Người đàn ông ngại khám ung thư phải cắt bỏ 'cậu nhỏ'

Dương vật sưng to đau đớn, người đàn ông 54 tuổi ngại đi khám, đến khi vào viện thì đã muộn bởi ung thư xâm lấn sâu.

Lấy vợ sinh con bình thường song ông Văn vẫn bị hẹp bao quy đầu, quá trình vệ sinh không đảm bảo nên một ngày dương vật sưng to. Vì bệnh ở vùng nhạy cảm nên ông nấn ná mãi không đi khám. Đến khi vào Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) khám thì tình trạng sưng đã nghiêm trọng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư dương vật. Bệnh nặng, ung thư xâm lấn ăn sâu vào dương vật, bác sĩ buộc phải cắt bỏ toàn bộ bộ phận sinh dục từ dương vật đến túi đựng tinh hoàn.

Sau khi vết thương ổn định, ông đã được tạo hình dương vật mới từ sụn và vạt da đùi. Sau phẫu thuật, các chức năng của "cậu nhỏ" vẫn đảm bảo.

Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, nguyên nhân ung thư dương vật có đến 90% do bị hẹp bao quy đầu. Thực tế nhiều người chỉ nghĩ trẻ nhỏ mới tình trạng này mà quên mất người lớn cũng có thể bị hẹp.

Hẹp bao quy đầu khiến phần da ở bao quy đầu không lộn được. Người lớn bị hẹp bao quy đầu, vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến ứ đọng nước tiểu, cặn bã. Các chất cặn bã tích tụ bên dưới da bọc quy đầu bởi tế bào da chết, vi khuẩn và chất tiết dầu từ da, có thể chứa một lượng nhỏ chất gây ung thư. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nên các bệnh viêm nhiễm như viêm bao quy đầu, viêm quy đầu, viêm đường tiết niệu... Các bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, là nguyên nhân hình thành các nhân tố tiền ung thư, bác sĩ Kiêm cho biết. 

Thông thường 80% trẻ 9-10 tuổi tự lộn bao quy đầu. Có những trường hợp bao quy đầu hẹp không thể tự lộn. Vì vậy, cha mẹ cần ý cắt bao quy đầu cho trẻ càng sớm càng tốt để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh nguy cơ ung thư “cậu nhỏ”.

Ung thư dương vật đứng thứ 17 trong các bệnh ung thư nam giới thường gặp. Nếu xuất hiện các vết loét bất thường ở "cậu nhỏ", vùng kín thay đổi màu sắc, chảy máu dưới bao quy đầu... quý ông cần đi kiểm tra ngay để tầm soát ung thư.

Phòng bệnh:

- Kiểm tra bao quy đầu cho trẻ từ khi còn nhỏ, nếu có hẹp bao quy đầu nên xử trí càng sớm càng tốt.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, bộ phận sinh dục.

- Quan hệ tình dục an toàn: chung thủy một vợ một chồng, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Tiêm văcxin phòng HPV tuýp 16,18.

- Không nên hút thuốc lá.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

 

Theo vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU