Con nổi loạn, nếu cha mẹ luôn đối đầu trực diện sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng, trẻ có thể có một số hành vi hung hăng hơn sẽ tự làm tổn thương chính mình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của con cái.
Những đứa trẻ không nổi loạn trong thời niên thiếu, phần lớn đều liên quan đến cách giáo dục con cái của cha mẹ. Những học sinh THCS hiếu học, hiếu thảo với cha mẹ và không "nổi loạn" chủ yếu xuất thân từ những gia đình sau:
Một gia đình dân chủ biết tôn trọng con cái
Chúng ta thường dạy con cái phải kính trọng cha mẹ, thực ra con cái cũng cần sự tôn trọng và thấu hiểu của người lớn. Nếu bị xem thường, trẻ sẽ dễ khơi dậy tâm lý nổi loạn.
Ví dụ, dẫn trẻ đến gặp người quen thì bắt trẻ phải chào hỏi niềm nở. Thực tế đối với trẻ, người này là người lạ. Việc nhắc nhở trẻ trước đám đông về việc chào hỏi vô tình biến trẻ thành thụ động, khiến đứa bé thu mình, ngại giao tiếp, xấu hổ với việc phải làm hài lòng người khác. Khi trẻ không chào, không nên đặt nặng việc này và mắng con trước đám đông. Bạn có thể về nhà, lựa lúc vui vẻ và hỏi con sao lại không chào, đồng thời nhắc nhở con ý thức về việc chào hỏi như một biểu hiện của sự yêu quý, tôn trọng. Dần dà, bé sẽ hiểu quy tắc đơn giản đó.
Hoặc khi mọi người tụ tập, cha mẹ muốn con cái thể hiện tài năng của mình, nhưng con cái có thể không sẵn lòng, và mâu thuẫn dễ nảy sinh.
Cha mẹ muốn kiểm soát sẽ trở thành chướng ngại vật trong quá trình trưởng thành của con. Con cái nổi loạn, cha mẹ bực bội, xích mích trong gia đình làm lãng phí rất nhiều thời gian và sức lực của cả hai bên.
Rất nhiều chuyện cha mẹ không thể tiếp nhận đều là lựa chọn của con cái, chỉ cần không vi phạm đạo đức, nên để con có chính kiến của mình. Nên thực sự tôn trọng, coi con cái như một cá thể độc lập, như những người bạn thì trẻ không cần phải nổi loạn để thoát khỏi "gông cùm". Đừng phơi bày khuyết điểm của trẻ, như vậy sẽ không giúp con sửa sai mà sẽ khiến trẻ chán ghét bởi ai cũng cần có lòng tự trọng.
Một gia đình con cái có thể thoải mái nói đủ thứ, cha mẹ trò chuyện hợp nhau
Gia đình kiểu gì khiến trẻ dễ nổi loạn? Đó là không khí gia đình căng thẳng, vợ chồng không hòa thuận, thường xuyên cãi vã, cha mẹ hay đánh mắng con cái. Khi trẻ lớn lên, muốn thay đổi tình trạng này nên xảy ra mâu thuẫn.
Ngược lại, trong một gia đình có mối quan hệ cha mẹ tốt và bầu không khí gia đình hòa thuận, trẻ em hiếm khi đi ngược dòng. Bởi vì từ nhỏ người lớn đã cho trẻ rất nhiều tình cảm ấm áp, chuyện gì cũng cùng cha mẹ nói chuyện, cho dù thỉnh thoảng có bất đồng cũng có thể nhanh chóng giải quyết mà không cần phản ứng quá khích.
Giao tiếp tích cực, cởi mở và hiệu quả rất quan trọng về mặt tâm lý đối với con trẻ. Nó là chìa khóa để con bước vào cuộc sống và hình thành các mối quan hệ xã hội. Hầu hết những người hạnh phúc cũng thường là những người tự tin, tự trọng và biết tôn trọng, có đủ bản lĩnh để đương đầu với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Và, chính lời nói của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt đẹp đó.
Vì vậy, muốn giáo dục con cái tốt thì cha mẹ cũng phải học cách ăn nói khéo léo, tạo môi trường gia đình êm ấm, ổn định để con cái trưởng thành. Trẻ sẽ lớn lên vô tư, nhân cách lành mạnh.
Vấn đề của trẻ thực chất là sự phản chiếu vấn đề của cha mẹ, muốn nuôi dạy những đứa trẻ tích cực, lạc quan, đạt điểm cao thì cha mẹ phải thay đổi chính mình.