Sau vụ cháy tại nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua, thông tin môi trường có thể bị ô nhiễm, đặc biệt là nhiễm độc thủy ngân trong không khí, đất, nguồn nước khiến không ít người dân lo lắng. Ngay sau đó, UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã ra thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy, cho người dân sinh sống gần với Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (số 85-87 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân).
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, đây là khuyến cáo rất kịp thời và đúng đắn của chính quyền bởi nhà máy Rạng Đông chủ yếu sản xuất bóng đèn và phích nước do đó có chứa rất nhiều hóa chất và kim loại như chì, lưu huỳnh, thủy ngân...
"Lửa cháy có thể khiến các hóa chất và kim loại này bị bốc hơi bay vào trong không khí. Theo thời gian, các hóa chất và kim loại này rơi xuống môi trường, hòa vào nước... Vì thế con người có thể hít vào gây ảnh hưởng sức khỏe. Hoặc có thể các hóa chất và kim loại này trôi theo nước rơi vào rau, củ quả, hoặc vật nuôi hít vào từ đó nếu sử dụng thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng", ông Thịnh phân tích.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong cuộc sống hàng ngày cũng có nhiều nguồn khác chứa thủy ngân, bao gồm cả thực phẩm, đồ uống mà nếu không cẩn trọng, con người có thể nhiễm thủy ngân từ chính những nguồn đó.
Một số nguồn lây nhiễm thủy ngân trong cuộc sống
- Một số loài cá nước mặn và nước ngọt: Một số loài cá như cá mập, cá kiếm, ca vược... được coi là có hàm lượng thủy ngân cao và người dân được khuyến cáo không nên tiêu thụ.
- Pin, thuốc xịt muỗi, thuốc mỡ...: Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong các sản phẩm này. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.
- Các loại sơn: Thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm...
Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm thế nào?
Thủy ngân là một loại kim loại rất độc và có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Nếu đúng là không khí chứa thủy ngân thì mức độ độc hại càng tăng. Nếu con người hít phải không khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ len lỏi vào các mô, đặc biệt ở những nơi có chất nhày như phổi, khoang mũi... từ đó kích thích đường hô hấp, dẫn đến ho, khó thở, thiếu oxy...
Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, thủy ngân còn có thể xâm nhập qua da, tấn công vào máu, ảnh hưởng đến lượng hồng cầu gây thiếu máu, mệt mỏi, xanh xao, đau choáng đầu, tinh thần không ổn định, rối loạn tâm trạng...
Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa.
Làn da khi tiếp xúc với không khí chứa thủy ngân có thể bị mẩn ngứa, phát ban, tím tái, đau nhẹ, dị ứng... Ở những vùng da càng mỏng thì khả năng dị ứng càng cao.
Khi con người hít thở không khí hay ăn phải các thực phẩm chứa thủy ngân có thể gây ra các tổn thương não và gan.
Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), thủy ngân, tên hóa học là Hg, độc tính của nó phụ thuộc dạng thủy ngân. Hợp chất thủy ngân hữu cơ và vô cơ có tác động khác nhau và liều gây chết trung bình của chúng cũng khác nhau.
Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.
Nguy hiểm hơn, kim loại cực độc này còn gây thương tổn trung tâm thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó khăn trong diễn đạt, giảm sút trí nhớ, tê liệt...
Trong trường hợp ngộ độc thủy ngân cấp tính còn có thể gây chết người vì thủy ngân khi đã vào trong cơ thể người, chúng có thể dễ dàng liên kết với các chất béo trong máu và mô gây độc cho các cơ quan nội tạng như gan, lá lách... và hệ thần kinh. Phụ nữ mang thai hít phải thủy ngân trong không khí cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Biện pháp phòng tránh nhiễm độc thủy ngân
Thủy ngân được sử dụng trong các nhiệt kế, áp kế và các thiết bị khoa học khác. Thủy ngân nguyên tố lỏng ít độc, nhưng các hợp chất và muối của nó lại rất độc. Vì vậy, để tránh trẻ nuốt phải thủy ngân nếu không may nhiệt kế bị vỡ, cha mẹ cần cẩn thận với dụng cụ kiểm tra sức khỏe này, tránh đặt trong tầm tay của con hoặc để con dùng như một thứ đồ chơi. Nếu phát hiện trẻ nuốt Hg trong nhiệt kế, các bậc phụ huynh tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Để tránh ngộ độc thủy ngân trong không khí, cần hạn chế việc tiếp xúc với thủy ngân bên ngoài môi trường bằng cách khi ra đường nên đeo khẩu trang, đeo kính mắt. Đặc biệt, với trẻ nhỏ người già có hệ hô hấp kém càng nên hạn chế ra đường.
Sau khi ra ngoài đường về bạn cần vệ sinh, súc miệng uống thật nhiều nước vì uống nhiều nước có thể đào thải chất độc thủy ngân qua đường thận.
Nếu có cảm giác buồn nôn, nhức đầu, đau họng, sốt... thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra xem bạn có dấu hiệu của ngộ độc thủy ngân hay không.
Theo Trí Thức Trẻ