Những dịch bệnh từng hoành hành trong lịch sử Trung Quốc: Dịch bệnh sớm nhất xảy ra khi nào?

Nguyên nhân nào khiến cho dịch bệnh ở Trung Quốc bùng phát?

Các loại bệnh mà hiện nay có thể dễ dàng chữa trị nhưng trong quá khứ từng là cơn ác mộng với người dân phải kể đến như bệnh phong, bệnh kiết lỵ, lao phổi...

Theo cách nói của Ngô Hữu Tính (1582-1652) – một danh y nổi tiếng thời nhà Minh trong cuốn "Ôn Dịch luận" (sách lý thuyết về bệnh dịch) thì "Dịch bệnh là thứ "đối xử" với mọi người một cách công bằng nhất, nó bất phân sang hèn mà sẽ lan tỏa chẳng chừa một ai".

Lịch sử trôi qua và ngày càng nhiều dịch bệnh

Bệnh dịch sớm nhất được ghi nhận ở Trung Quốc là vào thời nhà Chu. Trên thực tế vua Chu không còn nhiều quyền lực mà thời đại này đã là thời Xuân Thu – Chiến Quốc với các quốc gia nhỏ trên danh nghĩa thần phục vua Chu. 

Ở nước Lỗ khi ấy dưới thời Lỗ Trang Công (vị vua thứ 16 của nước Lỗ, địa phận tương ứng với tỉnh Sơn Đông ngày ngay) xuất hiện một loại bệnh dịch gọi là "Đại Tề dịch". 

Theo "Công Dương truyện" (một kinh sách cổ mà tác giả là Công Dương Cao, học trò của Khổng Tử) có ghi lại và khẳng định rằng mùa hạ năm Lỗ Trang Công thứ 20 (năm 674 trước Công nguyên) đã xuất hiện một loại dịch bệnh khó chữa đồng thời cũng lan rộng.

Còn trong cuốn "Trung Quốc cứu hoang sử" – một cuốn sách ghi lại quá trình cứu trợ dịch bệnh và nạn đói trong lịch sử Trung Quốc, do Nhà xuất bản Thương mại và in ấn Trung Quốc phát hành năm 2011, tác giả Đặng Vân Đặc đã có một thống kê về số lượng dịch bệnh từng thời kỳ như sau: 

Vào thời nhà Chu, có 1 đại dịch (như đã nêu ở trên). Đến thời nhà Tần và nhà Hán có tổng cộng 13 đại dịch, đến thời nhà Ngụy và nhà Tấn thì con số là 17 đại dịch. Đến thời nhà Tùy rồi nhà Đường cũng có tất cả 17 lần bùng phát dịch bệnh, thời Bắc Tống và Nam Tống là 32 lần, thời nhà Nguyên chưa tới 100 năm nhưng đã có 20 lần. Thời nhà Minh là 64 lần, cuối cùng là thời nhà Thanh với 74 lần đại dịch nổ ra.

Có thể thấy, càng về sau tỷ lệ dịch bệnh của các triều đại Trung Quốc ngày một tăng.

Nguyên nhân của dịch bệnh là gì?

Theo quan điểm của y học hiện đại, các loại bệnh hầu hết do vi khuẩn và virus gây ra. Chúng xâm nhập cơ thể con người làm cho các cơ quan bên trong của chúng ta không thể hoạt động như bình thường, cách tốt nhất là loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt.

Theo cuốn sách nổi tiếng "Súng, Vi trùng và Thép" xuất bản năm 1997 từng giúp tác giả Jared Dimond đoạt giải Pulitzer, phần "vận mệnh của xã hội loàn người" đã khẳng định loài người muốn tồn tại thì cần phải tìm hiểu thật rõ về vi khuẩn và virus. 

Ông cũng nói rằng vi khuẩn và virus đã sinh sôi, biến đổi cũng như lây nhiễm chính là kết quả chủ yếu từ quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nông nghiệp. Các phương pháp chăn nuôi, sản xuất, thói quen cư trú của các xã hội nông nghiệp cũ ở cả châu Á lẫn châu Âu đã tạo điều kiện để sản sinh vi khuẩn, virus dẫn tới dịch bệnh truyền nhiễm.

Tác giả của cuốn sách "Súng, Vi trùng và Thép" - Jared Dimond (Ảnh: Theguardian.com)

Xã hội Trung Quốc là một xã hội dựa vào sản xuất nông nghiệp trong hàng ngàn năm. Nền văn minh của họ cũng trên cơ sở nông nghiệp. Thêm vào đó, dân số đông cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh mỗi khi bùng phát sẽ khó lòng dập tắt bởi sức lây lan rộng và khó kiểm soát.

 

Một nguyên nhân nữa làm dịch bệnh thường bùng phát ở Trung Quốc là bởi các thảm họa tự nhiên. Những đợt hạn hán, các trận lũ lụt hoặc chiến tranh cũng khiến dịch bệnh có cơ hội tấn công. Cụ thể hơn, khi các thảm họa xảy ra, xác người chết, xác động vật không được xử lý kịp thời chính là điều kiện lý tưởng cho các loại bệnh truyền nhiễm phát sinh. 

Trong sách sử cũng ghi lại như sau: Theo "Tùy Thư, Tùy Dạng Đế ký" thì vào năm thứ 8 triều đại Tùy Dạng Đế (tức năm 612) thiên hạ trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, dẫn tới sau đó là đại dịch bệnh khởi phát khiến rất nhiều người phải chết. 

Còn cuốn "Tống Sử, Tống Nhân Tông ký" ghi lại cũng vào năm thứ 8 của triều đại (tức năm 1048), tháng 3 ở Hà Bắc đã xảy ra lũ lụt rất lớn, liền sau đó lại là bệnh dịch tràn lan. Đến thời nhà Nguyên, trong "Nguyên Sử, Nguyên Văn Tông ký" ghi lại năm thứ 2 vua Nguyên Văn Tông trị vì (tức năm 1331) đất Hằng Châu có đến 4 lần hạn hán và tất cả đều kéo theo dịch bệnh.

Chiến tranh và phương thức sản xuất lạc hậu là nguồn cơn để dịch bệnh dễ bùng phát và lan rộng (Ảnh: Internet)

Với một nền sản xuất nông nghiệp tương đối lạc hậu và ít thay đổi trong hàng ngàn năm, cùng lịch sử đầy những cuộc chiến tranh khốc liệt thì việc các triều đại của Trung Quốc dù hưng thịnh đến đâu cũng luôn phải đối mặt với các đại dịch lớn và nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của không ít người là điều rất khó tránh khỏi. 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nhung-dich-benh-tung-hoanh-hanh-trong-lich-su-trung-quoc-dich-benh-som-nhat-xay-ra-khi-nao-162200809070015459.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU