Từ trước Tết, chị Nguyễn Hoàng H. – Long Biên, Hà Nội liên tục được 'đặt' vào vị trí F1. Sau bữa cơm chung ngày 23 tháng Chạp, em chồng chị H. dương tính với Covid-19, những người còn lại trong gia đình trở thành F1. Chị H. nghỉ Tết sớm vì phải ở nhà theo dõi sức khỏe.
Trong Tết, trong số những người là F1, có 6 người chuyển thành F0. Đến 10/2, chị H. đi làm trở lại, nhưng chỉ 2 ngày sau đó, chị lại trở lại thành F1 vì tiếp xúc với đồng nghiệp dương tính SARS-CoV-2.
"Cả tháng vừa rồi tôi đi làm được 4 công, nghỉ ở nhà theo dõi sức khỏe thì không được chấm lương. Dịch dã công việc đã khó khăn mà F1 liên tục như vậy thà là F0 sớm còn hơn" - chị H. than thở.
Không riêng chị H., nhiều người còn nghĩ "sớm muộn gì thì mình cũng sẽ trở thành F0", mắc sớm khỏi sớm thì được đi làm sớm.
Anh Trần Đức T. – Hoàng Mai, Hà Nội 'khoe' kết quả test nhanh Covid-19 2 vạch với lời nhắn "cuối cùng cũng được 2 vạch". Ngay sau đó, anh liên tục nhận được những lời nhắn của bạn bè. Mọi người không còn hoang mang, có người hỏi thăm, có người chúc mau khoẻ. Thậm chí, có người chúc mừng anh đã trở nên 'bất tử' với Covid-19, nghĩa là sẽ không còn sợ nhiễm virus này nữa.
Ảnh minh họa.
Nói về nguy cơ tái nhiễm Covid-19, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng đến nay Việt Nam đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và bạn hoàn toàn có thể tái nhiễm. Thực tế, tại các nước như Mỹ, Anh, Pháp, tỷ lệ những người nhiễm biến thể Delta sau đó lại nhiễm biến thể Omicron rất nhiều.
PGS. Dũng cho biết, hiện nay người dân đã thích ứng, sống chung với dịch. Họ không còn lo lắng, mất bình tĩnh như trước nữa. Yếu tố tâm lý này sẽ giúp họ nhanh hồi phục hơn.
-
Cách chăm sóc F0 tại nhà – tưởng dễ mà khó, rất dễ làm sai: Hướng dẫn chi tiết của CDC Mỹ
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nghĩ rằng cứ nhiễm sớm thì sẽ khỏi bệnh sớm và có thể tự do đi lại, đi làm không cần thực hiện 5K. Điều này là sai hoàn toàn. Có những bệnh nhân tháng trước nhiễm Delta, tháng sau đã có thể nhiễm Omicron. Với sự xuất hiện của biến thể mới thì khả năng tái nhiễm là rất lớn. Vì vậy, F0 dù đã âm tính vẫn cần phòng bệnh Covid-19 cho mình bằng cách tuân thủ thông điệp 5K.
Ngoài ra, PGS. Dũng cũng cho biết nếu suy nghĩ "nhiễm Covid-19 xong sẽ 'bất tử' với virus" rồi chủ quan, không tuân thủ 5K thì sẽ rất nguy hiểm cho công tác phòng chống dịch. Số ca mắc cao thì số ca tử vong cũng có thể tăng lên. Sống chung với đại dịch đó là hạn chế tối đa số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế - PGS. Dũng nói.
Ở người trẻ, khi họ đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 thì 99% nếu mắc bệnh thì chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, đau họng, mất khứu giác và/hoặc vị giác. Nhưng ở người già, dù đã tiêm đủ vắc xin thì họ vẫn có nguy cơ trở nặng, thậm chí nếu có thêm bệnh nền thì nguy cơ tử vong rất lớn. Vì vậy, PGS. Dũng nhấn mạnh mọi người cần bỏ tâm lý nhiễm sớm thì sẽ 'bất tử' với virus sớm.
BS. Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết sau khi khỏi Covid-19, người bệnh vẫn có thể nhiễm thêm biến thể mới Omicron.
BS. Khanh cho rằng nếu bạn đã cố gắng phòng tránh Covid-19 nhưng vẫn mắc thì bạn nên bình tĩnh, người già, người bệnh nền cần hết sức cẩn trọng. Đặc biệt, những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin Covid-19 nên nhanh chóng đi tiêm để bảo vệ sức khoẻ của mình.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nhieu-nguoi-nghi-mac-covid-xong-se-bat-tu-chuyen-gia-noi-sai-hoan-toan-rat-nguy-hiem-161222202183226451.htm
Theo ttvn.vn