Ngày 2/6, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) xác nhận, hai chiến sĩ thuộc đơn vị khi đang làm nhiệm vụ tại trạm gác cột cờ phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên, bộ Tư lệnh Cảnh vệ bất ngờ nghe thấy tiếng kêu cứu từ khu hè phía Nam đường Hùng Vương. Nguyên đã ngay lập tức chạy lại, đồng thời báo cáo về Trung tâm chỉ huy để gọi xe cấp cứu.
Tới nơi, phát hiện nạn nhân là anh Qu. đang lên cơn co giật mạnh và mất ý thức. Không chần chừ, Trung sĩ Hoàng Văn Nguyên đã dùng tay của mình cậy hàm răng anh Qu. để tránh bị cắn vào lưỡi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cùng lúc đó, Thượng úy Trần Đình Đạt cũng đã chạy đến hỗ trợ. 15 phút sau, xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 đã tới đưa anh Q đến bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn cấp cứu.
Hành động cứu người của chiến sĩ cảnh sát cảnh vệ gây xúc động trong cộng đồng mạng
Đây không phải trường hợp đầu tiên các chiến sĩ công an cứu người khi bị co giật. Trước đó vào năm 2019, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh chiến sỹ cơ động "nén" đau nhét ngón tay vào mồm cháu bé bị sốt co giật tại sân vận động Thiên Trường, Nam Định.
Sự việc diễn ra khi trận bóng đang diễn ra thì một cổ động viên nhí có dấu hiệu bị co giật. Trong phút giây nguy kịch ấy, một cảnh sát cơ động đã dùng tay chịu đau để ngăn bé cắn lưỡi.
Cả hai bức ảnh đều nhận được nhiều lời khen ngợi, cảm phục của dư luận. Bởi đây là hành động đẹp của các chiến sĩ công an nhân dân.
Tuy nhiên, dưới góc độ y học thì việc cấp cứu người lên cơn co giật cũng cần phải lưu ý một số điểm sau. Bởi theo quan niệm dân gian khi trẻ bị co giật thì nhét thìa, hay khăn thậm chí cả ngón tay vào miệng để đề phòng người bị co giật vào lưỡi, tuy nhiên theo các bác sĩ việc làm này có thể sẽ gây nguy hiểm có thể làm tắc đường thở.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Bệnh viện Việt Đức khi người bệnh động kinh lên cơn co giật, tốt nhất để người bệnh nằm ở tư thế an toàn và thoải mái nhất, ví dụ nằm trên sàn nhà bằng phẳng; nếu người bệnh lắc đầu nhiều quá thì đầu kê trên gối mềm hoặc vật dụng mềm, không để đầu đập vào sàn nhà, nguy cơ chấn thương.
Nếu người bệnh đang quàng khăn, thắt calavat thì tháo ngay khỏi cổ để bệnh nhân dễ thở.
“Tuyệt đối không nên nhét thìa, đũa... vào mồm bệnh nhân vì quan điểm làm như vậy để tránh tình trạng bệnh nhân cắn vào lưỡi”- PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo.
Trong khi đó, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: “Khi thấy một người bị co giật (động kinh cơn toàn thể) thì thái độ xử trí tốt nhất là… chỉ đứng quan sát và không can thiệp gì hết. Cơn co giật sẽ tự hết sau 30 giây đến 1 phút”.
Bác sĩ Hiển cho biết: Cơn co giật sẽ trải qua 4 giai đoạn là co cứng, co giật, ngưng thở và hôn mê. Quan trọng nhất là sau giai đoạn co giật, bệnh nhân có tự thở được hay không; rất hiếm trường hợp ngưng thở, khi đó mới cần can thiệp (hô hấp nhân tạo). Khi bệnh nhân đang trong cơn co giật, việc can thiệp chẳng những không giúp ích gì mà có khi còn gây hại.
Việc khi lên cơn co giật, bệnh nhân có thể tự cắn lưỡi mình gây nguy hiểm đến tính mạng, theo các bác sĩ đó cũng chỉ là “truyền thuyết” theo quan điểm dân gian và hoàn toàn không có trường hợp đó.
“Bình thường lưỡi nằm gọn trong cung răng. Khi co giật, có thể chỉ làm xây xát nhẹ phần rìa lưỡi và mặt trong mà thôi. Các xây xát này sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bệnh nhân lên cơn co giật không thể cắn đứt lưỡi”, bác sĩ Hiển khẳng định.
Xử trí đúng cách bệnh nhân co giật:
Theo bác sĩ Hiển, khi bệnh nhân bị co giật, việc sơ cấp cứu cần: Quan sát bệnh nhân có tự thở được sau cơn co giật hay không? Nếu bệnh nhân không thở được (rất hiếm xảy ra trường hợp này) thì khi đó mới cần can thiệp bằng cách hô hấp nhân tạo.
Nếu sau 2-3 phút mà cơn co giật vẫn tiếp tục thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện.
Chờ cho bệnh nhân hồi tỉnh (sau giai đoạn hôn mê) hỏi bệnh nhân có tiền sử động kinh hay không, có đang điều trị và khuyên bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện tâm thần.
Cầm máu vết thương (nếu có) do bị té ngã lúc co giật.
Theo soha.vn