Béo phì hiện đang được xem là một "đại dịch" mới trên thế giới, khi tỷ lệ người thừa cân trên thế giới đang ngày càng tăng cao. Theo một nghiên cứu mới từ Fitch Solutions Macro Research, tốc độ béo phì tại Đông Nam Á đang tăng rất nhanh, đặt ra gánh nặng cho chính phủ ở nhiều quốc gia như Malaysia và Indonesia.
Nhưng điều đáng chú ý nhất trong nghiên cứu là Việt Nam. Theo báo cáo, Việt Nam hiện đang nắm giữ một kỷ lục buồn tại Đông Nam Á, khi tốc độ béo phì - những người có chỉ số BMI trên 25 - tăng nhanh nhất khu vực này, trong giai đoạn từ 2014 - 2019. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng về số người béo phì tại Việt Nam là 38%, trong khi Indonesia chỉ là 33%.
Dù vậy, niềm an ủi là so về tỷ lệ dân số, tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam vẫn ở mức thấp - khoảng 3,6%, thua xa so với Malaysia (13,3%) và thấp hơn Indonesia (5,7%) một chút.
"Tiêu chuẩn kinh tế trong khu vực được cải thiện đang khiến lối sống thay đổi, và làm nhiều người hướng đến những chế độ ăn không lành mạnh," - báo cáo từ Fitch cho biết. "Các loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp đang phổ biến hơn vì giá thành rẻ, và do du nhập văn hóa từ phương Tây."
Việc tốc độ béo phì ngày càng cao có thể thể gây gánh nặng không nhỏ cho nền y tế, đồng thời đẩy thêm chi phí dành cho các chứng bệnh liên quan như tiểu đường và bệnh tim. Hiện tại, Malaysia là nơi phải gồng gánh nhiều chi phí vì hậu quả từ béo phì nhất, với tỷ lệ lên tới 20% tổng chi phí dành cho y tế.
Ở các khu vực khác cũng cho thấy tỷ lệ béo phì tăng cao. Hàn Quốc - đất nước chú trọng vẻ đẹp, có tốc độ béo phì tăng tới 38% trong giai đoạn 5 năm qua, nâng tỷ lệ béo phì trên toàn quốc thành 5,8%. Tại Mỹ, tỷ lệ béo phì tăng từ 8% - 33,7% trên toàn dân số.
Philippines là quốc gia có tỷ lệ tăng thấp nhất: chỉ 5,1% người dân bị béo phì, với mức tăng trưởng là 6%.
Theo Trí Thức Trẻ