Những tác động kinh khủng của đại dịch Covid-19 làm thay đổi thế giới

Sau hơn 2 năm, tính tới nay, toàn cầu ghi nhận hơn 535 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 6,3 triệu ca tử vong do đại dịch. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động, ảnh hưởng lớn và thay đổi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, y tế, quốc phòng,…

Tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ (Ảnh: Reuters)

 

Theo dữ liệu của Our World in Data, tới nay, hơn 66% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và hơn 60% đã tiêm 2 mũi vaccine.

 

“Các loại vaccine ngừa Covid-19 đã có tác động rất lớn trong việc ngăn chặn tử vong và giúp các nền kinh tế trở lại bình thường. Ở các quốc gia có mức độ tiêm vaccine bao phủ cao, ngay cả khi có những đợt lây nhiễm mới, số ca tử vong vẫn ở mức thấp”, nhà khoa học Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

 

Sự phát triển và triển khai các vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng đã cứu sống ít nhất 750.000 người chỉ tính riêng ở Mỹ và châu Âu.

 

Một nghiên cứu từ WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu ở Solna, Thụy Điển, ước tính rằng 470.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ vaccine Covid-19 tại 33 quốc gia châu Âu, chỉ tính riêng khu vực đối tượng là những người từ 60 tuổi trở lên.

 

Một nghiên cứu khác của các nhà dịch tễ học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut (Mỹ) chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2021, hơn 279.000 người tại Mỹ đã được cứu sống nhờ tiêm vaccine Covid-19.

 

Tuy nhiên, bất chấp sự thành công đáng kinh ngạc của vaccine Covid-19, thế giới vẫn chứng kiến sự bất bình đẳng vaccine một cách sâu sắc.

 

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid cho biết, dù đã có hơn 10 tỷ liều vaccine Covid-19 được tiêm cho người dân toàn cầu, một con số đủ để tiêm phòng cho tất cả dân số thế giới, nhưng 38% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Bên cạnh đó, còn 27 nước có tỷ lệ tiêm chủng chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm mũi thứ 3 cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.

 

Kinh tế

 

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng bao gồm cuộc suy thoái toàn cầu lớn thứ hai trong lịch sử gần đây.

 

Một số quốc gia vẫn ở trong hố sâu suy thoái, trong khi những nước khác lại vươn lên tốt hơn so với trước đại dịch. Nền kinh tế của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ vẫn vận hành khá tốt. Tuy nhiên, nhiều nước lớn ở châu Âu, bao gồm Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha, tình hình kinh tế lại mang màu u ám hơn.

 

Một số quốc gia ở Nam Âu, nơi phụ thuộc lớn vào du lịch, dễ bị tổn thương bởi các lệnh cấm du lịch và sụt giảm trong chi tiêu dịch vụ.

 

Các nước như Bỉ và Anh, nơi ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 ở mức cao, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế.

 

Ở một số quốc gia, đặc biệt là những nơi không chịu tác động mạnh của Covid-19, thị trường lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều.

 

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hầu như không thay đổi nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Tây Ban Nha lại tăng 3% trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 8/2020.

 

Một số quốc gia bù đắp cho thu nhập giảm của người dân bằng các gói hỗ trợ kinh tế. Tại Mỹ, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, các hộ gia đình vẫn nhận được hơn 2 triệu USD từ chính phủ dưới dạng trợ cấp thất nghiệp và gói kích thích kinh tế.

 

 

 

Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-tac-dong-kinh-khung-cua-dai-dich-covid-19-lam-thay-doi-the-gioi-post948849.vov

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU