Người đi lễ cần biết cầu gì ở chùa, xin gì ở đền?

Nhiều người tới lễ chùa cầu từ sức khỏe, tiền tài, danh vọng đến tình duyên, tiền bạc… mà không biết rằng, chốn cửa Phật linh thiêng chỉ có lòng từ bi hỉ xả. Tình duyên, tiền bạc, danh vọng là những thứ không tồn tại nơi cửa Phật.

Đi chùa chỉ xin cầu bình an, sức khỏe

Từ xa xưa chùa chiền, đình đền, miếu phủ… Việt Nam được coi là nơi hội tụ rất nhiều tâm linh và tín ngưỡng dân gian khác nhau. Bên cạnh thờ Phật còn thờ các vị thánh thần khác như thổ công, thổ thần, thờ mẫu, thờ Đức ông... nên người dân đi lễ hay cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe. Nhưng nhiều người đi lễ đã không phân biệt được nơi thờ Phật, hay thần thánh nên cứ lễ là cầu xin đủ thứ.

Theo các chuyên gia tâm linh, chùa chiền là chốn linh thiêng, tách biệt với thế tục nhân gian. Triết lý của đạo Phật là giải thoát chúng sinh khỏi vòng luân hồi, nhân quả khổ ải, giúp con người nhận thức được sinh lão bệnh tử, sống tốt đẹp, trung thực, không tham, sân, si, để cuộc sống tươi đẹp, có ý nghĩa, không uổng phí một kiếp người… Phật chỉ có lòng từ bi hỉ xả, chứ không có tiền bạc, vật chất để cho ai.

Ông Tam Nguyên (Công ty TNHH Kiến trúc phong thủy Tam Nguyên) cho biết, nếu đi lễ chùa, sau khi khấn nôm (danh xưng, ngày tháng, địa chỉ… tương tự giống nhau), tới phần cầu nguyện thì nên cầu chư Phật phù hộ cho gia đạo bình an, khỏe mạnh, con cái thông minh học giỏi, gia đình hưng vượng an lạc… Lời cầu cần rõ ràng, đúng mực, nguyện thành tâm là sẽ được. Hoặc đơn giản, dễ cầu nhất là: Nguyện 5 tu phước thiện, tránh điều dữ, làm việc thiện lành, giúp đỡ người hoạn nạn khó khăn, hiếu thuận gia trung… Không nên cầu xin tài lộc, công danh, tiền bạc, của cải, vật chất.

“Người dân nên hiểu, sự khỏe mạnh, thành đạt… bên cạnh được yếu tố may mắn, còn đa phần là do con người cố gắng, phấn đấu và rèn luyện. Vì vậy, đầu năm đi lễ chùa người dân đừng cầu xin những mong ước, danh vọng thế tục sai chỗ, làm mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh của ông cha ta”, ông Tam Nguyên nói.

Cũng theo các chuyên gia tâm linh, khi đi lễ chùa, bạn không nên cầu nguyện những điều sau:

- Không nguyện cúng dường chư Phật.

- Không nguyện thời gian (bao lâu) mang gạo tiền vàng cúng chùa…

- Không nguyện cúng dường 3 cảnh (không phải 3 địa điểm – mà là cảnh giới tiên, cảnh giới trần, cảnh giới âm).

Vì 3 nguyện này người bình thường không thể làm được.

Năm mới Công đồng Bắc Lệ và các đền, chầu ở thượng ngàn luôn đông đúc người về lễ bái.

Lên thượng ngàn lễ mẫu, xin lộc

Theo thanh đồng Phạm Phương Dung (ở Trương Định, Hà Nội), phía Bắc có rất nhiều điểm cầu tài lộc theo Tín ngưỡng thờ Mẫu, chủ yếu là Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Đặc biệt là Lạng Sơn có rất nhiều đền, chầu để người dân du xuân lễ bái cầu tài cầu lộc.

Điểm đến đầu tiên ai cũng muốn tới là Đền Công đồng Bắc Lệ (thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) - là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Đền Bắc Lệ nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Đi lễ Đền Công đồng Bắc Lệ vừa chiêm bái, vừa cầu cầu tài lộc, may mắn, bình an cho cả năm. Nhưng trước khi vào lễ Mẫu Thượng Ngàn, người dân phải tới thắp hương ở miếu Chầu Bé (vị thánh chầu nổi tiếng trong Tứ Phủ Chầu Bà, luôn hầu cận bên Mẫu Thượng Ngàn) để xin phép vào lễ Thánh. Sau đó mới lên đến đền chính thờ Ngũ Vị Tôn Quan, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tứ Phủ Thành Hoàng...

Sau khi lễ Đền Bắc Lệ, thì tới lễ quan Giám sát anh minh (Hữu Lũng), Chầu Lục, Cô Chín, Chầu Mười (Đồng Mỏ), Chầu Tám, Mẫu Thoải, Quan lớn Tuần Tranh (Kỳ Cùng), Đền Mẫu (Đồng Đăng)…

Cũng theo thanh đồng Phương Dung, đi lễ Phật hay lễ Thánh đều nên lễ bạc tâm thành. Người có nhiều tiền thì dâng nhiều, người có ít thì dâng 5.000 đồng, 10.000 đồng, không có cũng không sao, chứ không phải dâng nhiều tiền để xin nhiều lộc như một số người lầm tưởng. Thánh chỉ chứng giám tấm lòng thành, chứ không phải cứ lễ cao, tiền nhiều là được thánh “độ”. Nếu dâng tiền thì nên bỏ vào hòm công đức, không đặt ở các ban thờ Phật, Thánh, tránh tạo lòng tham ở người khác.

Những lời không nên cầu nguyện khi đi lễ

Sau khi cầu xin cần có nguyện (không phải là lời hứa) làm những việc có thể làm được, không nên nguyện những điều khó làm và tuyệt đối không nên nguyện làm 3 việc sau vì 3 nguyện này người bình thường không thể làm được:

- Không nguyện cúng dường chư Phật.

- Không nguyện thời gian (bao lâu) mang gạo tiền vàng cúng chùa…

- Không nguyện cúng dường 3 cảnh (không phải 3 địa điểm – mà là cảnh giới tiên, cảnh giới trần, cảnh giới âm).

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU