Bệnh nhân thứ 20 ở Hà Nội bị lây nhiễm khi đi làm hợp đồng mua nhà
7h ngày 2/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo về một ca dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại quận Cầu Giấy.
Theo đó, trường hợp này là T.N.M, nam, 51 tuổi, có địa chỉ tại số 12 khu 18-4 ngõ 86 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trường hợp này là F1 của ca bệnh 1.814 (nữ, sinh năm 1971, giáo viên của Trường THCS Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ở tại 23 Duy Tân, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ngày 27/1, anh M và vợ có đến Văn phòng công chứng số 3 (số 6 phố Duy Tân) để làm hợp đồng mua nhà từ 8h30 đến 9h40 và tiếp xúc với ca bệnh 1.814.
Sau đó, anh này về nhà có tiếp xúc với 2 con.
Người đàn ông này được Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sau khi xác định là F1 của ca bệnh 1.814 vào ngày 1/2 và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 do CDC Hà Nội thực hiện.
Đây là ca bệnh thứ 20 được CDC Hà Nội thông tin kể từ khi đợt dịch lần thứ 3 bùng phát tại Hà Nội đến nay.
Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết trong những ngày tới, Hà Nội tiếp tục có thể ghi nhận thêm những ca mắc mới trong cộng đồng bởi lượng người trở về từ các ổ dịch Quảng Ninh, Hải Dương rất lớn. Bên cạnh đó, có thể bỏ sót nhiều F1 chưa được đưa đi cách ly, lấy mẫu.
CDC Hà Nội kêu gọi người dân tự giác phòng chống dịch COVID-19 , thực hiện 5K theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Bên cạnh đó, sáng nay, Bộ Y tế cũng đã công bố thêm 1 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương, cụ thể như sau:
CA BỆNH 1851 (BN1851): nam, 44 tuổi, có địa chỉ tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương.
Ngày 31/1, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, ho, đau rát họng và khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nhiệm ngày 1/2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Nhiều người không hợp tác trong quá trình truy vết
Trước diễn biến trên, để giúp nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, Chính phủ kêu gọi người dân chung tay: Quan sát địa bàn sinh sống, nếu phát hiện bất thường, bạn hãy truy cập đường link sau antoancovid.vn/khaibao để báo tin ngay cho Tổ thông tin.
Hãy báo tin khi:
- Nghi ngờ bản thân (hoặc người thân trong gia đình) đã mắc COVID-19
- Biết người đã tiếp xúc gần với F0, F1, F2
- Biết người vượt biên trái phép hoặc người đi từ vùng tâm dịch về nhưng không cách ly
- Biết một sự kiện đông người có nguy cơ lây nhiễm...
Những nội dung được nhân dân báo về sẽ được xác minh ngay lập tức bởi hàng ngàn tình nguyện viên, được tổng hợp và chuyển đến đầu mối theo đúng quy trình truy vết F0-1-2 đã vận hành hiệu quả trong gần một năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 cho biết trên báo Lao động: Thông tin chủ động khai báo của người dân vô cùng quan trọng. Từ những đợt dịch trước, chúng ta đã truy vết rất hiệu quả từ nguồn tin này. Tuy nhiên, đợt dịch này, mặc dù tình hình nghiêm trọng hơn nhưng bất ngờ là tỉ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin lại rất lớn.
"Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác với chúng tôi trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết. Khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn"- ông Trung nói.
Theo ông Trung, có thể do người dân hoảng loạn, lo lắng dẫn tới hành động tắt máy, chặn số của Bộ Y tế hoặc có những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ. Lúc này, Tổ truy vết buộc phải cử người đến trao đổi trực tiếp gây lãng phí thời gian và nhân lực.
Thông điệp 5K từ Bộ Y tế. Ảnh: TTXVN
Tổng hợp
Theo soha.vn