Nghiên cứu mới: Phát hiện hàng tá hạt vi nhựa tồn tại trong nhau thai của người

Điều đáng lo ngại ở đây là các nhà nghiên cứu mới chỉ phân tích có 4% nhau thai. Nói cách khác, trên thực tế, tổng số lượng vi hạt nhựa trên nhau thai sẽ còn cao hơn nhiều.

 

Giáo sư Antonio Ragusa, Giám đốc khoa sản phụ khoa thuộc Bệnh viện Fatebenefratelli (Ý), cho biết: "Các tác động tiềm ẩn của vi nhựa đối với thai nhi bao gồm giảm sự phát triển của em bé. Đã từng có một nghiên cứu các hạt nhựa nano đã được tìm thấy trong gan, phổi, tim, thận và não của chuột thai nhi khi chuột mẹ trong phòng thí nghiệm mang thai hít phải. Do đó, chúng ta cần phải thực hiện khẩn cấp các cuộc nghiên cứu chuyên sâu về tác hại của các hạt vi nhựa lên thai nhi.

Đồng thời, hiện tượng này không khác gì các bà mẹ sinh ra em bé lai người máy cả. Bởi cơ thể của trẻ sơ sinh không chỉ bao gồm tế bào của con người, mà còn chứa chất tổng hợp sinh học và vô cơ nữa".

Bên cạnh đó, Giáo sư Antonio cũng chia sẻ thêm các hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể người mẹ, đi đến nhau thai là do quá trình người mẹ tiếp xúc với hạt nhựa, hoặc do ăn uống hay hít thở .

Do đó, hiện nay ở Ý, người ta đã sử dụng một quy trình đỡ sinh không có nhựa nhằm ngăn chặn bất kỳ sự ô nhiễm nào bám vào nhau thai. Các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh sẽ mang găng tay bông để hỗ trợ sản phụ chuyển dạ và trong phòng sinh chỉ sử dụng khăn bông.

Được biết, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy thai nhi và trẻ sơ sinh đã phải chịu sự tác động của hạt nhựa và ô nhiễm môi trường. Vào tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học cũng tiết lộ rằng trẻ sơ sinh bú sữa bình có thể đang nuốt hàng triệu hạt nhựa mỗi ngày. Còn vào năm 2019, một nghiên cứu khác đã phát hiện các hạt ô nhiễm không khí có trên bề mặt của nhau thai. Nghĩa là ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ, em bé cũng đã tiếp xúc với không khí bẩn do giao thông cơ giới và đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn: Guardian, Repubblica

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU