Nghịch lý cuộc đời: Từng là đứa trẻ đúng chuẩn 'con nhà người ta', chẳng ngờ lớn lên trở thành sát thủ giết người không gớm tay

Cuộc đời quả thật chẳng ai biết trước được chữ ngờ. Một cô gái sinh ra trong nhung lụa, giỏi giang, xinh đẹp đúng chuẩn 'con nhà người ta' nhưng khi lớn lên lại rơi vào vòng xoáy lao lý.

Đó là Marjorie Diehl-Armstrong.

Ngày 26/2/1949, Marjorie ra đời trong một gia đình bề thế. Bố mẹ của cô giàu có và như một lẽ tất yếu, cô được cưng chiều như trứng mỏng. Marjorie có năng khiếu âm nhạc, có nhiều bạn bè, xinh đẹp, cuốn hút, duyên dáng và thông minh, được học hành ở những môi trường tốt. Thậm chí bạn bè của Marjorie còn mô tả rằng cô là người có thể thắp sáng cả căn phòng bằng sự duyên dáng, cuốn hút của mình.

Marjorie khi còn trẻ

Cô tốt nghiệp cấp 3 với điểm số cao nhất lớp, hoàn thành đại học với tấm bằng cử nhân xã hội học và thậm chí còn có bằng thạc sĩ giáo dục từ trường Gannon College (giờ là trường Gannon University). Cuộc đời của Marjorie rõ ràng được sắp đặt một cách hoàn hảo để cô đi đến thành công. Nhưng thật không may, đó không phải là một cái kết tốt đẹp của nàng tiểu thư nhà Diehl-Armstrong. Ở những năm tháng tuổi 20, cuộc đời của cô tiểu thư đã rẽ sang một hướng khác, đau khổ và đẫm máu.

Chẳng ai có thể ngờ, Marjorie mắc bệnh về tâm lý. Ở những năm tháng tuổi 20, Marjorie bỗng nhận ra có chuyện gì đó không bình thường với mình và phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Sau khi gặp hàng chục bác sĩ tâm lý, cô đã nhận về rất nhiều chẩn đoán: rối loạn lưỡng cực, hưng cảm, chứng ái kỷ (yêu bản thân thái quá) và ngoài ra, cô còn mắc chứng ám ảnh tích trữ ngay từ khi còn nhỏ.

Cuộc đời của Marjorie rõ ràng được sắp đặt một cách hoàn hảo để cô đi đến thành công. Nhưng thật không may, đó không phải là một cái kết tốt đẹp của nàng tiểu thư nhà Diehl-Armstrong.

Trong quyển sách "Mania and Marjorie Diehl-Armstrong: Inside the Mind of a Female Serial Killer", tác giả Clark và Palattella có đề cập: "Trong số những nữ sát nhân hàng loạt, Marjorie Diehl-Armstrong là một người có sự pha trộn. Tính cách của cô ấy bao gồm các tính chất của một người mắc chứng Sociopath (Rối loạn nhân cách chống đối xã hội) và người mắc chứng Psychopath (một trong nhiều dạng khác nhau của rối loạn đa nhân cách): bốc đồng nhưng có hệ thống, bừa bãi nhưng cẩn thận, rối loạn nghiêm trọng về mặt tinh thần trong một số trường hợp nhưng đôi lúc lại cư xử rất đúng mực".

Nhà sản xuất Trey Borzillieri - người có cơ hội tiếp xúc với Marjorie hơn 1 thập kỷ để thực hiện bộ phim tài liệu Evil Genius - cho biết: "Rõ ràng cô ta là một người Sociopath, giúp cô ta thành một kẻ nói dối hoàn hảo. Điều này cũng đồng hành với các vấn đề khác về tâm thần của cô. Như hoang tưởng, hưng cảm, rối loạn nhân cách. Cô ta là một người phụ nữ cứng rắn, liên tục thao túng mọi người để đạt được điều mình muốn".

Cuộc đời của Marjorie đã được dựng thành bộ phim tài liệu Evil Genius

Chính tay Marjorie đã ra tay sát hại người tình và là nghi can khiến người chồng của mình thiệt mạng. Năm 1984, Marjorie đã bị bắt vì sát hại bạn trai Robert Thomas. Theo báo cáo, cả Thomas và cô đều có vấn đề về tâm thần, sử dụng chất kích thích. Marjorie đã bắn bạn trai 6 phát nhưng sau đó lại được tha bổng vì cô ta khai trước tòa rằng, Thomas đã tấn công và cô ra tay để tự vệ. Khi cảnh sát đến khám xét ngôi nhà nơi Thomas và Marjorie chung sống, đó là một ngôi nhà bừa bộn, thức ăn thối rữa khắp nơi, chủ yếu là phô mai.

Đến năm 1988, Richard Armstrong - chồng của Marjorie - bị chấn thương nặng ở đầu. Anh được đưa vào bệnh viện và chết vì xuất huyết não. Khi đó, Marjorie bị đưa vào danh sách nghi ngờ có liên quan đến cái chết của chồng. Thế nhưng vụ án lại chẳng bị điều tra thêm.

Tuy nhiên, vụ án chấn động nhất của Marjorie chính là vụ án cướp ngân hàng vào mùa hè năm 2003. Buổi chiều đó, một người đàn ông tên Brian Douglas Wells xuất hiện tại ngân hàng ở thành phố Erie, bang Pennsylvania, Mỹ và yêu cầu nhân viên phải giao cho mình 250.000 USD. Đáng chú ý, trên cổ hắn có gắn một quả bom hẹn giờ. Nhân viên ngân hàng lập tức đưa tiền cho hắn dù không đủ 250.000, dù vậy hắn cũng chẳng đòi hỏi thêm mà lái xe đi ngay lập tức.

Hình ảnh Brian Wells qua camera ngân hàng

Cảnh sát nhanh chóng xác định kẻ cướp ngân hàng là Brian Douglas Wells - nhân viên giao hàng của một tiệm bánh pizza. Chỉ 15 phút sau, khi Brian tiến vào một bãi đỗ xe, hắn đã bị bắt. Brian khai với công an rằng hắn ta bị ép buộc bởi có một nhóm người lạ cài quả bom lên cổ hắn và giao hắn nhiệm vụ cướp ngân hàng, nếu không làm theo thì sẽ cho nổ quả bom. Cảnh sát lập tức gọi đội gỡ bom đến nhưng không may, quả bom đã nổ tung vài phút trước khi đội gỡ bom xuất hiện. Brian tử vong tại chỗ.

Khám xét xe của Brian, cảnh sát phát hiện mảnh giấy có ghi các yêu cầu như trò chơi tìm kho báu. Sau khi giải mã, cảnh sát cũng tìm được đích đến nhưng khi đến nơi, họ không tìm thấy manh mối nào khác. Sự việc chẳng thể tiếp tục được điều tra. 

Gần một tháng sau, cảnh sát nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của William Rothstein - bạn trai cũ của Marjorie. Hắn khai rằng Marjorie đã sát hại bạn trai mới James Roden và đã gọi điện thoại nhờ William đến để giúp cô ta xóa hiện trường vụ án, mang xác James đi nơi khác. William đã giúp Marjorie nhưng giờ đây, hắn ta sợ Marjorie sẽ thủ tiêu mình để che giấu tội ác nên quyết định khai với cảnh sát những gì đã xảy ra. Điều tra được những gì William khai đều là sự thật, cảnh sát tiến hành bắt giữ Marjorie (khi đó đã 54 tuổi). Dù thừa nhận mình đã sát hại James nhưng Marjorie vẫn không quên khai thông tin mình bị bệnh tâm thần với tòa án. Thế nhưng bà ta vẫn bị xử phạt 20 năm tù giam vào tháng 1/2005.

Marjorie bị xử phạt 20 năm tù giam vào tháng 1/2005

Trong quá trình điều tra, lấy lời khai, cảnh sát đã phát hiện ra chi tiết lạ từ những gì William khai báo. Hắn ta vô tình khai những điều mang ý nghĩa việc Marjorie sát hại James chẳng liên quan gì đến vụ cướp ngân hàng. Biết rằng đây là manh mối để điều tra vụ án cướp ngân hàng trước đây, cảnh sát đã lưu thông tin và tìm cách tiếp cận Marjorie. Tháng 4/2005, 2 năm sau ngày xảy ra vụ cướp ngân hàng, cảnh sát đã gặp Marjorie để hỏi về vụ án. Marjorie không từ chối nhưng yêu cầu được chuyển đến nhà tù tốt hơn thì mới chịu khai. Ở nơi mới, Marjorie đã khai tất cả, khẳng định mình có tham gia vụ cướp ngân hàng và kẻ chủ mưu chính là William. Thế nhưng cảnh sát lúc này chẳng thể điều tra được William vì hắn ta đã qua đời vì ung thư vào tháng 7/2004.

Cuộc điều tra ngỡ rơi vào bế tắc bỗng dưng tìm được một manh mối. Một cuộc điện thoại nặc danh gọi đến cảnh sát để tố cáo Barnes - thợ sửa tivi - có thể có liên quan đến vụ cướp ngân hàng. Theo điều tra, Barnes là bạn của Marjorie và là người chế tạo quả bom quấn trên cổ của Brian. Brian khi đó đang khó khăn nên khi nhận được lời gạ gẫm tham gia vụ cướp ngân hàng, hắn ta lập tức đồng ý với niềm tin sau khi thỏa thuận với Marjorie rằng quả bom trên cổ là giả. Nhưng Brian chẳng thể ngờ đó là quả bom thật cho đến khi nghe được âm thanh đếm ngược phát nổ của quả bom. 

Barnes là bạn của Marjorie và là người chế tạo quả bom quấn trên cổ của Brian

Barnes khai Marjorie là chủ mưu vụ cướp ngân hàng với động cơ dùng số tiền cướp được thuê sát thủ nhằm thủ tiêu người bố giàu có của cô để hưởng thừa kế. Trong những buổi hỏi cung, Marjorie phủ nhận mọi lời cáo buộc, tuyệt đối không nhận tội. Tuy nhiên cuối cùng, vào năm 2010, Marjorie đã bị kết tội và hưởng án chung thân. Nhưng sự thật về động cơ cướp ngân hàng là gì cho đến tận lúc Marjorie chết trong tù vì bệnh ung thư (năm 2017) vẫn là một điều bí ẩn.

(Nguồn: Tổng hợp)

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU