Ngày 26/9 vừa qua, nghệ sĩ hài Khánh Nam đột ngột ra đi do xuất huyết não. Ảnh Internet.
Tử vong đột ngột vì xuất huyết não
3 ngày vừa qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của đột ngột của danh hài Khánh Nam vì xuất huyết não. Vào ngày 26/9, nghệ sĩ Khánh Nam có lịch đi diễn ở Long An. Khi đang ngồi chờ diễn thì anh than chóng mặt rồi gục xuống ngay sau đó. Danh hài lập tức được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi và tử vong vào 0h ngày 27/9. Thông tin đã khiến đồng nghiệp và nhiều người hâm hộ danh hài nuối tiếc.
Không chỉ riêng nghệ sĩ Khánh Nam, trước đó, vào 0h25 ngày 21/4, NSƯT cải lương Thanh Sang cũng qua đời tại nhà riêng ở TP HCM, sau hơn nửa tháng hôn mê vì xuất huyết não.
Xuất huyết não là biến chứng của các thành mạch máu bị vỡ do áp lực lưu thông của máu quá lớn, máu tràn ra tạo áp lực lên mô não. Căn bệnh cũng đang có dấu hiệu trẻ hóa vì ngày càng nhiều bệnh nhân bị xuất huyết khi tuổi đời chưa đến 45 tuổi.
Theo các bác sỹ, trước đây, bệnh nhân xuất huyết não thường rơi vào độ tuổi từ 55 trở lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì thường xuyên xuất hiện bệnh nhân xuất huyết não khá trẻ. Đây là điều đáng quan tâm vì hình thái bệnh tật đang có sự thay đổi.
Chảy máu não gây ra rất nhiều di chứng nặng nề cho cơ thể người như cấm khẩu, liệt nửa người, rối loạn thị lực. Trong phần lớn các ca, sự hồi phục rất hạn chế. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não trong vòng 30 ngày là 50%, trong đó một nửa số bệnh nhân tử vong trong 2 ngày đầu tiên.
Nhiều trường hợp còn sống sau xuất huyết não nhưng rơi vào tình trạng sống thực vật rồi chết vì bội nhiễm và suy kiệt. Trong những trường hợp sống sót, chỉ có khoảng 1/5 số bệnh nhân có thể sống tự lập tại thời điểm 1 năm sau xuất huyết não.
Phòng ngừa từ những dấu hiệu đơn giản nhất
Như chúng ta đã biết, huyết áp cao là 1 trong 2 nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ chảy máu não. Vì vậy, những người đang bị bệnh huyết áp cao cần thường xuyên đo huyết áp cơ thể và thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
Khi được kê đơn, cần uống thuốc và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn và luôn giữ tinh thần trong trạng thái thư giãn nhất.
Chúng ta nên kiểm soát cân nặng trong mức độ cho phép. Không để cơ thể quá béo. Tuyệt đối không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá vì có thể tăng nguy cơ gây chảy máu não.
Tăng cường vận động để mạch máu dẻo dai hơn. Nên tập các bài tập giúp mãu lưu thông trong cơ thể tốt hơn như yoga, chạy bộ…
Đáng lưu ý là khi cơ thể có các dấu hiệu như cứng họng, líu lưỡi khi nói, tay chân đột nhiên cứng đờ, thậm chí là thoáng mất định hướng về không gian và thời gian…cần cảnh giác với đột quỵ, tai biến để ứng phó kịp thời.