Nước súc miệng là sản phẩm có công dụng loại bỏ vi khuẩn gây ra mảng bám và hơi thở có mùi trong miệng, được rất nhiều người yêu thích sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng sản phẩm này không đúng cách sẽ làm rửa trôi cả các vi khuẩn có lợi bảo vệ răng miệng chúng ta.
Sản phẩm nước súc miệng thương mại đầu tiên được phát triển vào cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ tên một bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Lister. Đầu tiên, nó chỉ được coi như một chất khử trùng trong phẫu thuật nhưng vào những năm 1920, chúng được coi là một phương pháp chữa hơi thở có mùi hôi, cũng như làm sạch các mảng bám trong miệng.
Theo một nghiên cứu mới của trường Y tế Công cộng Harvard, sử dụng nước súc miệng 2 lần/ngày làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường type 2 lên tới 55% trong khoảng 3 năm. Lý do là bởi trong các loại nước súc miệng phổ biến này đều chứa thành phần diệt mọi vi khuẩn, cả tốt và xấu. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường cho sức khỏe.
Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 1.206 người thừa cân ở độ tuổi từ 40 đến 65, được coi là có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, khoảng 17% người tham gia phát triển thành bệnh tiểu đường hoặc tiền đái tháo đường. 20% trong đó có thói quen sử dụng nước súc miệng mỗi ngày một lần, và 30% có thói quen sử dụng nó vào buổi sáng và buổi tối.
Joshipura, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard, tác giả nghiên cứu cho biết: Các vi khuẩn hữu ích trong miệng có thể bảo vệ cơ thể chống nguy cơ béo phì và tiểu đường, vì nó giúp cơ thể tạo ra oxit nitric. Phân tử quan trọng này giúp hàng tỷ tỷ tế bào của chúng ta giao tiếp với nhau bằng cách truyền tín hiệu trong toàn bộ cơ thể và điều chỉnh lượng insulin và sự trao đổi chất.
Các loại nước súc miệng thông dụng thường chứa các công thức diệt khuẩn mạnh mẽ bao gồm cetylpyridinium clorua, chlorhexidine, triclosan, rượu, florua, peroxit và các loại tinh dầu. Hầu hết các thành phần kháng khuẩn nhà sản xuất cho vào trong nước súc miệng đều diệt vi khuẩn một cách không có chọn lọc. Chúng không nhắm mục tiêu đến những vi khuẩn gây hại mà tiêu diệt tất cả.
Một nghiên cứu khác được công bố hồi đầu năm nay trên tạp chí Journal of Periodontal Research cho thấy một số vi khuẩn miệng có vẻ như bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và béo phì. Và một nghiên cứu khác từ năm 2013 cho thấy chỉ một tuần súc miệng có thể làm giảm 90% sản sinh nitrit trong miệng, làm giảm 1/4 nồng độ nitrit máu. Những thay đổi này dẫn đến huyết áp tăng rõ rệt.
Theo Hiệp hội Nha khoa Anh quốc, việc sử dụng nước súc miệng hàng ngày là không cần thiết đối với những người chăm chỉ đánh răng 2 lần/ngày. Hơn nữa, chức năng chính của hầu hết các loại nước súc miệng là làm mới hơi thở. Một số loại có thể giúp bảo vệ răng khỏi các axit được tạo ra bởi vi khuẩn mảng bám nếu bạn sử dụng chúng đúng cách sau khi đã đánh răng thật kỹ.
Vì vậy, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, sử dụng nước súc miệng 2 lần/ngày là không tốt nhưng mỗi ngày 1 lần thì chấp nhận được.
Theo Dailymail, Telegraph