Những người chồng hằn học khi vợ thành trụ cột

Chị Dịu càng được đối tác tin tưởng giao công trình xây dựng thì càng bị chồng cằn nhằn, thậm chí đánh đập.

Chị Dịu năm nay 58 tuổi, quê ở Củ Chi. Khoảng ba mươi năm trước, chị kết hôn với người chồng ở Phú Xuân - Nhà Bè (nay thuộc quận 7, TP HCM). Gia cảnh hai gia đình cùng nghèo, ruộng vườn không, buôn bán không biết, chị quyết định đi làm phụ hồ cùng chồng. Là phụ nữ, làm công việc đặc thù của nam giới nhưng chị nhanh chóng vượt lên. Nhờ tháo vát, nhanh nhẹn, từ phụ hồ, chị trở thành thợ xây, rồi trở thành người thầu các công trình xây dựng. Chị thậm chí còn nhận được các công trình của ngành xây dựng bưu điện, điện lực Nhà Bè. Trong khi đó, chồng chị vẫn giậm chân tại chỗ. Vì thế, anh không hài lòng khi vợ thăng tiến.

Trong công việc, càng được trọng dụng, tin tưởng thì về nhà, chị càng bị chồng cằn nhằn, thậm chí cả thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Anh muốn vợ nghỉ việc, vì không chịu nổi việc vợ thành công hơn mình ngoài xã hội. Mỗi tối, chị đều phải thủ thỉ với chồng rằng, chị đi làm chỉ vì lý do duy nhất là lo miếng cơm manh áo cho gia đình. “Tôi học ít, chồng không học nên nói nhiều cũng chẳng thấm tháp vào đâu", chị Dịu tâm sự. Anh vẫn đánh mắng vợ vì muốn chứng minh mình không hề kém vợ.

Để chồng không mặc cảm tự ti, nhận được các công trình, chị cho chồng đứng tên làm chủ. Chồng đi ký với đối tác bằng hợp đồng chị đã thảo sẵn, trả lương cho nhân viên bằng bảng lương chị đã tính toán chi tiết... Trên danh nghĩa chồng là người quản lý cao nhất nhưng thực tế, tất cả các công việc đều do một tay chị làm. Rồi anh có tiền, sinh hư, đi nhậu nhẹt và bị tai nạn giao thông đến mất sức lao động khi cô con gái út được một tuổi. Từ đó, chị một mình làm việc nuôi cả gia đình. Sau này, chị giảm bớt việc kinh doanh, để dành thời gian cho gia đình và các công tác xã hội, chồng nhiều lúc vẫn tỏ thái độ không bằng lòng, thậm chí khóa cửa không cho chị vào nếu đi làm về muộn.

Sự thành công ngoài xã hội là nguyên nhân khiến chị Dịu bị chồng đánh - Ảnh minh họa: Irish Times ​

“Cái gì em nói em làm được thì em đã làm. Anh hãy nhìn những gì em đã mang về cho cha con anh”, chị tiếp tục kiên trì thuyết phục chồng. Khoảng 7-8 năm nay, chồng chị mới bắt đầu thôi phàn nàn, cản trở vợ.

Câu chuyện do chị Dịu chia sẻ trong buổi tọa đàm mới đây tại TP HCM khiến cả hội trường xôn xao. Cô con gái út 20 tuổi ngồi cạnh mẹ cũng không khỏi xúc động khi lần đầu tiên trong đời được nghe mẹ kể về những khó khăn khi cố gắng hoàn thành công việc kiếm tiền cũng như chăm lo gia đình của bà.

Ngồi dưới khán phòng, chị Thu Thủy cũng cùng tâm trạng buồn vì bị chồng gây khó dễ khi thấy vợ hơn mình. Một việc đơn giản như khi cả hai vợ chồng chị cùng đầu tư chứng khoán. Nếu đợt nào, hai vợ chồng cùng lãi, tất nhiên cả nhà đều vui. Đợt nào hai vợ chồng đều lỗ, chồng không buồn, mà an ủi vợ. Thế nhưng, khi vợ đầu tư có lãi mà chồng thất bại, chị sẽ nhận đủ thứ bực bội, ấm ức của chồng vì theo anh, mình mới là người giỏi phán đoán thị trường hơn vợ. Hai vợ chồng dù làm hai ngành nghề không liên quan đến nhau nhưng thỉnh thoảng anh vẫn kiếm được cớ so sánh để 'dìm" vợ..

Chị Bích - một cán bộ hội phụ nữ may mắn hơn khi không bị chồng cản trở sự nghiệp, chỉ không được chồng hỗ trợ việc nhà. Chồng chị biết làm mọi việc, từ bếp núc đến điện nước, nhưng lười không làm. Thế nhưng nếu vợ xắn tay lên làm những việc của đàn ông trong gia đình thì anh lại không hài lòng.

Chia sẻ trong buổi hội thảo, tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TP HCM kể, bà đã gặp rất nhiều phụ nữ nhờ tư vấn nên chọn gì giữa công việc hay gia đình. Phụ nữ ai cũng muốn cả hai, nhưng rất nhiều người đã phải đánh đổi. Thực tế vẫn có rất nhiều ông chồng không ủng hộ sự thăng tiến của vợ, không chấp nhận vợ giỏi hơn mình, dù là việc kiếm tiền ngoài xã hội hay những việc có tính đàn ông trong nhà như xây dựng, sữa chữa điện nước.

Nhận xét về những ông chồng này, giáo sư tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch), cho rằng đó là những người đàn ông vẫn quen sống theo phong tục tập quán gia trưởng ngày trước, họ không muốn vợ giỏi hơn mình. Những người này có tâm lý ăn thua với vợ rất lớn. Họ cho rằng lúc nào mình cũng quan trọng hơn vợ.

Giáo sư Hiền khuyên, nếu không may gặp phải những người chồng lạc hậu như thế, người vợ vẫn cứ nên tìm cách phấn đấu trong công việc, sự nghiệp, nhưng nên im lặng, không nói với chồng về sự thành công của mình. Đặc biệt, nếu muốn giữ được hòa khí gia đình, khi phấn đấu cao hơn thì vợ cũng nên chịu khó nịnh chồng để ông ấy vui vẻ, không tự ái. Với những công việc nam giới trong nhà, nếu chồng không làm, vợ không chịu được, thì cũng đừng nhắc nhở chồng, có thể tự giải quyết, và nên nhẹ nhàng, không nên kể công sức của mình.* Tên nhân vật đã thay đổi

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU