Chị Đỗ Thị Hạnh (44 tuổi, quê Thanh Hoá) nhớ lại hoàn cảnh mình phát hiện bé Cà Rốt trước cổng chùa Diệu Giác (đường Trần Não, quận 2, TP.HCM) như vậy. Gần 2 tháng nay, cuộc sống của người phụ nữ làm nghề giúp việc có thêm niềm vui khi trời cho chị đứa con trai bé bỏng.
Chị Hạnh và đứa bé bị bỏ rơi trước cổng chùa.
Tưởng tiếng mèo kêu, hoá ra đứa trẻ
Căn nhà trọ của chị Hạnh nằm sâu trong một con hẻm tại đường số 5, phường An Phú, quận 2 (TP.HCM). Khi chúng tôi đến, chị đang cho Cà Rốt bú sữa. Đó là cái tên mà người phụ nữ đặt cho bé trai được chị cưu mang gần 2 tháng nay.
Căn trọ số 25 tại phường An Phú, quận 2 (TP.HCM) của người phụ nữ giúp việc.
Chị kể, bình thường mình toàn đi làm công quả vào chiều tối, nhưng hôm đó lại đến chùa vào sáng sớm. Khi đang quét lá, chị nghe tiếng động lạ như tiếng mèo kêu.
Áo sơ sinh có in logo bệnh viện Từ Dũ...
... Và chiếc bình sữa người mẹ ruột để lại cho đứa bé.
"Đến gần, tôi mới giật mình phát hiện môt đứa bé đỏ hỏn, rốn vẫn còn mũ và ướt nhẹp, nằm trong cái giỏ du lịch màu xanh. Tấm áo sơ sinh mà con đang mặc vẫn còn để tên bệnh viện, bên cạnh chỉ có một cái khăn và một bình sữa uống dở. Lúc đó đã gần 5 giờ sáng. Tôi có ra ngoài cổng tìm kiếm người bỏ bé lại nhưng không thấy ai" – chị nhớ lại.
Chị Hạnh nhận đứa trẻ về nuôi dưỡng khi không thể tìm được gia đình.
Vậy là người phụ nữ ẵm đứa bé lên, đặt lên bệ Phật một lúc để đứa trẻ khỏi lạnh. Trời dần sáng, khi thông tin về một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa được phát ra, nhiều người hiếu kỳ kéo đến. Thấy vậy, chị Hạnh mang đứa trẻ đến công an phường trình báo.
"Lúc mới thấy nó, chẳng hiểu sao tôi đã rất thương. Đứa bé nào bị bỏ như vậy mà không tội nghiệp. Sau khi đem lên công an, tôi làm thủ tục xin cháu nhận nuôi luôn thì được chính quyền hỗ trợ ngay. Chắc tôi và thằng bé có duyên" – chị Hạnh cười nói.
Bé được quy y và khia sinh tên Đỗ Pháp Chí.
Nhưng ở nhà, người phụ nữ gọi đứa trẻ là Cà Rốt.
Không chút nghĩ suy, người đàn bà đang làm nghề giúp việc xin nghỉ hẳn 1 tháng để ở nhà chăm đứa trẻ. Chị chọn ngày 3-9, ngày phát hiện đứa trẻ để khai sinh cho con, với cái tên Đỗ Pháp Chí.
Cuộc sống của chị Hạnh 2 tháng nay có thêm tiếng cười đùa trẻ thơ.
"Mình đặt tên này với mong muốn con sẽ khoẻ mạnh, kiên cường như cách con sống sót được mà không có mẹ ruột bên cạnh"- chị Hạnh giải thích.
"Nếu người mẹ hối hận, tôi sẵn sàng cho nhận lại đứa bé"
Ngoài chuyện có thêm niềm vui khi phòng trọ vang tiếng trẻ thơ, kể từ ngày có Cà Rốt, cuộc sống của chị Hạnh bận rộn hơn rất nhiều.
Việc chăm sóc trẻ với người mẹ đã lâu không nuôi em bé quả thực khá vất vả.
Bằng tình thương, chị Hạnh dần vượt qua những trở ngại ban đầu.
"Mấy chục năm rồi mình có chăm trẻ con đâu nên lo lắng lắm. Sợ chăm sai cách làm con bệnh, nên kể cả cách ẵm bé và cách tắm, mình đều lên mạng tìm coi các clip người ta hướng dẫn mà làm theo. Ấy vậy rồi cũng xong, hồi mới lượm về da nó nổi mẫn đỏ nhiều lắm, giờ thằng bé trắng mịn rồi" – chị Hạnh vui vẻ nói.
Ly dị chồng đã nhiều năm, chị Hạnh ở vậy nuôi con, rồi cho con sang Nhật du học. Trước khi có Cà Rốt, chị vẫn lủi thủi một mình trong căn trọ nhỏ, đi làm giúp việc từ sáng sớm đến tối mịt.
Bé Cà Rốt dần khoẻ mạnh, hồng hào qua sự yêu thương của "người dưng".
Chị Hạnh cho biết, mỗi tối không dám ngủ nhiều, phải túc trực thường xuyên những khi bé Cà Rốt giật mình.
"Hôm nghe tin tôi nhận thằng bé về, con gái tôi cũng ủng hộ, bảo để nó làm mẹ sẽ hợp lý hơn. Nhưng giờ tôi cứ lo trước, đợi chừng nào con gái tôi về nước thì tính sau" – chị Hạnh cho biết.
Nghe chuyện chị Hạnh nhận nuôi đứa trẻ sơ sinh khát sữa, mấy ngày gần đây, những người mẹ có con trong xóm lại tìm đến cho đứa trẻ bú nhờ. Tuy vậy, những giọt sữa này cũng chẳng thấm là bao, chị phải cho đứa trẻ dặm thêm sữa bột.
"Mình phải tìm hiểu kỹ tất cả loại sữa rồi mới dám mua, chứ không bé lại đau bụng, viêm phổi. Lỡ có gì thì mang tội lắm" – chị nói.
Một số bà mẹ cảm thương, đến cho đứa trẻ bú nhờ.
Biết chuyện đứa trẻ bị bỏ rơi, rất nhiều người gọi đến xin đứa trẻ về nuôi. Tuy vậy, chị Hạnh đều chối từ, bởi theo chị, biết họ ở đâu, tốt hay xấu mà giao. Có người mới thấy đứa trẻ ói mà đã tỏ vẻ khó chịu. Lỡ đâu họ bắt về mang đứa trẻ đem bán, thì chị ân hận suốt đời.
Nghĩ thế nên dù chỉ sống bằng đồng lương giúp việc vài triệu đồng mỗi tháng, lại ở trọ, chị Hạnh cho biết sẽ cố gắng tằn tiện để lo cho Cà Rốt không thiếu thốn thứ gì. Bởi vì, trong lòng chị đã coi đứa bé như con ruột.
Chị Hạnh nhận được nhiều lời đề nghị cho đứa bé nhưng đều chối từ.
Nhưng khi tôi hỏi chị, vậy lỡ người mẹ đứa bé hối hận, tìm đến nhận lại con thì sao, người phụ nữ có chút nghĩ ngợi. Rồi chị trả lời, sẽ vui vẻ giao trả đứa bé.
"Chắc khi bỏ đứa bé, người mẹ có điều gì khó xử, chứ ai mà không thương con. Nếu mà người mẹ hối hận thì tôi sẽ cho nhận bé về, mình làm bà hay làm bác nó cũng được, rồi tìm cách giúp đỡ cho hai mẹ con nó. Dù sao, đứa trẻ cũng đâu phải do mình sinh ra" – chị Hạnh nói.
Dù cho biết sẽ vui lòng giao lại đứa bé nếu người nhà tìm đến, nhưng trong thâm tâm, chị Hạnh đã coi Cà Rốt như con ruột.
Cà Rốt giật mình, khóc thét. Chị Hạnh bế lên, chỉ dỗ dành vài cái là đứa bé nín khóc. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của người đàn bà tốt bụng, tôi biết nếu một ngày cha mẹ đứa bé đến nhận con, chị Hạnh sẽ rất buồn.