Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 đang diễn ra trên diện rộng khắp cả nước, đặc biệt tại khu vực phía Nam nơi dịch đang có số ca mắc cao, tình hình diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong các đợt tiêm chủng đầu tiên, vẫn có một tỉ lệ người dân trì hoãn tiêm.
Tình trạng này có nhiều lý do: người đó không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng hoặc bản thân người có chỉ định tiêm chủng từ chối tiêm...
Vậy người sống trong vùng dịch trì hoãn, từ chối tiêm chủng có bị xử phạt không?
Trả lời về vấn đề này trên báo Thanh niên, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh) cho biết, thao khoản 1, điều 29, luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc như sau: "1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh".
Tại điểm a, khoản 2, điều 30 của luật nêu Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại khoản 1, điều 29 của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Như vậy người dân có nghĩa vụ tiêm vắc xin đối với loại bệnh nằm trong danh mục phải sử dụng vắc xin bắt buộc. Tuy nhiên, theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17.10.2017 của Bộ Y tế, Covid-19 không nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc. Điều 2 Thông tư 38 yêu cầu tiêm chủng đối với 8 loại bệnh truyền nhiễm: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, tả, sởi, viêm não Nhật Bản B và bệnh dại.
"Không rõ đến thời điểm này Bộ Y tế đã cập nhật và bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục nêu trên hay chưa. Nếu đã bổ sung thì người dân bắt buộc phải tiêm vắc xin. Trong trường hợp người dân không tiêm có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 9, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020", luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.
Liên quan đến vấn đề người dân trì hoãn, từ chối tiêm vắc xin, trao đổi với Tuổi trẻ, bà Đặng Thanh Huyền - phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết:
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng, đặc biệt ở vùng dịch.
Trong thực hiện, chúng ta khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, chưa xử phạt người từ chối tiêm chủng.
Song hiện nay, trong quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, người dân thấy việc tiêm an toàn, dịch bệnh lại bùng phát phức tạp nên tỉ lệ người đi tiêm đang cao hơn rất nhiều.
Hơn nữa trước đây người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính chưa nằm trong nhóm đối tượng có chỉ định tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, hiện nay công tác chuẩn bị an toàn tiêm chủng tốt hơn, người có tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng... trong điều kiện sức khỏe phù hợp vẫn được chỉ định tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Tổng hợp
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-trong-vung-dich-tu-choi-tiem-vac-xin-covid-19-co-bi-phat-khong-161210208101635505.htm
Theo ttvn.vn