Người đàn ông làm nội trợ là người hùng trong thời đại 4.0?

Mô hình người đàn ông lui về làm nội trợ tốt giúp người vợ phát triển sự nghiệp cũng như kinh tế gia đình đang ngày càng được nhân rộng. Họ là người hùng của gia đình trong thời đại 4.0 trong mắt người vợ và các con.

Người chồng làm nội trợ khiến gia đình thêm hạnh phúc.

Hãnh diện có người chồng “bỉm sữa”

Người dân trong ngõ nhỏ phố Trần Duy Hưng (Hà Nội) ai cũng biết chị Trần Nga (35 tuổi) - Trưởng phòng Nhân sự một tập đoàn bất động sản có người chồng “bỉm sữa” tuyệt vời. Chị Nga và anh Nguyễn Hùng cùng tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ra trường, chị Nga xin làm việc ở tập đoàn bất động sản, còn anh Hùng làm ở phòng kinh doanh công ty dệt may. Họ có hai con sau 3 năm kết hôn. Vì đẻ dày, công việc nhà lẫn cơ quan vất vả, thương vợ, anh Hùng thường sắp xếp thời gian công ty để về nhà đỡ vợ.

Sau một thời gian, vợ được cơ quan cử đi học nâng cao trình độ và đề bạt chức trưởng phòng. Vừa đi học vừa đi làm với chức vụ mới, nhà lại hai con nhỏ 2-3 tuổi nay ốm, mai đau, chị Nga quay như chong chóng dẫn tới vài lần ngất xỉu. Không yên tâm để hai con thơ cho người giúp việc, thương vợ và mong vợ phát triển sự nghiệp, anh Hùng bàn với vợ sẽ xin nghỉ vài năm để toàn tâm ở nhà nội trợ, chăm sóc hai đứa trẻ khỏe mạnh.

Được lời như cởi tấm lòng, Nga xúc động cám ơn chồng đã hy sinh sự nghiệp vì mình. Khi biết chuyện, con trai mình làm công việc “bỉm sữa”, bố mẹ anh Hùng bực tức và mắng nhiếc. Nghe những lời không hay từ bố mẹ mình, anh Hùng từ tốn phân giải: “Bây giờ là thế kỷ XXI, thời đại 4.0 rồi, đàn ông và phụ nữ bình đẳng. Ai có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp thì tạo điều kiện cho người đó.

Gia đình không phân biệt ai là người trụ cột gia đình, ai là người nội trợ, miễn là gia đình ấm no, hạnh phúc. Con lui một bước để vợ con tiến ba bước. Điều này, bố mẹ thay đổi quan niệm và ủng hộ các con”.

Làm nội trợ, 6 giờ sáng, anh Hùng cùng vợ thức dậy chuẩn bị ăn sáng cho gia đình. Sau đó, chị Nga đưa con trai 3 tuổi đi học, còn anh Hùng ở nhà chăm sóc con trai nhỏ 2 tuổi. Anh Hùng dắt con nhỏ đi chợ là hình ảnh người dân phố Trần Duy Hưng thường thấy.

Sau khi đi chợ về, anh Hùng xắn tay vào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và chuẩn bị bữa cơm trưa. Chiều, anh Hùng lại đưa con đi dạo dưới sân khu chung cư và đón con trai 3 tuổi đi học về, tắm rửa cho bọn trẻ, tất bật chuẩn bị bữa tối đợi vợ về ăn cơm. Lịch trình công việc ấy luôn đều đặn. 

Từ lúc có chồng ở nhà chăm sóc gia đình, các con nhỏ, chị Nga yên tâm và có thời gian học tập, phát triển công việc. Công việc chị tiến triển không ngừng và chị đang được đề cử làm phó giám đốc tập đoàn bất động sản. Càng thành đạt, chị Nga càng đánh giá cao và cảm động những gì chồng đã hy sinh vì mình.

“Tôi không nghĩ rằng một người đàn ông ở nhà là một thất bại trong cuộc sống mà ngược lại, chồng tôi là một anh hùng của tôi và của các con. Sự hy sinh của anh ấy giúp tôi rất nhiều và tôi thực sự biết ơn sự hỗ trợ của anh ấy. Chính anh đã làm cho gia đình ngày càng hạnh phúc và kinh tế phát triển”. 

Không chỉ anh Hùng, mà hiện nay, nhiều gia đình hiện đại đã xuất hiện nhiều người chồng “bỉm sữa”. Ở cư xá Phú Lâm, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) còn có hẳn hội những ông chồng ở nhà làm nội trợ. Sáng ra ai nấy đều tranh thủ đưa con đến trường, ghé chợ mua thịt cá trước khi quay về nhà với nhiệm vụ cao cả của mình.

Lâu lâu cũng tổ chức gặp gỡ, giao lưu hoặc “chén chú, chén anh” khá rôm rả theo kiểu “chia sẻ kinh nghiệm nội trợ” hay “nâng đỡ tinh thần gì đó”. Mỗi gia đình là mỗi lý do, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết nhà nào cũng trong ấm, ngoài êm.   

Tiêu chuẩn “người hùng” mới

Nghề nội trợ đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức về quản lý kinh tế - chi tiêu hợp lý trong thời buổi kinh tế khó khăn này; có kiến thức về quản trị để sắp xếp 1.001 việc không tên mỗi ngày một cách hợp lý để giải quyết với khoảng thời gian ngắn nhất; đòi hỏi kiến thức về tâm lý để có thể xử lý những tình huống xảy ra giữa các thành viên trong gia đình; đòi hỏi kiến thức về giáo dục để dạy dỗ con cái... - một rừng đòi hỏi đối với một người nội trợ đúng nghĩa. 

Ngày nay, những công việc đòi hỏi chuyên môn, lương cao dành cho phụ nữ xuất hiện ngày càng nhiều. Việc thay đổi khái niệm chồng kiếm tiền, vợ nội trợ bắt nguồn ở Mỹ và Anh từ những năm 2009, nơi phụ nữ bắt đầu chiếm ưu thế hơn so với nam giới trong thị trường việc làm.

 

Thực tế cho thấy, giữa cuộc sống không ngừng thay đổi và biến chuyển như hôm nay cùng sự bình đẳng trong phân công lao động thì chuyện đàn ông ở nhà làm nội trợ đã không còn là chuyện cá biệt. Thậm chí đây còn là xu hướng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia châu Á, những nơi mà từ lâu vẫn mặc định nội trợ là công việc chỉ dành cho phụ nữ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, 160.000 đàn ông Hàn Quốc làm nội trợ vào năm 2016. Cũng trong năm 2016, số nam giới chăm sóc con cái đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều đặn qua từng năm.

Hình ảnh những người chồng, người cha làm nội trợ, chăm sóc con cái đang được Chính phủ Nhật Bản quảng bá rộng rãi và trở nên phổ biến trong xã hội. Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện một chiến dịch giúp “lăng xê” hình ảnh cho những đức lang quân nội trợ, chăm con. Những tờ báo, tạp chí thời trang hoặc truyện tranh Nhật Bản đều bắt gặp một kiểu “siêu anh hùng” mới.

Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tăng tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí quản lý lên 30% vào năm 2020. Nhóm Himitsu Kessha Shufu no Tomo thực sự muốn thay đổi quan niệm gia trưởng đang hiện hành trong xã hội Nhật Bản, trong đó nam giới được coi là trụ cột của quốc gia.

“Tôi tin rằng sự tiến bộ của nam giới trong việc nuôi dạy con cái và làm việc nhà cũng là yếu tố quan trọng để tiến gần mục tiêu của Chính phủ về tăng số lượng nữ giới đi làm”, Trưởng nhóm Taizo Horikomi, 39 tuổi nói.

Horikomi là cha của hai đứa nhỏ và hiện ở nhà làm công việc nội trợ. Phần lớn những người tham gia khảo sát tin rằng, phụ nữ chăm sóc con tốt hơn so với nam giới. “Nhiều người vẫn giữ quan điểm lỗi thời. Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi khuôn mẫu đó”, Horikomi nói.

Những người cha nội trợ thế hệ mới như vậy ở Nhật Bản được gọi là ikumen, từ ghép giữa ikuji (chăm sóc trẻ em) và ikemen (hunk - chỉ người đàn ông quyến rũ, vạm vỡ), một sự tương phản hoàn toàn với khuôn mẫu cũ về người cha bận rộn với công việc, hay đi công tác vắng nhà mà người ta vẫn thường nghĩ tới.

Hannah Vassallo - tác giả một cuốn sách nghiên cứu nhân chủng học về người cha tại Nhật Bản cho biết: “Sự cam kết của họ đối với công việc là yếu tố giúp thể hiện nam tính”. Thông điệp này đã được đón nhận nồng nhiệt. Mọi người ở Nhật đều quen thuộc với từ ikemen. Và tôi nghĩ đó là cách ikumen được sinh ra và thu hút sự chú ý. Từ mới này nghe hay hơn rất nhiều so với khái niệm về người cha chu đáo chỉ biết chăm sóc con cái đã tồn tại ở Nhật Bản trước đó”.

Theo một cuộc khảo sát, đa số đàn ông Trung Quốc ngày càng ủng hộ việc trở thành một người cha toàn thời gian để ở nhà chăm sóc con cái và gia đình. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Trung Quốc, nhiều người đàn ông Trung Quốc đã cởi mở hơn với ý tưởng trở thành những người nội trợ toàn thời gian như một sự thay đổi so với truyền thống từ trước tới nay. 52,4% nam giới được hỏi đã ủng hộ ý tưởng đàn ông có thể trở thành người nội trợ toàn thời gian.

Trước các nước châu Á, các nước châu Âu, châu Mỹ đã từ lâu không xem đàn ông làm nội trợ là “bất tài”, là “quẩn quanh xó bếp” mà coi đó là người đàn ông hiện đại, biết làm các món ăn ngon và biết thưởng thức cùng bạn bè. Cảnh chồng ngồi ngất ngưởng tiếp khách đợi vợ bưng món ăn lên mời các ngài xơi đã lỗi thời, không được giới trẻ chuộng nữa.

Câu chuyện của những ông nội trợ ở Mỹ trong nghiên cứu của Boston College gợi mở nhiều khía cạnh áp lực của người ở nhà, nhất là khi người đó là đàn ông. Phân tích dữ liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, Tổ chức Pew Research Center cho thấy số lượng ông bố ở nhà với con đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm gần đây.

 Hầu hết chúng ta đã không nhận ra, vợ chồng chia sẻ việc nhà với nhau không chỉ để cho người vợ đỡ vất vả mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Theo nhà nghiên cứu tâm lý gia đình người Pháp Louise Colley: “Vợ chồng cùng làm việc nhà có những cái lợi không thể phủ nhận được. Nó không chỉ mang lại niềm vui mà còn tăng cường đời sống tình dục vợ chồng”.

Đó là kết quả một cuộc thăm dò với hơn 7.000 đôi vợ chồng trẻ. Những người trả lời phỏng vấn cho biết, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng khiến phụ nữ có hứng thú ái ân hơn, nhưng với điều kiện việc làm sạch nhà cửa phải do cả hai cùng tham gia và cùng hưởng thụ kết quả công việc. Điều thú vị nữa là đàn ông thừa nhận khi cùng nhau lao động, họ vui tính và hay bông đùa hơn, sự thân mật khiến tình cảm vợ chồng được hâm nóng hơn.

Khảo sát còn cho thấy, thời gian làm việc nhà cùng nhau tăng lên thì thời gian âu yếm trên giường cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Công thức ma thuật này cải thiện rõ rệt mối quan hệ giữa họ. Nếu trước kia nhiều đàn ông “nộp thuế” càng nhanh càng tốt thì từ ngày chia sẻ việc nhà với nhau, họ hay vui đùa trò chuyện trên giường khiến chất lượng ái ân được nâng cấp hẳn. Tính gia trưởng cố hữu của đàn ông cũng biến mất khi họ tham gia việc nhà”.

Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình mong muốn, đã đến lúc chúng ta cần có một cách nhìn khác với nghề nội trợ nói chung và với những người đàn ông nội trợ chuyên nghiệp nói riêng. Biết đâu một lúc nào đó sẽ có một ngày lễ “Ông bố nội trợ” để tôn vinh những ông bố làm tốt công việc chăm sóc gia đình của mình.

Link bài gốc: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-dan-ong-lam-noi-tro-la-nguoi-hung-trong-thoi-dai-40-d111795.html?fbclid=IwAR0kq0Dgs6wR-yGrwhGLL2wygz8mtI5G8_zC7MvzAkjC50dqeQpj0cca5Y0

Theo Phapluatplus

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU