Học sinh trong lớp ngồi ngay ngắn tại bàn, háo hức trở về nhà sau ngày dài 7 tiết học. Các em chăm chú nghe cô giáo thông báo ngắn gọn về thời khóa biểu ngày mai.
Như mọi ngày, kết thúc buổi dặn dò là lời dặn dò phân chia công việc làm sạch lớp học. “Nào tất cả các em, cùng nhau dọn dẹp nào. Hàng 1-2 quét lớp học. Hàng 3-4 quét hành lang và cầu thang. Hàng 5 sẽ dọn nhà vệ sinh”.
Tất cả các em đều đứng dậy, cầm chổi, giẻ lau và xô từ bảng đen cuối lớp bắt đầu công việc hàng ngày. Đây là cảnh tượng xảy ra hàng ngày tại tất cả các trường học trên khắp xứ sở Mặt Trời mọc.
Phần lớn những vị khách lần đầu tới Nhật Bản đều bất ngờ trước mức độ sạch sẽ của quốc gia này.
Họ không thấy có sự xuất hiện của thùng rác ven đường cũng như bóng dáng của nhân viên vệ sinh đường phố, nhưng tuyệt nhiên mọi cảnh quang đều không một cọng rác.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm ở đây là: Làm cách nào Nhật Bản giữ được môi trường xung quanh sạch sẽ đến vậy?
Câu trả lời nằm ở chính con người – bản thân mỗi người đều mang trong mình ý thức giữ gìn lối sống đó.
“Trong suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, từ cấp tiểu học tới trung học phổ thông, thời gian dọn dẹp là một phần trong thời khóa biểu hàng ngày của học sinh.
Tại gia đình cũng vậy, bố mẹ dạy chúng tôi biết giữ vệ sinh đồ đạc và không gian sống quanh mình.”, bà Maiko Awane làm tại văn phòng Tokyo tỉnh Hiroshima cho biết.
Giúp học sinh nâng cao nhận thức và sự tự hào về cảnh quang xung quanh là một trong những chủ đề trong chương trình học tại các trường.
“Tôi thi thoảng không muốn dọn trường, nhưng tôi học cách chấp nhận vì đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi nghĩ dọn sạch lớp học, trường học là điều rất tốt vì nó giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng về trách nhiệm giữ sạch sẽ tài sản và nơi ở.”, nhà dịch thuật Chika Hayashi chia sẻ.
Những vị khách lần đầu tới Nhật Bản đều bất ngờ trước mức độ sạch sẽ của quốc gia này. Ảnh: BBC
Một trong những ví dụ điển hình về lối sống “siêu sạch” của Nhật Bản đã từng được thế giới ngưỡng mộ là 7 phút dọn “sạch như bong” trên tàu Shinkansen.
Các nhân viên đảm trách nhiệm vụ dọn dẹp tàu sau khi khách lên xuống chỉ mất 7 phút để khiến con tàu trở nên sạch sẽ thơm mát.
Trong môn thể thao vua, các cổ động viện Nhật Bản cũng thể hiện ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Tại nơi diễn ra các trận đấu World Cup ở Brazil (2014) và Nga (2018), bộ phận cổ động viên Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi ở lại sau trận đấu để dọn rác trên sân vận động.
Các cầu thủ Nhật Bản thậm chí còn dọn sạch phòng thay đồ trước khi rời World Cup.
Tấm ảnh “căn phòng dọn sạch” được chia sẻ bởi Điều phối viên FIFA Priscilla Janssens. Bà xem Nhật Bản là tấm gương để các đội bóng khác noi theo.
Tại những lễ hội âm nhạc thu hút nhiều người đến xem, ý thức giữ gìn vệ sinh chung cũng được thể hiện rõ. Người hâm mộ mang rác theo người cho đến khi tìm thấy thùng rác để vứt.
Những người hút thuốc được hướng dẫn mang theo một khay đựng tàn di động và khuyên nhủ “hạn chế hút thuốc để tránh ảnh hưởng tới người xung quanh”.
Hàng ngày cứ đến 8h sáng, nhân viên văn phòng và nhân viên các cửa hàng dọn dẹp đường phố xung quanh nơi họ làm việc.
Hàng tháng, trẻ em cũng tham gia các hoạt động dọn dẹp, nhặt rác trên đường phố gần trường học.
Các khu phố cũng tổ chức sự kiện vệ sinh thường xuyên đến nỗi không có nhiều rác để nhặt vì mọi người thường mang rác về nhà.
Vậy tại sao người Nhật Bản lại có ý thức về sự sạch sẽ đến vậy?
Sự sạch sẽ của người Nhật bắt nguồn từ những mối lo thực tiễn.
Môi trường nóng ẩm tại quốc gia này khiến thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu, vi khuẩn sâu bọ phát triển mạnh. Vì vậy, giữ gìn vệ sinh là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt.
Sạch sẽ là cốt lõi của giáo lý tín ngưỡng Shinto. Ảnh: BBC
Tìm hiểu sâu hơn, sạch sẽ là một phần của Phật giáo, nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 8.
Trên thực tế, khi tông phái Thiền xuất hiện Nhật Bản vào các thế kỷ 12 và 13, những công việc hàng ngày trong đó có dọn dẹp và nấu ăn được coi là các bài học nghi thức, không khác gì việc ngồi thiền.
"Trong Thiền, các hoạt động thường ngày, bao gồm ăn uống, giữ gìn không gian, đều được coi là cơ hội để tu tập.
Gột rửa cả thể chất lẫn tinh thần đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình tu tập hàng ngày.", nhà sư Eriko Kuwagaki tại đền Shinshoji giải thích.
Vậy tại sao các quốc gia theo Phật giáo khác đều không "siêu sạch" như Nhật Bản? Trước khi tiếp nhận giáo lý nhà Phật, Nhật Bản cũng có tín ngưỡng của riêng mình là đạo Shinto.
Sạch sẽ là cốt lõi của giáo lý tín ngưỡng này. Một khái niệm quan trọng trong Shinto là kegare (sự bẩn thỉu) – trái ngược với sự thuần khiết.
Ví dụ của một kegare có thể là cái chết, bệnh tật hoặc một thứ gì đó không vừa mắt. Các nghi lễ thanh tẩy là cần thiết để gột rửa bụi bẩn.
Ví dụ về nghi thức thanh tẩy được thể hiện rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Trước khi vào một đền thờ Shinto, các tín đồ phải rửa tay và rửa miệng trong một bồn nước đá ở lối vào.
Nhiều người Nhật mang chiếc xe mới của họ đến đền thờ để được nhà sư thanh tẩy, người sử dụng một cây đũa phép giống như khăn lau bụi gọi là onusa phẩy bụi quanh và trong xe.
Theo trí thức trẻ