vaccine Covid-19 ở châu Phi nói rằng, hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca có được thông qua chương trình COVAX đã được Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trả lại, sau khi lo ngại những liều vaccine này có thể không được tiêm trước khi hết hạn sử dụng.

“DRC thừa nhận rằng họ sẽ không thể triển khai tiêm tất cả 1,7 triệu liều vaccine do COVAX cung cấp trước khi chúng hết hạn sử dụng vào tháng 6. DRC đã chuyển 1,3 triệu liều vaccine cho các quốc gia chưa nhận được vaccine từ COVAX hoặc các nước đã sẵn sàng tiêm chủng”, bà Kate Ribet cho biết.

“Những liều vaccine này hiện đã được phân phối cho Angola (495.000 liều), Ghana (350.000 liều), Cộng hòa Trung Phi (80.000 liều), Madagascar (250.000 liều) và Togo (140.000 liều)”, bà Ribet nói.

Theo CNN, gần 9.000 người ở DRC, nước có 86 triệu dân, đã được tiêm vaccine Covid-19. Quốc gia châu Phi này tới nay ghi nhận hơn 30.000 ca mắc Covid-19 và hơn 700 ca tử vong do dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã khen ngợi DRC vì “động thái đáng chú ý” trong việc trả lại vaccine.

“DRC đã không lãng phí vaccine. Họ nhận ra sẽ không sử dụng tất cả các liều vaccine kịp thời và sau đó kêu gọi COVAX và UNICEF thu nhận những liều vaccine thừa đó và phân phối lại chúng. Chúng tôi công nhận sự sáng suốt của họ trong việc này”, John Nkengasong, Giám đốc CDC châu Phi cho biết tại một cuộc họp báo hôm 13/5.

Tại Malawi, gần 19.000 liều vaccine AstraZeneca chưa được phân phối sẽ được tiêu hủy công khai vào ngày 19/5, Bộ Y tế cho biết trong một thông báo với CNN. Bộ trưởng Y tế Malawi, Charles Mwansambo nói rằng nước này không thể kịp triển khai tiêm tất cả vaccine trước khi chúng hết hạn sử dụng.

“Vào ngày 26/3, chúng tôi nhận được 102.000 liều vaccine AstraZeneca từ Liên minh châu Phi và những liều vaccine này có hạn sử dụng khoảng 2 tuần, sẽ hết hạn vào ngày 13/4. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để sử dụng tất cả vaccine. Trên thực tế, Malawi đã sử dụng hơn 80% lượng vaccine. Chúng tôi ưu tiên sử dụng vaccine từ Liên minh châu Phi trước những vaccine khác, nhưng vẫn không thể sử dụng hết khoảng 19.610 liều”, ông Mwansambo nói.

Trước đó vào tháng 3, Malawi cũng đã nhận được 2 lô hàng vaccine AstraZeneca từ COVAX và chính phủ Ấn Độ.

“Chúng tôi đã nhận được 360.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX vào ngày 5/3, hết hạn vào cuối tháng 6 và 50.000 liều vaccine từ chính phủ Ấn Độ, trong đó 22.000 liều hết hạn vào ngày 2/4 (tất cả đều đã được sử dụng trước khi hết hạn) và 28.000 liều sẽ hết hạn vào cuối tháng 7”, ông Mwansambo nói với CNN.

Ông Mwansambo bày tỏ lạc quan rằng với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại của Malawi, quốc gia này sẽ có thể sử dụng số vaccine còn lại trước khi hết hạn.

Tiêu hủy vaccine hết hạn là “vô cùng đáng tiếc”

WHO nói với CNN rằng việc tiêu hủy vaccine hết hạn là “vô cùng đáng tiếc” nhưng là điều chính đáng.

“Việc loại bỏ vaccine là điều vô cùng đáng tiếc trong bất kỳ chương trình tiêm chủng của nước nào. Tuy nhiên, với những rủi ro liên quan đến việc sử dụng vaccine hết hạn, WHO khuyến cáo vaccine Covid-19 đã được phân phối không nên để quá hạn sử dụng và nên được xử lý an toàn”, bà Ribet nói.

Bà Ribet cho biết thêm, WHO đang nghiên cứu khả năng kéo dài thời hạn sử dụng của vaccine AstraZeneca.

Các nhóm chuyên gia của WHO đang chờ thêm dữ liệu về độ ổn định của vaccine và sẽ xác định xem liệu thời hạn sử dụng có thể thay đổi từ 6 tháng lên 9 tháng hay không. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ áp dụng cho các liều vaccine chưa được dán nhãn và phân phối.

Vào cuối tháng 3, Reuters đưa tin rằng các cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã chấp thuận gia hạn thời hạn sử dụng của vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, từ 6 tháng lên 9 tháng đối với các liều vaccine chưa dán nhãn.

Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine AstraZeneca cho đồng nghiệp tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thành phố Nairobi (Kenya) (Ảnh: CNN)

Về việc tiêu hủy vaccine ở Malawi và Nam Sudan, người phát ngôn của GAVI nói rằng: “Chúng tôi hiểu rằng có những khó khăn với việc triển khai vaccine và cùng với WHO và UNICEF, chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia để hỗ trợ triển khai nhanh chóng các liều vaccine đã nhận được từ COVAX”.

WHO cũng cho biết, các nước nên điều chỉnh chương trình tiêm chủng phù hợp với thời hạn sử dụng của vaccine để tránh lãng phí.

“Đồng bộ hóa chiến dịch tiêm chủng với thời hạn sử dụng của vaccine tại một quốc gia là chìa khóa để tạo điều kiện tiêu thụ nguồn cung trước khi chúng hết hạn. Các nước có trách nhiệm theo dõi và giám sát thời hạn sử dụng của vaccine một cách thường xuyên”, WHO nói với CNN.

Malawi hy vọng sẽ có thể tiêm chủng cho khoảng 11 triệu người, chiếm 60% trong 18 triệu dân nước này.

“Chúng tôi đang mong đợi 7,6 triệu liều vaccine AstraZeneca từ COVAX, tương đương với 3,8 triệu người sẽ được tiêm chủng, vì vaccine này yêu cầu 2 liều. Chúng tôi cần tiêm chủng cho gần 60% dân số để có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng. Chính phủ Malawi sẽ làm việc với các đối tác song phương và đa phương để tìm thêm vaccine cho khoảng 7 triệu người”, Bộ trưởng Y tế Mwansambo nói.

Để đảm bảo không có liều vaccine nào bị lãng phí, Bộ Y tế Malawi cho biết, các chiến dịch tiêm chủng đang được nhân rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi tỷ lệ người dân do dự tiêm vaccine cao hơn.

Tuy nhiên, Malawi và nhiều quốc gia khác phụ thuộc nguồn cung vaccine từ chương trình COVAX phải đối mặt với một thực tế rằng, chương trình này không có đủ vaccine.

Sáng kiến ​​COVAX đặt mục tiêu cung cấp 170 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp cho tới tuần này. Tuy nhiên, COVAX sẽ chỉ vượt mốc cung cấp 65 triệu liều vaccine trong vài ngày tới, theo UNICEF, một đối tác của COVAX.

UNICEF cho biết, cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ, “thủ phủ” vaccine của thế giới, khiến ít nhất 140 triệu liều vaccine dự kiến phân phối đến cuối tháng 5 sẽ không được cung cấp cho COVAX.

“COVAX đang không có đủ vaccine Covid-19”, UNICEF thừa nhận trong một tuyên bố hôm 17/5.

“Một trong những hậu quả mà cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ đem lại là sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn vaccine cung cấp cho COVAX. Nhu cầu trong nước tăng cao đồng nghĩa với việc số vaccine phân phối cho các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm đi”, UNICEF cho biết.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU