Đọc sách không làm chúng ta trở thành thiên tài nhưng cho chúng ta khả năng phản biện cả Hegel, Socrates một cách thoải mái...
Từ câu chuyện thực tế của bản thân và gia đình, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng trong hiện trạng giáo dục cũ, khi thầy dạy gì trò học đó, cái thầy không dạy thì trò không học, thì việc đọc sách chính là học tập không giới hạn và không bị ai ngăn cấm.
"Ví dụ, 10 tuổi tôi đã đọc bộ Sông Đông Êm Đềm và hoàn toàn cảm thấy thích mặc dù bản thân chưa hiểu hết ý nghĩa của tác phẩm. Bây giờ, con trai tôi cũng đọc cả Tây Du Ký, vẫn hiểu Đạo giáo là gì, Phật giáo là gì theo nhận thức của bé, không vấn đề gì cả", ông Nguyễn Quốc Vương bày tỏ quan điểm.
Theo ông Vương, việc học chính thống vốn dĩ diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định nhưng đọc sách có thể tiến hành bất kỳ lúc nào. Ở một số môi trường giáo dục còn nặng tính gia trưởng, người học phản biện thầy rất khó thì đọc sách cho chúng ta khả năng phản biện cả Hegel, Socrates thoải mái. Đọc sách xong, không ai cấm người đọc viết ra cuốn sách khác đối thoại với chính tác giả. Có thể nói, đọc là cách học dân chủ suốt đời.
"Từ nhỏ, bố tôi từng dạy là giải toán, học văn không có nghĩa phải ngồi vào bàn, giở sách ra mới là học. Khi anh chẻ củi, chăn trâu mà nghĩ về nó cũng là học. Cho nên, có người hỏi tôi rằng tôi có hai đứa con, công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều, mất nhiều thời gian, vậy lấy thời gian đâu để đọc, dịch thuật và viết lách. Tôi trả lời là ngay lúc tôi ngồi nói chuyện với anh thì trong đầu tôi đang dịch sách. Vì những quyển sách khó tôi đã đọc lướt qua nội dung. Những đoạn khó tôi đã suy nghĩ xem cách chuyển ngữ như thế nào, để khi ngồi vào bàn tôi chỉ việc gõ lại", ông Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Chính vì vậy, nhà nghiên cứu cho rằng chuyện ngồi vào bàn mới học, đến trường mới học, có người nhắc nhở mới học là rất dở, làm chúng ta học trong tâm thế không được tự do. Bên cạnh đó, ông Vương khẳng định việc đọc sách nhiều không giúp người đọc trở thành thiên tài hay giàu có ngay lập tức và những người đọc sách thường không đặt câu hỏi như vậy.
Thói quen đọc sách, đến một lúc nào đó, sẽ kết tinh thành vốn xã hội, tạo nên phản xạ tự nhiên, giúp người đọc giải quyết công việc hằng ngày một cách nhạy bén, hiệu quả, nhất là công việc liên quan đến biện tập, biên dịch, hiệu đính…
Việc đọc sách nhiều không giúp người đọc trở thành thiên tài ngay hay giàu có ngay lập tức và những người đọc sách thường không đặt câu hỏi như vậy
Học người Nhật cho trẻ làm quen với sách ngay từ khi chưa biết đọc
Ông Nguyễn Quốc Vương kể rằng từ nhỏ mình đã là một cậu bé thích đọc sách. Sau khi lớn lên và loay hoay làm nhiều nghề, ông lại quay trở về với nghề nghiệp chính liên quan đến sách. Đối với ông, đó là một điều may mắn vì công việc và thú vui trùng khớp với nhau.
Tuy nhiên, từ nhỏ, bố của nhà nghiên cứu chỉ cho ông đọc sách khi đã biết chữ. Mãi về sau, ông có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền giáo dục tiên tiến, thì mới thấy rằng lý luận về đọc sách trong cộng đồng chưa phát triển nên người ta cứ nghĩ rằng trẻ chưa biết chữ sẽ không có khả năng đọc sách.
Nói về trải nghiệm thời còn làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, ông Vương kể rằng lúc con mình được ba tháng tuổi, gia đình đưa bé đi khám sức khỏe lần đầu ở trung tâm phúc lợi theo chính sách chung. Trung tâm cử ra ba người gặp gỡ gia đình. Ngoài bác sĩ khám tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng thì người thứ ba không ai ngờ đến lại là nhân viên thư viện thành phố.
Nhân viên này hướng dẫn gia đình về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với trẻ dưới 6 tuổi, về cách đọc sách, đọc ở đâu, sau đó, họ còn tặng một quyển sách cho trẻ.
Nhà nghiên cứu giáo dục nói: "Lúc đầu, tôi cũng nghi ngờ vì cháu còn chưa biết chữ thì đọc sách làm sao. Nhưng khi về nhà xem lại, tôi thấy quyển sách đó rất đơn giản, chỉ hơn 20 trang. Mỗi trang họ ghi một sự vật trong thiên nhiên, ví dụ âm thanh tiếng lá rơi, tiếng nước chảy, ô tô chạy ra sao... Sau một tuần, cháu có phản ứng rất tích cực, tương tác rất tốt".
Đến khi có cháu thứ hai, vợ chồng nhà nghiên cứu càng ý thức hơn về vai trò của việc tạo thói quen đọc sách từ sớm cho con. Gia đình ông đã đọc sách cho cháu nghe lúc cháu còn trong bụng mẹ. Đến thời điểm cháu chào đời được mấy tháng tuổi, cháu đã biết lật giở sách đúng cách.
Theo ông Vương, hai cháu ở nhà ông rất thích đọc sách. Đến mức mà các cháu có làm điều gì sai quấy thì "hình phạt" đặt ra là không cho đọc sách. Các cháu rất sợ điều này vì đối với các cháu, sách là thứ hấp dẫn chỉ sau các trò chơi.
Đọc sách trở thành thói quen hàng ngày của những đứa trẻ trong gia đình. Một ngày các cháu đọc sách ít nhất ba lần. Lần thứ nhất là 6 giờ sáng, khi ông Vương dậy chuẩn bị đi làm. Buổi chiều, mẹ đón các cháu tan trường, các cháu tự lấy sách ra đọc. Tối bố đi làm về lại đọc sách cho cháu nghe lần nữa.
Nhà nghiên cứu giáo dục từng bày tỏ quan niệm: Giáo dục gồm ba bộ phận là gia đình – nhà trường – xã hội, tuy nhiên, xuất phát điểm vẫn là giáo dục gia đình. Trẻ chỉ đọc sách khi nhìn thấy cha mẹ của mình đọc sách.
Trẻ chỉ đọc sách khi nhìn thấy cha mẹ của mình đọc sách.
Làm sao để hơn 90% người biết chữ thành đa phần biết đọc sách?
Nói về việc khuyến đọc, ông Nguyễn Quốc Vương nhận định lịch sử Việt Nam không thiếu những người đi tiên phong nhưng họ chỉ loay hoay ở một nhóm rất nhỏ chứ không mở rộng ra ngoài quần chúng nhân dân, bởi vì "chúng ta thiếu rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố phương tiện truyền tin".
Theo ông, số lượng người Việt Nam biết chữ cho đến trước năm 1945 là dưới 5% dân số, ví dụ một người như ông Nguyễn Trường Tộ viết ra tấu sớ thì không có bao nhiêu người đọc được.
Sau khi phổ cập toàn dân biết đọc, biết viết, chúng ta đang gặp phải một vấn đề khác là biết chữ nhưng không chịu đọc sách. Ông Nguyễn Quốc Vương khẳng định nếu không chịu đọc sách thì không hơn gì người mù chữ bao nhiêu do "tư duy của anh vẫn thế, thông tin của anh vẫn thế".
Vấn đề hiện tại của công tác khuyến đọc là làm sao cho hơn 90% người dân biết chữ trở thành đa phần người dân biết đọc sách. Theo ông Vương, việc đọc sách rất thực tế, không nên hiểu đó là câu chuyện của những người thuộc giới tinh hoa, biết chữ để ra làm quan và những người lông bông rỗi nghề.
"Có nhiều người hỏi tôi về việc một người đọc sách nhưng nhân cách, đạo đức vẫn có vấn đề. Tôi trả lời rằng đó chỉ là một mẫu rất nhỏ mà anh đang xét. Nếu so sánh một triệu người đọc sách với một triệu người không đọc sách thì tôi khẳng định kết quả sẽ rất khác", ông Vương quả quyết.
Theo ttvn.vn