Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhân mắc cúm A nặng ở Hà Nội. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh dịch lúc giao mùa
(lamchame.vn) - Dịch cúm, sốt xuất huyết, Adenovirus, COVID-19 đang lưu hành khiến nhiều người mắc cùng lúc 2-3 loại bệnh, thậm chí cùng mắc nhiều bệnh trong một thời gian ngắn.
- Phát hiện khắc tinh của siêu bệnh tình dục đang gây ám ảnh toàn cầu
- 3 tác hại ít ngờ khi tập thể dục lúc sáng sớm
- Ăn miến thay cơm để giảm cân, ngừa tiểu đường: Quan điểm sai lầm của nhiều người khiến bệnh thêm nặng
Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm. TS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay virus cúm có 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. Về mặt triệu chứng lâm sàng, bác sĩ Thư cho hay chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi. Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với COVID-19. Đây là việc đầu tiên chúng ta phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp.
Tiêm vắc-xin để giảm bệnh nặng
Tại Hội thảo khoa học cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa đông xuân năm 2022-2023 do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, PGS-TS Bùi Vũ Huy, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu xảy ra vào mùa đông với bất cứ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, mô hình bệnh cúm phần nào được thay đổi nên cúm mùa có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc cúm vào mùa thu - đông vẫn sẽ cao hơn nhiều so với các thời điểm khác. Cũng theo chuyên gia, cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong.
PGS-TS Phạm Quang Thái cũng nhấn mạnh về hệ lụy khi đồng nhiễm cúm với một bệnh truyền nhiễm khác. "Nếu cùng đồng nhiễm 2-3 bệnh, nguy cơ bị nặng rất cao và khó khăn trong việc chỉ định dùng thuốc điều trị, bởi thuốc sử dụng được cho bệnh này nhưng lại không sử dụng được với bệnh kia" - ông nói. Do vậy, chuyên gia này cho rằng bằng mọi cách phải giảm nhiều nhất nguy cơ có thể, ví như cúm hay COVID-19 có thể dùng vắc-xin; các bệnh khác có thể dùng phương án vệ sinh phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc… Tất cả các biện pháp vừa đặc hiệu, vừa không đặc hiệu sẽ giúp cho việc bảo vệ sức khỏe nói chung. Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng cúm, vắc-xin COVID-19 mũi nhắc lại. "Không vắc-xin nào bảo đảm 100% vấn đề bảo vệ nhưng điều quan trọng nhất cho tới thời điểm này là các vắc-xin đều bảo đảm phòng các tình trạng nặng, tử vong và nhập viện" - PGS Thái nhấn mạnh.
Bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết virus cúm A và B thường gây ra những đợt bùng phát bệnh ở người theo mùa (nên thường được gọi là cúm mùa). Virus cúm A là virus cúm duy nhất được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm, như những lần dịch cúm toàn cầu. Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo để phòng bệnh thì tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng.