TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này.
Ngày xưa người ta hay nói tới việc làm sao lo đủ ăn? Bây giờ có vẻ như lại ngược lại. Tại sao người Việt lại sợ ăn như vậy?
- Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều người bây giờ sợ việc ăn uống. Nhưng quan trọng nhất là nỗi sợ hãi thừa cân béo phì, đặc biệt là ở nữ thanh niên và phụ nữ tuổi trung niên. Tâm lý của phụ nữ sẽ sợ hãi khi bị coi là béo vì nó liên quan đến hình thức, vóc dáng.
Liệu có phải ăn nhiều gây nên rất nhiều loại bệnh?
- Ăn nhiều về số lượng sẽ vượt ngưỡng nhu cầu về năng lượng. Nếu kéo dài sẽ gây tăng cân, là nguy cơ cho thừa cân béo phì và làm tăng nguy cơ của một số bệnh mãn tính không lây nhiễm như tiểu đường, cao huyết áp…
Cụ thể ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh thận; ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ có thể làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Ngược lại, ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi giàu axit béo omega 3 lại rất tốt cho sức khỏe.
Trong giấy kết quả khám bệnh rất nhiều người được kết luận mỡ máu cao. Điều này có đáng lo ngại?
- Chế độ ăn góp phần lớn vào việc tăng mỡ máu (hay cholesterol máu). LDL hay cholesterol xấu quá nhiều trong máu có thể làm dày lên ở thành các động mạch dẫn đến tim và não. Sự dày lên này tạo ra các mảng bám gọi là xơ vữa động mạch và có thể khiến các mạch máu bị hẹp lại và tắc nghẽn và khiến cục máu đông dễ hình thành hơn. Nếu một cục máu đông hình thành và một động mạch bị tắc hậu quả sẽ dẫn đến việc cung cấp máu cho tim, não bị ngừng trệ và bạn có thể bị đau tim hoặc đột quỵ. Xơ vữa động mạch cũng có thể làm giảm lượng máu chảy đến các cơ quan khác, bao gồm ruột hoặc thận gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Tháp dinh dưỡng chuẩn theo khuyến nghị của Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: BSCC
Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc ăn nhiều?
- Chế độ ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo dạng trans chính là nguyên nhân hàng đầu gây tăng cholesterol máu, đặc biệt là tăng LDL. Còn ngược lại nếu chế độ ăn chứa nhiều rau quả, trái cây, ngũ cốc thì ngược lại, lại rất tốt và có khả năng làm giảm cholesterol máu. Do vậy, nói ăn nhiều làm tăng cholesterol máu chưa hoàn toàn chính xác.
Thực chất những bệnh này ngày xưa có bị không, hay chỉ gặp ở thời đại ngày nay?
Các bệnh mạn tính thực ra trước kia cũng đã xuất hiện và được ghi nhận, nhưng chưa phổ biến như hiện nay. Trong những thập kỷ gần đây, do thay đổi về nhân khẩu học, chế độ ăn và quá trình chuyển đổi kinh tế toàn cầu, mà những bệnh mạn tính hoặc còn gọi là các bệnh không lây nhiễm trở nên phổ biến hơn.
Vậy chúng ta ăn như thế nào để không bị bệnh?
Để có sức khỏe tốt, cần có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng, cụ thể:
Ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể: Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới, sức khỏe và mức độ hoạt động thể lực. Một khẩu phần ăn đủ, cân đối sẽ cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển cơ thể, duy trì sự sống, làm việc và vui chơi giải trí. Người trưởng thành nên có chế độ ăn cung cấp từ 2000-2500 kcal/ngày, tùy tuổi, giới và mức độ hoạt động.
Đảm bảo bữa ăn đủ chất: Cơ thể chúng ta hàng ngày cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Để bữa ăn cung cấp đủ chất cho cơ thể, cần chế biến món ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn chính. Bao gồm:
Nhóm lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn, mì… là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn.
Nhóm giàu chất đạm: Thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa và nguồn thực vật như đậu, đỗ (nhất là đậu tương, và các sản phẩm chế biến từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành). Trong các thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa… thì cần tăng cường ăn cá, tôm, cua, ốc… Ngoài ra, trong bữa ăn cần có nhóm giàu chất béo và nhóm rau quả.
Ăn nhiều rau củ quả: Các loại rau, củ, quả có nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết, đồng thời có nhiều chất xơ có tác dụng thúc đẩy nhanh việc thải các chất độc và các chất béo thừa ra khỏi cơ thể. Nên ăn rau, củ, quả hàng ngày, đặc biệt các loại rau lá xanh và quả, củ màu vàng (đu đủ, cà rốt, bí ngô…)
Hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ hoặc nhiều muối. Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, caffein, nước ngọt có gas…
Vậy làm sao để biết khi nào nên ăn ít, và ngược lại?
- Chúng ta cần hiểu rõ về trọng lượng nên có của bản thân. Với mỗi chiều cao khác nhau thì sẽ có những giới hạn trọng lượng tối thiểu và trọng lượng tối đa nên có. Ví dụ bạn trên 20 tuổi và chiều cao của bạn là 1,65 m thì có thể tính như sau:
Trọng lượng tối thiểu nên có = (1,65 x 1,65) x 18,5 = 50,4 kg
Trọng lượng an toàn về sức khoẻ = (1,65 x 1,65) x 23 = 62,6 kg
Trọng lượng giới hạn thừa cân = (1,65 x 1,65) x 25 = 68 kg
Như vậy cân nặng của người trưởng thành cao 1,65 m tốt nhất nên nằm trong ranh giới từ 50,4-62,6 kg. và cố gắng kiểm soát không vượt quá 68 kg.
Như vậy từ cân nặng nên có của mình bạn sẽ thấy cần tăng cân, giảm cân hay duy trì cân nặng chứ không phải từ cảm nhận mơ hồ. Và nếu bạn muốn tăng cân hay giảm cân an toàn thì nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.
Theo Zing.vn