Đó là trường hợp của bé gái T.N.H.M, chào đời đúng ngày Quốc khánh 2/9 với cân nặng chỉ 2.4 kg vì sinh non tháng.
Sau sinh, bé bú được nhưng chỉ sau vài cữ bú bé ói nhiều ra sữa cũ kèm dịch vàng, dịch xanh.
Bệnh nhi được chuyển cấp cứu đến bệnh viện (BV) Nhi đồng Đồng nai lúc 20h ngày 3/9. Chỉ sau 1 ngày cân nặng bé chỉ còn 1.9 kg.
Bé gái T.N.H.M.
Sau khi được các bác sĩ thăm khám và hội chẩn, bé được xác định nôn ói do tắc tá tràng bẩm sinh, phải chuyển mổ khẩn.
8 giờ sáng 4/9, cuộc mổ bắt đầu. Quá trình phẫu thuật các bác sĩ phát hiện có một màng ngăn dày 1,5mm bít kín lòng ruột đoạn tá tràng D2. Màng ngăn này nằm sát ngay bên dưới lỗ bóng Vater (nơi đổ vào của ống mật tụy).
Áp dụng kỹ thuật cắt màng ngăn bằng dao điện cao tần kim tròn, phẫu thuật viên đã tái lập lại lưu thông ống tiêu hóa mà không gây tổn hại hệ thống ống mật. Ca mổ kéo dài 90 phút đã cứu mạng bệnh nhi.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi.
Hậu phẫu ngày thứ 8, bé đã phục hồi hệ tiêu hóa, bú tốt và không còn ói nữa, cân nặng tăng thêm 300g.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức của bệnh viện cho biết, tắc tá tràng là sự gián đoạn lưu thông của đoạn ruột nối dạ dày, ống mật tụy với ruột non.
Đây là 1 dị dạng hiếm với tần xuất 1/5.000-10.000 ca sinh sống. Tắc tá tràng thường đi kèm theo mẹ đa ối 50%, sinh non 30%. Thai nhi thường chậm tăng trưởng do mất nguồn dinh dưỡng từ việc nuốt nước ối.
Hậu phẫu tắc tá tràng, bé đã tăng cân, bú tốt.
Nếu phát hiện trễ bệnh nhi sẽ mất nước và rối loạn điện giải trầm trọng. Dị tật tắc tá tràng thường đi kèm ở trẻ bị sanh non, chậm tăng trưởng. 50% trẻ tắc tá tràng kèm dị tật khác như: dị tật tim, niệu dục, hậu môn trực tràng, thực quản. 40% trường hợp có hội chứng Down.
Hiện nay với những tiến bộ của phẫu thuật sơ sinh hồi sức sơ sinh và nuôi ăn tĩnh mạch tỷ lệ sống của trẻ tắc tá tràng là trên 90%.
Theo Trí thức trẻ