Nhiều F0 từ vùng dịch trở về, thành trì chống dịch của Hà Nội có bị đe dọa: Phân tích của các chuyên gia

Nhiều ngày qua, Hà Nội phát hiện những ca bệnh đi từ vùng có dịch trở về, đặc biệt có ca bệnh lịch trình di chuyển phức tạp không tuân thủ đúng quy định, khiến nhiều người hoang mang.

Theo công bố số ca từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ ngày 11/10 đến nay, sau khi Hà Nội thông báo bỏ quy định cách ly tập trung người đi từ vùng có dịch trở về, Hà Nội đã ghi nhận 27 ca bệnh có liên quan đến chùm ca bệnh này.

Như chiều 17/10, CDC Hà Nội cho biết, trong ngày 17/10, thành phố ghi nhận 15 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2. Các ca mắc mới phân bố tại 3 chùm ca bệnh gồm: chùm liên quan Bệnh viện Việt Đức (9), chùm về từ các vùng có dịch (5), chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (1).

Đặc biệt ca bệnh N.T.D.V (nữ, 27 tuổi, thường trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) được CDC công bố ngày 16/10 có lịch trình phức tạp. Ca bệnh này đi từ TP HCM ra Hà Nội và không tuân thủ quy định cách ly y tế tại nhà, đi rất nhiều nơi. Đến nay đã xác định được 9F1 liên quan đến F0 này.

Thành trì chống dịch của Hà Nội có bị "đe dọa"?

Trước số ca này, nhiều người lo ngại công sức chống dịch của Hà Nội những tháng qua sẽ bị đe dọa, trạng thái "bình thường mới" sẽ bị ảnh hưởng. Về vấn đề này các chuyên gia y tế đã có những phân tích cụ thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, việc Hà Nội có thể xuất hiện ca bệnh là điều đã được dự báo từ trước. Không chỉ Hà Nội mà các tỉnh khác cùng cần xác định chúng ta "sống chung cùng dịch".

"Đối với việc xuất hiện ca bệnh đặc biệt, những ca chưa tiêm vaccine từ vùng dịch trở về sẽ có nguy cơ lây lan nếu không thực hiện tốt 5K và cách ly tại nhà. Những trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến trẻ em, người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Như vậy rất có thể sẽ tạo thành chuỗi lây nhiễm những trường hợp chưa tiêm vaccine hay người đã tiêm nhưng sức đề kháng yếu, người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khó có khả năng bùng phát mạnh như TP HCM và một số tỉnh phía Nam bởi thủ đô đã triển khai gần 100% tiêm mũi 1, 50-60% tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi", PGS Nga đánh giá.

Ngoài ra, theo PGS Nga, việc mở cửa "bình thường mới", có thể bùng phát cụm lây nhiễm nhưng không đe doạ đến công tác phòng chống dịch tại Hà Nội.

"Những trường hợp từ vùng có dịch trở về phải tuân thủ quy định phòng chống dịch. Nếu ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hôm qua tôi có theo dõi trên báo chí thông tin về trường hợp bệnh nhân ở số 8 Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm. Người này từ vùng dịch trở về còn đi làm tóc, làm móng. Chính quyền thành phố cần giám sát chặt chẽ những người từ khu vực khác đi đến", ông Nga nhấn mạnh.

Việc xuất hiện các nguồn lây mới trong trạng thái "bình thường mới" là điều khó tránh khỏi. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ khi người dân từ các vùng có dịch đổ về, xác suất có nhiều ca nhiễm.

"Quan trọng nhất là trường hợp nào từ vùng dịch trở về phải theo dõi giám sát, xét nghiệm ngay. Nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2, chính quyền địa phương phải nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, truy vết và dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng.

Chúng ta đang hướng đến việc mở cửa, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Nếu người dân không ý thức thì rất nguy hiểm. Những ai về từ các địa phương có dịch phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, hạn chế tiếp xúc, không đến chỗ đông người", ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, chính quyền đã tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi không bắt buộc cách ly tập trung, nên cũng mong mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành. Tại Hà Nội hiện chưa ghi nhận ca nào không rõ nguồn lây. Tuy nhiên, những ca thứ phát như ca từ TP HCM hay nơi khác về lây cho người nhà, hoặc những người tiếp xúc sẽ nguy hiểm. Điều này rất cần ý thức chủ động của người dân vì hiện nay vẫn có trường hợp xác minh dịch tễ bị lọt, về địa phương không khai báo y tế đến khi có triệu chứng, bệnh mới đi khai báo thì đó là những người có nguy cơ.

"Chính vì thế mọi người khi từ khu vực khác trở về địa phương cần khai báo y tế, cách ly tại nhà ngay để chính quyền giám sát. Điều này sẽ tránh lây lan cho chính người nhà mình và cộng đồng. Đối với trường hợp nữ bệnh nhân tại phố Đình Ngang, cần xử lý nghiêm vì đã không tuân thủ quy định, để lấy đó giúp người dân có ý thức cao hơn", ông Nga nhấn mạnh.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nhieu-f0-tu-vung-dich-tro-ve-thanh-tri-chong-dich-cua-ha-noi-co-bi-de-doa-phan-tich-cua-cac-chuyen-gia-161211710201701796.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU