Theo một nghiên cứu được công bố ngày 14 tháng 3 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, ngủ trong phòng có ánh sáng vừa phải có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hơn so với ngủ trong phòng có ánh sáng yếu. Ngủ trong phòng sáng cũng có thể dẫn tới tình trạng kháng insulin khi thức giấc vào sáng hôm sau.
Nghiên cứu được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 10 người trưởng thành khỏe mạnh và thời gian của nghiên cứu là 2 ngày.
Nhóm thứ nhất ngủ trong những căn phòng có ánh sáng yếu cả 2 đêm liên tiếp. Trong khi đó, nhóm thứ hai ngủ 1 đêm ở phòng có ánh sáng yếu và 1 đêm ở phòng có ánh sáng vừa phải.
Trong nghiên cứu, phòng có ánh sáng vừa phải được thiết lập giống như phòng tắt đèn nhưng bật tivi hoặc phòng có đèn đường chiếu qua cửa sổ với rèm che mỏng.
Ánh sáng vừa phải được thử nghiệm trong nghiên cứu gần bằng với ánh sáng từ TV phát ra trong phòng tối. Ảnh minh họa
Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều đeo thiết bị theo dõi tim khi ngủ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy vào đêm thứ hai, nhóm ngủ trong phòng với ánh sáng vừa phải có nhịp tim khi ngủ tăng lên rõ rệt so với đêm hôm trước. Nhưng nhóm ngủ trong phòng ít sáng trong hai đêm lại không có thay đổi đáng kể nào.
TS Daniela Grimaldi, đồng tác giả và Phó giáo sư nghiên cứu về Thần kinh học tại Đại học Northwestern, Mỹ, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhịp tim tăng lên khi một người ngủ trong phòng có ánh sáng vừa phải”.
“Ngay cả khi bạn đang ngủ, hệ thống thần kinh tự chủ vẫn hoạt động”. Hệ thống thần kinh tự chủ có nhiệm vụ điều chỉnh các quá trình bên trong cơ thể như thở, nhịp tim, giãn nở đồng tử và tiêu hóa, cũng như các phản ứng chống trả hay bỏ chạy (một phản ứng sinh lý xảy ra khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn).
-
F0 trằn trọc khó ngủ phải làm gì? Chuyên gia mách 8 mẹo cực dễ
“Nếu hệ thống thần kinh tự chủ làm tăng nhịp tim vào ban đêm thì điều này là một ảnh hưởng xấu. Thông thường, nhịp tim cùng với các chỉ số tim mạch khác sẽ thấp hơn vào ban đêm và cao hơn vào ban ngày”, TS Grimaldi cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các tác giả nghiên cứu cũng đã tiến hành một số bài kiểm tra để ước tính mức độ kháng insulin của những người này khi họ thức dậy vào sáng hôm sau.
Hormone insulin có nhiệm vụ giúp các tế bào hấp thụ glucose hoặc đường từ máu. Nhưng khi tế bào kháng insulin, chúng sẽ hấp thụ glucose khó khăn hơn và cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin để tăng hoạt động hấp thụ. Theo thời gian, các tế bào trở nên kháng với mức insulin cao ngất ngưỡng này và đây là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Mở đèn với ánh sáng vừa phải khi ngủ có thể dẫn tới tim đập nhanh và kháng insulin. Ảnh minh họa
Vào buổi sáng đầu tiên sau khi ngủ trong phòng ít ánh sáng, cả hai nhóm nghiên cứu đều đạt điểm như nhau trong các bài kiểm tra kháng insulin. Nhưng vào buổi sáng thứ hai, nhóm ngủ trong phòng có ánh sáng vừa phải đạt điểm kém hơn trong các bài kiểm tra này, trong khi nhóm ngủ trong phòng ít sáng lại đạt điểm tương đương hoặc tốt hơn so với ngày hôm trước.
Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo: “Tiếp xúc với ánh sáng vừa phải... trong khi ngủ có thể làm tăng kháng insulin vào sáng hôm sau”.
Nghiên cứu này bị giới hạn ở chỗ chỉ được thực hiện trên 20 người và chỉ theo dõi những người tham gia trong 2 ngày.
Jim Horne, một nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu về giấc ngủ ở Anh, nhận xét rằng mọi người không cần phải thay đổi thói quen ngủ của mình trừ khi những kết quả này được nghiên cứu ở quy mô lớn hơn.
Nguồn: Live Science
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/ngu-kieu-nay-co-the-gay-hai-cho-tim-va-duong-huyet-nghien-cuu-moi-da-chung-minh-161222503213657624.htm
Theo ttvn.vn