Những trò chơi dân gian mùa trung thu mà chỉ 8X mới biết: Cả một trời thương nhớ

Ngày nay rất ít trẻ con biết đến những trò chơi dân gian trong mùa trung thu. Nhưng với thế hệ 8X, đó là những trò chơi tuổi thơ chất chứa cả một vùng trời thương nhớ.

Trò rước đèn ông sao

Ngày nay đèn ông sao vẫn được bày bán mỗi dịp Trung thu về, nhưng nó không còn phổ biến và là món đồ chơi yêu thích của trẻ em nữa. Tuy nhiên, với thế hệ 8X thì đèn ông sao là món đồ quý giá nhất mà ai cũng nâng niu, chăm chút và đếm từng ngày đợi đến lúc được đi rước đèn.

Trong lễ rước đèn, trẻ nhỏ sẽ xếp thành hàng dài, tay cầm đèn trung thu đã thắp một ngọn nến ở trong và rồng rắn theo hàng rước một vòng khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung thu. Tại một số địa phương, người dân còn làm những chiếc đèn ông sao rất lớn để tổ chức thi rước đèn giữa các thôn, xóm.

Mặt nạ giấy bồi

Ngày nay mặt nạ hiện đại vô cùng phong phú với nhiều chất liệu như nhựa, cao su… sản xuất bằng công nghệ hiện đại, mô phỏng hình ảnh của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng hoặc mặt nạ kinh dị… nên không nhiều trẻ còn nhớ đến loại mặt nạ giấy bồi truyền thồng. Tuy nhiên, đây lại là món đồ chơi yêu thích của trẻ em trước đây, đặc biệt là thế hệ 8X.

Được làm chủ yếu từ giấy bồi và khung bằng tre, qua bàn tay khéo léo của người thợ thổi hồn vào những tờ giấy vô tri thành những chiếc mặt nạ mang nhiều hình thù khác nhau. Những chiếc đầu lân thì kỳ công hơn một chút khi phải trang trí những họa tiết như : Mi mắt, râu, bờm…

Trống bổi

Những năm trước đây, mỗi dịp Trung thu về bên cạnh đèn ông sao thì những chiếc trống bổi cũng là trò chơi quen thuộc của trẻ nhỏ. Trong lễ rước đèn, những bé không cầm đèn ông sao thì sẽ mang theo trống bổi và gõ theo nhịp, tạo nên không khí đêm hội trăng rằm vô cùng náo nhiệt. Những chiếc trống đều được người dân tự làm từ khâu lựa chọn gỗ. Loại gỗ làm trống là bồ đề, được làm rỗng ở giữa, sau đó thuê thợ bọc da vào hai mặt trống, rồi lại mang về sơn hoàn thiện.

Tò he

Không chỉ là món đồ chơi quen thuộc trong mỗi dịp Trung thu hay lễ tết, tò he còn là một nét văn hóa dân gian đặc sắc của nước ta. Nguyên liệu để làm tò he chính là từ bột gạo trộn với nếp theo tỷ lệ nhất định, luộc nhín rồi nhào nhanh tay cho dẻo sau đó nhuộm thành các màu khác nhau. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ nặn tò he, mà bột sẽ được nặn thành các hình thù đẹp mắt như hình tôn ngộ không, hình bông hoa, 12 con giáp… Ngày nay tò he không còn phổ biến nhưng nó vẫn còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ của những thế hệ 7X, 8X.

Trò cam, quýt, mít, dừa

Đây là trò chơi rất quen thuộc với thế hệ 8X. Mỗi lượt chơi sẽ có 8 bạn. Trong nhóm, sẽ chọn ra một bạn gọi là “cái”. Những bạn còn lại sẽ xếp thành hàng ngang, đặt tên theo 7 loại quả là: Cam, Quýt, Mít, Dừa, Dưa, Hồng, Cậy.  Kẻ một đường thẳng ngang làm vạch đích. Mỗi người đứng độc lập với nhau, cách vạch đích 10 – 15m, đưa hai bàn tay ra sau lưng, đan vào nhau tạo thành một cái bát hứng.

Bạn cầm cái sẽ cầm một quả bóng nhỏ hoặc một loại trái cây bất kỳ, đặt bất ngờ vào tay của một bạn nào đó. Người nhận được quả này phải tìm cách chạy nhanh về vạch đích, 2 người sát bên phải tìm cách ngăn lại. Nếu tới đích thành công sẽ là người chiến thắng và được gọi tên một loại quả bất kỳ trong số 7 quả Cam, Quýt, Mít, Dừa, Dưa, Hồng, Cậy. Người bị gọi tên sẽ phải cõng người chiến thắng từ vạch đích về và bắt đầu lượt chơi tiếp theo.

Trò chơi chuột nhử mèo

Trò chơi này có thể chơi nhiều người từ 6 – 7 người trở lên. Chọn 1 bạn làm chuột, các bạn khác sẽ làm mèo, ngồi thành 1 vòng tròn hướng mắt vào bên trong, chìa tay ra sau lưng. Chuột sẽ đi 1 vòng và thả chiếc khăn (làm mồi nhử) sau lưng một bạn mèo bất kỳ sao cho mèo không phát hiện ra. Sau khi thả khăn, chuột chạy 1 vòng quay lại nếu mèo vẫn không phát hiện thì chuột cầm khăn đập mạnh vào lưng và vai mèo.

Nếu khi chuột thả mồi mà mèo phát hiện, thì mèo cầm khăn đuổi theo bắt chuột. Chuột phải nhanh chân chạy 1 vòng rồi ngồi lại vào đúng vị trí của mèo đã bỏ lại thì mới thoát. Nếu bị bắt, chuột sẽ bị mèo dùng khăn quất mạnh vào vai và lưng. Mèo thắng cuộc sẽ trở thành chuột và lượt chơi mới bắt đầu.

Bố mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn các con chơi những trò chơi thời nhỏ để ôn lại thời thơ ấu đáng nhớ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU