Ngày con đầu của tôi vào lớp 1, tôi cũng như hàng vạn phụ huynh giống tôi, mắt ngún âu lo khi nghe những "tiền bối" đi trước bảo: Con vào lớp 1 mà không học trước thế nào cũng không đuổi kịp bạn bè.
Các lớp dạy học trước, tiền tiểu học, mọc ra như nấm với đủ thứ đe doạ những ông bố bà mẹ lần đầu có con vào lớp vỡ lòng về việc "con bạn có thể tụt hậu". Rồi còn chưa kể ra nhà sách, hằng hà vô số những cuốn sách "tiền lớp 1"; "để con bạn sẵn sàng vào lớp 1"… Thú thật, tôi cũng mua đến cả chục cuốn sách như thế để rồi cậu "sinh viên đại học chữ to" nhà tôi cứ nhìn những cuốn sách đó mà mếu hết cả máo vì… quá khó.
Ngày con tôi bước vào lớp 1, năm 2012, hồi đó Bộ Giáo Dục cũng đã có quy định cấm dạy trước rồi đấy. Nhưng cấm là trên giấy chứ trên miệng mọi người vẫn ra rả "Con học trước vào lớp sẽ đỡ bỡ ngỡ". Rồi trên mạng, nhiều "tiền bối" còn kể trong ấm ức "Con tôi không cho học trước nên vào lớp bị cô giáo đối xử thiếu công bằng vì cháu kéo tụt thành tích của lớp, vì cháu mà cô giáo mất quá nhiều thời gian nên cô giáo rất… ghét cháu".
Gặp đứa con tư chất tốt thì cha mẹ bớt lo chứ gặp những đứa trẻ tư chất chậm hoặc loại ham chơi, nghịch ngợm, học trước quên sau, cẩu thả thì coi như cha mẹ thành tấm bia với hàng trăm lượt phi tiêu trách móc từ các thầy cô lớp 1.
Ngày con đầu của tôi vào lớp 1, tôi thành ông bô nanh nọc, dữ dằn với chiếc thước kẻ lăm lăm trên tay chỉ vì 3 cái chữ dễ ẹc A- Ă- Â hay O- Ô- Ơ mà dạy mãi, dạy mãi, dạy mãi ông cu con kiên quyết không nhớ, bỏ dấu tùm lum. Khiến ông bô từng tinh tướng rằng mình là một nhà văn có chút tên tuổi phải đánh vật trong bất lực với ông cu con. Từ tháng 3, khi cu cậu vẫn đang học mẫu giáo lớn, cu cậu đã phải tham gia cuộc chiến vào lớp 1.
Cho đến một hôm, cậu bảo tôi: "Bố ơi, hay là để năm sau con vào lớp 1 cũng được". Cho đến một hôm khác, cậu nói với cô em gái của cậu: "Anh ghét vào lớp 1".
Và cho đến hôm khai giảng, trước gần 300 phụ huynh lớp 1, cô hiệu trưởng trường con tôi nói: "Thứ khiến thầy cô giáo chúng tôi khổ nhất không phải việc dạy chữ cho con của quý vị mà là sửa chữ cho con quý vị.
Thứ khiến chúng tôi bận bịu nhất không phải là dạy chúng học hay bắt chúng tuân thủ kỷ luật trên lớp mà là việc nhiều đứa trẻ không thích học vì những gì thầy cô dạy chúng đều đã được học trước hết cả rồi. Chúng mất đi sự hưng phấn, tò mò, khám phá khi lên lớp".
Nhưng khi tôi chia sẻ câu chuyện này trên trang FB của mình thì thứ tôi nhận được là những bình luận kiểu: "Giờ còn mấy vị hiệu trưởng như thế?". Và vẫn tiếp tục hằng hà sa số những bình luận chứng minh việc cho trẻ học sớm là cần thiết thế nào.
Chỉ là không có bình luận nào mang hàm lượng kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học mà tuyền những thực tế từ sự giận dữ, khó chịu, không hài lòng, ghét bỏ… của các cô giáo lớp 1. Và cả sự khổ sở của những đứa trẻ chưa được học trước mà phải học ở cái lớp đến 90% bạn bè đều đã học trước. Thậm chí, cả những chế nhạo của bạn bè chúng cho những đứa trẻ không học trước.
Gia đình Nhà văn Hoàng Anh Tú.
Hẳn là hầu hết chuyện cho trẻ học trước hay để trẻ trắng tinh như tờ giấy vẫn chỉ loay hoay trong quan điểm của cha mẹ Việt chứ ở Mỹ, ở Nhật hay ở Phần Lan… tụi trẻ con vào lớp 1 đâu có khổ như trẻ em Việt, bố mẹ Việt? Là lỗi tại ai đã khiến lũ trẻ Việt nhà mình khổ thế này?
Tôi đã từng viết đến cả chục bài trong cuốn "Con cái chúng ta khổ thật và chúng ta cũng thế" về việc giáo dục của Việt Nam đang hành hạ những đứa trẻ thế nào. Mà không hẳn là vì kiến thức mà người lớn đang muốn đám trẻ học, nó lại phần nhiều từ quan điểm giáo dục con của nhiều bậc cha mẹ xây dựng từ sĩ diện của cha mẹ, thái độ của thầy cô với việc học hành của các con được điều chỉnh theo thành tích.
Rồi cha mẹ thấy con học khổ quá thì đổ lỗi cho nhà trường. Rồi các thầy cô thấy học sinh học kém quá thì đổ lỗi cho cha mẹ không đưa con đi học trước để ảnh hưởng đến thành tích nhà trường. Rồi cũng chính các cha mẹ, muốn chuyển trường cho con chỉ vì "trường đó tốt đấy, văn minh đấy nhưng học dốt hơn trường A, trường B".
Cứ như thể trong đầu của các bậc cha mẹ chỉ là Học - Học và Học. Là con không thể học thua bạn bè. Là giá trị của con nằm ở việc con học giỏi hơn bạn bè.
Cũng lại sắp đến mùa khai giảng rồi, bao nhiêu cha mẹ có con lần đầu vào lớp 1 sẽ lại bắt đầu lớp vỡ lòng làm cha, làm mẹ. Còn như tôi, đã đến đứa con thứ 3 trải qua lớp 1 rồi, tôi chẳng còn những âu lo thuở nào.
Tôi chọn cách cho con tự do. Không học thêm trước khi vào lớp 1. Và trộm vía, đến giờ cô nhóc ấy lên lớp 3 rồi, vẫn tưng tửng học hành nhàn nhã. Mà con cái chúng ta nhàn nhã thì chúng ta cũng thế, phải không?
Hoàng Anh Tú
Theo Trí thức trẻ